Giải mã lối đánh hiện nay của Ukraine trước khả năng thích nghi của Nga

Kiều Anh |

Sau khi nhận ra lối đánh phương Tây không phù hợp với điều kiện chiến trường, các lực lượng của Ukraine đã chuyển sang lối đánh mà họ hiểu rõ nhất để thăm dò phòng tuyến Nga.

Ukraine đang triển khai lối đánh như thế nào?

Ukraine sẽ sớm đối mặt với mùa đông thứ hai của cuộc xung đột nhưng các chiến dịch dữ dội cách đây 1 năm với thành quả đáng kể như ở Kharkiv và Kherson dường như là một kịch bản xa vời.

Quân đội Ukraine hiện đang tiến hành cuộc xung đột tiêu hao nhằm vào các lực lượng của Nga trên tiền tuyến trải dài gần 1.000km. Trong khi đó, Kiev vẫn hạn chế về không lực và các cuộc tấn công có thể bị gián đoạn bởi thời tiết xấu.

Nga có thể sẽ tiến hành một chiến dịch khác để phá hủy các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine. Trên chiến trường, các lực lượng của Moscow không ngừng tìm cách thích nghi. Ngân sách quốc phòng năm sau của Nga sẽ cao hơn 70% so với năm nay. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.

Giải mã lối đánh hiện nay của Ukraine trước khả năng thích nghi của Nga - Ảnh 1.

Binh lính Ukraine lái xe tăng T-64 trong cuộc tập trận ở khu vực Kiev. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Ukraine cũng đang tìm cách thích nghi sau khởi đầu trắc trở. Sau khi nhận ra lối đánh phương Tây không phù hợp với điều kiện và tình hình chiến trường, các lực lượng của Kiev đã chuyển sang lối đánh mà họ hiểu rõ nhất, sử dụng các nhóm bộ binh di động nhỏ để thăm dò phòng tuyến của Nga. Đây là chiến thuật phù hợp với hoàn cảnh hiện nay bởi các UAV của Nga sẽ phát hiện ra các điểm tập trung lực lượng trên quy mô lớn và phóng tên lửa tiêu diệt.

Nhỏ và linh động chính là câu trả lời cho lối đánh của Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNN tuần trước, Tướng Oleksandr Tarnavsky cho biết: "Cả đối phương và chúng tôi đều không sử dụng các đại đội, tiểu đoàn hay lữ đoàn mà chỉ sử dụng các nhóm tấn công nhỏ với mỗi nhóm gồm 10 - 15 người". Ukraine vẫn chưa chuẩn bị để mạo hiểm đưa các nhóm tấn công lớn vào chiến trường do lo ngại thương vong.

"Kỹ năng chính của bất kỳ chỉ huy ở bất kỳ cấp độ nào là bảo toàn lực lượng", Tướng Tarnavsky nói.

Lối đánh trên của Ukraine sẽ ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện bùn lầy hay sương mù trong những tháng mùa đông.

"Thời tiết có thể là một trở ngại quan trọng trong cuộc tiến công. Nhưng cân nhắc đến cách thức chúng tôi sẽ tiến công, đó là chủ yếu không sử dụng các phương tiện, tôi nghĩ là điều đó không ảnh hưởng lớn đến giai đoạn phản công này", ông Tarnavsky nói.

Tuy nhiên, Ukraine cũng đang tận dụng nguồn cung pháo tầm xa từ phương Tây, cả ở phía Nam và phía Đông. Kiev đã tăng cường đáng kể các cuộc tấn công tên lửa tầm xa và UAV nhằm vào các trung tâm quân sự của Nga: các trung tâm chỉ huy, kho nhiên liệu, đạn dược và trung tâm vận chuyển.

Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh, Đô đốc Tony Radakin đã gọi chiến lược này là "làm tiêu hao, kéo căng và tấn công", mặc dù việc tấn công được tiến hành từ xa.

Crimea đã trở thành một mục tiêu thường xuyên của Ukraine nhằm làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của Nga và làm suy giảm khả năng của Hạm đội Biển Đen. Những cuộc tấn công như vậy có thể sẽ tiếp tục và leo thang trong mùa đông khiến cho tiến triển trên thực địa trở nên ngày càng thách thức hơn. Tên lửa tầm xa Taurus do Đức sản xuất và ATACMS của Mỹ sẽ thúc đẩy mục tiêu của Ukraine nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Nga (mặc dù chúng không nằm ngoài lãnh thổ Ukraine).

Theo một số nhà quan sát nhận định trên WarZone: "Khả năng phóng một đầu đạn nặng hơn 220kg với hỏa lực mạnh mẽ từ xa sẽ gây ra rắc rối lớn cho các nút giao hậu cần quan trọng của Nga và các cơ sở hạ tầng liên quan như cầu đường, cũng như các trung tâm kiểm soát và chỉ huy nằm phía sau tiền tuyến.

Trong những tháng qua, các lực lượng của Ukraine tập trung vào việc làm suy yếu hệ thống phòng không Nga, buộc đối phương phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về các mục tiêu cần bảo vệ, đặc biệt giữa bối cảnh các hệ thống phòng thủ được triển khai ở Moscow liên tục đối mặt với các cuộc tấn công UAV thời gian qua.

Nếu Ukraine nhận được tên lửa tầm xa ATACMS như kỳ vọng, Kiev có thể gây tổn thất cho các mục tiêu ở những vị trí xa hơn của Nga như các căn cứ không quân. Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov nhận định: "Giao tranh với các phương tiện trên không của Nga bằng cách sử dụng các hệ thống phòng không rất tốn kém và không hiệu quả. Các phương tiện trên không sẽ được đưa khỏi các căn cứ không quân".

Việc dời chúng tới chỗ khác là một nhiệm vụ lớn. Quân đội Nga đã học hỏi từ những sai lầm của mình.

"Nga được coi là lực lượng học hỏi nhanh nhất để đối phó với các chiến thuật của chúng tôi - đã được chứng minh bởi các hoạt động của họ trên chiến trường", Tướng Tarnovsky nhận định với CNN.

Dù vậy, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, một phần của Tập đoàn quân hợp thành 25 của Nga đã được triển khai để tăng cường ở phía Bắc.

"Với việc Tập đoàn quân hợp thành số 25 dường như được triển khai một phần tới đây để củng cố tiền tuyến đang bị kéo căng, một cuộc tấn công phối hợp mới của Nga là điều khó có khả năng xảy ra trong những tuần tới", Bộ Quốc phòng Anh cho hay.

Theo ông Mick Ryan, cựu Tướng Australia: "Mức độ Ukraine có thể gây ra sự phá hủy và thương vong bất đối xứng lên các lực lượng của Nga trong những tuần tới sẽ là một thước đo thành công quan trọng.

Những biến số định hình giai đoạn mới của xung đột

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và một số người khác đã nói về những "tiến triển ổn định" của Ukraine trên chiến trường, nhưng với nhiều nhà phân tích và giới chức phương Tây, cuộc xung đột hiện nay dường như đang chững lại.

Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng xung đột sẽ kéo dài đến năm 2025. Nhà quan sát Ryan đánh giá, phương Tây cần nhận thức và lên kế hoạch cho việc này.

Tướng Lục quân Mỹ Robert Rose nhận định: "Ukraine không có lợi thế "xa xỉ" để tiến hành các chiến dịch tấn công nhanh chóng. Họ phải trải qua một cuộc xung đột tiêu hao và chúng ta cần chuẩn bị điều đó cho đến khi làm kiệt sức quân đội Nga".

Châu Âu và Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine về quân sự và tài chính nhưng đã có những dấu hiệu của sự mệt mỏi. Sự nghi ngờ và tranh cãi cũng gia tăng.

Căng thẳng gần đây giữa Ukraine và chính phủ Ba Lan về việc xuất khẩu ngũ cốc đã cho thấy quan điểm chính trị giữa các nước phương Tây dễ dịch chuyển như thế nào. Chiến dịch tranh cử ở Mỹ đang diễn ra giữa các đối thủ của đảng Cộng hòa và mức độ ủng hộ cho Ukraine hiện là một vấn đề gây chia rẽ.

Mùa xuân năm 2024 sẽ định hình một giai đoạn quan trọng của cuộc xung đột. Cả hai bên đều sử dụng mùa đông như một thời điểm để tái trang bị vũ khí và lực lượng.

Theo ông Max Boot thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đó là lý do tại sao việc cung cấp vũ khí phương Tây cho Ukraine phải tăng cường.

"Việc không thể cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ cuộc xung đột kéo dài vô thời hạn", ông Boot nói.

Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng, vào năm tới, những tác động kinh tế của Nga sẽ ngày càng gia tăng khi ngấm đòn trừng phạt.

Nhiều biến số sẽ định hình tương lai của cuộc xung đột trong tương lai. Tuy nhiên, trước mắt, hai bên sẽ cần phải vượt qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại