Trên đời có hai mẫu người: chơi được game dòng Soulborne (Demon's Souls, Dark Souls, Bloodborne) và thích thú với nó, còn lại là không thích và không chơi nổi. Đây là sự thật hiển nhiên, vì nếu đã chơi được Soulborne thì chắc chắn một người phải thích nó; game cực kỳ khó, bạn phải chết tới vài trăm lần thì may ra mới đi được nửa game.
Nhưng có một sự thật khác có thể bạn chưa biết: khi đứng đối diện với Sekiro: Shadow Dies Twice, fan của Soulborne sẽ chia làm hai phe đối nghịch. Những nét riêng, nét đẹp của Sekiro đã làm phật ý một lượng không nhỏ fan cứng của game dòng Soulborne, nhưng vẫn khiến game thủ toàn thế giới sốt sắng tột cùng trong mấy tuần qua.
Soulborne và Sekiro đều đến từ nhà phát triển FromSoftware và là đứa con tinh thần của chủ tịch Hidetaka Miyazaki. Chúng đều nổi tiếng về độ khó kinh hoàng, đều nằm trong những thế giới buồn đến u tối và đẹp đến mê lòng người, nhưng hà cớ gì mà cộng đồng fan Soulborne “tan đàn xẻ nghé”?
Trước hết, tạm gác lại cái đẹp của hai tựa game, đây là những lý do trả lời câu hỏi trên.
Hai game đều khó, nhưng chúng khó theo những kiểu hoàn toàn khác nhau.
TrongSoulborne, ngoài việc cẩn thận theo dõi thanh máu, bạn phải để ý tới cả thanh Lực - Stamina để điều phối hoạt động nhân vật cho hợp lý. Việc chạy, tấn công, giơ khiên đỡ đòn, lăn lộn né các pha tấn công của đối thủ đều có ảnh hưởng lên Stamina. Nếu cứ lao vào chém đối phương mà không có tính toán trước, bạn sẽ hết lực và bất lực trước đòn đánh của kẻ địch.
Vậy nên chiến thuật chính của Soulborne sẽ là học thuộc mọi đòn đánh của đối phương, tránh né hợp lý để rồi cấu máu địch thủ dần dần, cấu từng milimet một.
Sekiro đã loại bỏ hoàn toàn thanh Stamina, cho người chơi thoải mái di chuyển và ra đòn tấn công. Nhân vật trong Sekiro là một ninja, việc di chuyển thoải mái là tối quan trọng với phong cách chiến đấu của một nhẫn giả.
Bạn cũng phải học thuộc từng đòn đánh của đối phương, nhưng không chỉ để né, mà để phản đòn một cách hợp lý với từng chiêu thức. Khi đối phương thực hiện một cú thọc, bạn hoặc né hoặc nghiêng người dẫm thẳng lên vũ khí đối phương, rồi ngay lập tức tung đòn kết liễu; khi đối phương thực hiện một cú quét vũ khí, bạn nhảy lên và đạp vào đầu hắn một phát choáng váng.
Nếu không thành thục được khả năng đỡ đòn và phản đòn, bạn sẽ không bao giờ chơi hết được Sekiro: Shadows Die Twice. Khác với phong cách “chém xong chạy” của Soulborne, đa số các màn đánh boss của Sekiro xoay quanh việc đỡ đòn chính xác và phản đòn hợp lý.
Việc liên tục phải đỡ đòn rồi lặp đi lặp lại những pha kết liễu sẽ khiến nhiều game thủ Soulborne, vốn đã quen với phong cách chiến đấu cũ sau hàng ngàn giờ chơi, sớm nhàm chán với Sekiro.
Nhưng rất nhiều game thủ không thích lối “chơi bẩn” của Soulborne, sẽ được “chơi bẩn” theo cách riêng của Sekiro: lén lút lại gần một kẻ địch, và đâm từ sau lưng một đòn chí mạng. Một phong cách rất ninja, không còn nặng hơi hướng chiến binh tả xung hữu đột như Soulborne.
Một điểm khác khiến fan Soulborne lắc đầu là cảm giác tự do trong Sekiro không được như trước. “Cảm giác tự do” đến từ hai phần:
- Việc tạo nhân vật với bất kỳ giới tính, chỉ số, vũ khí và phong cách đánh nào.
- Thế giới rất rộng và nhiều nơi khám phá. Người chơi lạc mình vào trong bối cảnh của Soulborne, tự tìm hiểu các ngõ ngách, các công dụng của từng yếu tố khác nhau trong game - Họ phải tự tìm cách chơi.
Thế nhưng Sekiro lại sử dụng chính hai điểm trên để kể cho mình một câu chuyện rất riêng: bạn sẽ chơi nhân vật mặc định, sẽ được đắm mình vào những trở ngại nhân vật phải vượt qua để đến được đích cuối; thế giới của Sekiro mang nhiều hơi hướng tuyến tính hơn, nhưng nó có thể khiến cho trải nghiệm cốt truyện được mạch lạc, không đứt đoạn bởi nhiều ngõ ngách.
Sekiro còn có sự tự do riêng, đến từ chính thiết kế của game. Tặng cho người chơi một thiết bị dây móc để bay nhảy từ mái nhà này sang cành cây khác, đạo diễn game Sekiro, Hidetaka Miyazaki vẽ ra một kịch bản khác với những game dòng Soulborne đã có trước đó.
“Cách thiết kế game này cho phép chúng tôi tự do sáng tạo hơn, và cho người chơi thoải mái quyết định giữa đối mặt thẳng với vấn đề hay tìm cách thức khác. Bên cạnh đó họ liên tục nhận thêm vũ khí, phải học cách tận dụng mọi thứ để có thể vượt qua những thử thách trong game”.
Hidetaka Miyazaki
Bạn có nhiều cách để xử lý một vấn đề, lao thẳng vào chém địch thủ như một chiến binh dũng mãnh, hoặc lén lút vượt rào, “xiên” từng tên địch một như một nhẫn giả. Bạn toàn quyền quyết định mình thích thú với phong cách nào, tuy nhiên vì game rất khó, nên đa số người sẽ chọn cách hai.
Với tôi, điểm hay nhất của Sekiro so với Soulborne chính là hệ thống combat, không phải chỉ vì nó hay, mà đó là công cụ DUY NHẤT cho phép bạn hoàn thành game. Như với Dark Souls hay Bloodborne, bạn có thể cày cuốc để cho nhân vật mình khỏe hơn; với máu dày, sát thương lớn, bạn có thể "liên tục đập đầu vào tưởng cho đến khi gạch vỡ", chơi mãi rồi sẽ qua.
Nhưng trong Sekiro, để máu dày hơn và sát thương lớn hơn, bạn phải vượt qua một số con boss nhất định để lấy đồ nâng cấp. "Cày" quái thường chỉ cho bạn điểm để nâng một số kỹ năng hỗ trợ thôi. Bạn phải dựa hoàn toàn vào khả năng đỡ đòn chính xác để có thể hoàn thành Sekiro.
Bốn viên ngọc mới ghép được một tràng hạt tăng máu, đa số ngọc phải đánh thắng boss mới có được.
Bạn sẽ được trải nghiệm một câu chuyện đầy bí ẩn, u ám của chàng shinobi Sekiro, dịch sát nghĩa sẽ là “Con sói một tay”. Tôi đang cố gắng vượt qua Genichiro Ashina, con boss “không thể bị đánh bại” xuất hiện ở ngay đầu game, còn bạn đã tới đâu rồi?