Điềm báo từ cái chết của Tuân Úc
Tuân Úc là mưu sĩ sớm nhất của Tào Tháo, luận về tài năng chỉ đứng sau Quách Gia. Lúc đầu, Tuân Úc tận tâm, trung thành, lập nhiều công trạng, được Tào Tháo rất mực trọng dụng, kính nể.
Sinh thời, mưu sĩ họ Tuân xuất thân từ gia tộc "tứ thế tam công" (bốn đời làm quan to), địa vị vốn cao hơn Tào Tháo rất nhiều. Bởi vậy, khi được Tuân Úc đầu quân, Tào càng có được sự ủng hộ của cả nhà họ Tuân, thế lực và địa vị nâng cao không ít.
Vậy nhưng, Tuân Úc đi theo Tào Tháo vốn để trợ giúp cho Hoàng tộc nhà Hán. Trong khi đó, Tào Tháo càng về sau càng bộc lộ dã tâm bá chủ, chẳng mấy chốc bị Tuân Úc phát hiện.
Từ chỗ là mưu sĩ thân cận, Tuân Úc đứng ra phản đối Tào Tháo. Kết quả là vị mưu sĩ họ Tuân ấy bị Tào ban cho một chén rượu độc mà ra đi trong tức tưởi.
Kỳ thực, Quan Vũ và Tuân Úc tuy đứng ở hai đầu chiến tuyến, nhưng lại có chung lý tưởng. Sinh thời, Quan Vân Trường "rảnh rỗi liền đọc Xuân thu", có chí lớn, đi theo Lưu Bị phần vì nghĩa khí, còn lại phần lớn vì muốn phò tá tôn thất nhà Hán để lưu danh thiên cổ.
"Cầm tù" trong tư tưởng trung quân phục Hán
Sau khi về tay Tào Tháo, Quan Vũ được phong làm "Hán Thọ đình hầu". Chức tước này trên danh nghĩa là Hán Hiến Đế sắc phong, nhưng thực chất được chính Tào Tháo ban cho.
Đối với phong hào này, Quan Vũ vô cùng coi trọng. Bởi trong mắt ông, đó chính là chức vị được triều đình nhà Hán ban cho, là thứ chứng minh ông bước vào hàng ngũ quan viên của Hán triều.
Sau này, khi đã ly khai Tào Tháo về với Lưu Bị, theo lẽ thường, Quan Vũ không nên nhắc tới chức vị ấy để tránh làm đại ca không vui.
Nhưng Quan Vũ vẫn liên tục tự xưng là "Hán Thọ đình hầu", thậm chí còn xưng thành "Hán Thọ đình hầu quan". Ông càng coi đó là vinh dự, thì Lưu Bị càng thấy đó là "cái gai trong mắt", là chiêu trò "dỗ ngọt", thị uy của Tào Tháo.
Quá coi trọng chức tước của Tào Tháo ban cho, Quan Vũ dần trở thành "cái gai trong mắt" người huynh trưởng Lưu Bị. (Tranh minh họa).
Sau trận Hoa Dung, Quan Vũ ngầm tha cho Tào Tháo, nếu là tướng khác sẽ khó lòng giũ mạng. Thế nhưng Lưu Bị "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà cho qua, bởi nếu chém Quan Vũ sẽ làm tổn hại tình nghĩa anh em, đi ngược với chiêu bài thu phục lòng người của vị quân chủ này.
Tuy nhiên dù ngoài mặt cho qua, trong lòng Lưu Bị từ sớm đã bắt đầu nghi ngờ người huynh đệ từng uống máu ăn thề.
Về việc Quan Vũ ngầm thả Tào Tháo, ngoài lý do tình cảm cá nhân thì còn xuất phát từ tâm lý lo sợ. Quan Vân Trường sợ rằng nếu Lưu Bị giết Tào, thì kẻ kế tiếp phải rơi đầu sẽ chính là mình.
Còn Gia Cát Lượng từ sớm đã tiên liệu được việc Quan Vũ thả Tào, nhưng không hề ngăn cản mà còn cho Quan Vũ sống đến ải cuối cùng. Bởi kỳ thực, Ngọa Long tiên sinh từ sớm đã hiểu rõ: Thế "tam túc đỉnh lập" (chân vạc) mới là kết quả tốt nhất cho cuộc tranh đấu này.
"Cái gai" trong mắt ba quân chủ Tam Quốc
Đến khi Lưu Bị chiếm Tây Xuyên, cả Gia Cát Lượng, Pháp Chính và nhiều người khác đều cật lực khuyên ông xưng đế. Nhưng Lưu Bị một mực cự tuyệt, chỉ xưng làm Hán Trung Vương.
Bởi lẽ ông hiểu rõ, khi đó Quan Vũ đang ở Kinh Châu, nếu ông xưng đế chẳng khác nào ép Vân Trường đầu hàng Tào Tháo. Nhưng ngay cả khi Lưu Bị xưng vương, Quan Vũ trong lòng vẫn vô cùng bất mãn.
Ông cho rằng, danh xưng ấy không được Hán Hiến Đế phê chuẩn, không được công nhận, là hành động vượt phép, phản nghịch. Vì thế, ngay cả khi được phong làm thượng tướng trong hàng ngũ hổ, Quan Vũ vẫn rất miễn cưỡng vâng mệnh.
Thái độ bất mãn công khai của Quan Vũ càng làm tăng thêm sự căng thẳng trong nội bộ tập đoàn quân sự của Lưu Bị. (Ảnh minh họa).
Về thái độ của Quan Công khi ấy, "Tam Quốc diễn nghĩa" miêu tả rất sinh động: Khi Phí Thi mang theo chiếu bổ nhiệm của Lưu Bị tới Kinh Châu cho Quan Vũ, Quan Vũ liền ngang nhiên hỏi: "Hán Trung Vương phong cho ta tước gì?"
Thái độ của Quan Công khi đó tỏ rõ sự bất mãn và coi nhẹ, khác hẳn với lúc ông được Tào Tháo phong làm "Hán Thọ đình hầu". Bởi Quan Vũ hiểu rõ, Lưu Bị tự xưng làm vương, đồng nghĩa với việc không có tư cách phong tước.
Khi nghe tới việc mình được phong chức đứng đầu trong "ngũ hổ thượng tướng", Quan Vũ càng thêm giận dữ. Ngay cả khi miễn cưỡng tiếp nhận chức vị này, ông cũng tỏ rõ thái độ bất mãn.
Phí Thi đem toàn bộ sự tình tâu lại với Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Khi ấy, Quan Vũ trở thành một rắc rối đau đầu đối với Lưu Bị.
Nếu để Quan Vũ vào Tứ Xuyên, e rằng sau này khó tránh khỏi xích mích, mà Quan Vũ sẽ rơi vào kết cục như Tuân Úc năm xưa, còn Lưu Bị thì cả đời mang tiếng "qua cầu rút ván".
Ngược lại, nếu cho Quan Vũ tiếp tục trấn thủ Kinh Châu, kết cục đầu hàng Tào Tháo khó có thể tránh khỏi.
Cùng lúc ấy, Tôn Quyền ở Đông Ngô cũng vò đầu bứt tai, bởi Quan Vũ trấn Kinh Châu, bất cứ lúc nào cũng có thể tiến đánh xuống nước Ngô.
Mà phía Tào Tháo cũng không khá khẩm hơn, vì Kinh Châu là vị trí trọng yếu, hoàn toàn có thể tiến đến phía Bắc công kích Hứa Xương một cách dễ dàng.
Thế nhưng, ba vị quân chủ cũng không hề biết rằng, bản thân Quan Vũ khi đó cũng hết sức đau đầu. Nguyên nhân nằm ở chỗ: Nếu tiếp tục theo phò Lưu Bị, ông sẽ trở thành "Hán tặc", đầu hàng Tào Tháo vẫn là phản Hán, mà đi theo Tôn Quyền cũng có kết quả tương tự.
Là một người mang tư tưởng "trung quân" với triều đình nhà Hán, Quan Vũ bị tình thế trước mắt đẩy vào bi kịch.
Đúng lúc đó, Tào Tháo đưa ra một chủ ý xấu, phái người khích Tôn Quyền đánh Kinh Châu. Mà Tôn Quyền cũng không phải kẻ ngốc, biết rõ Quan Vũ không dễ đối phó, nên đề nghị Tào liên thủ với mình.
Gia Cát Lượng là người tâm cơ hơn cả, để Lưu Bị phong Quan Vũ làm Tiền Tướng quân, khởi binh đánh Tương Dương.
Quan Vũ càng hiểu rõ hơn ai hết, đánh Tương Dương chẳng khác nào tấn công Tào Tháo trong lúc Tôn Quyền ở phía sau "rình như hổ đói".
Trước có Tào Tháo, sau có Tôn Quyền, Lưu Bị lại không phái những người khác yểm trợ vùng nguy hiểm này, mà Quan Vũ liệu có đủ sức tự mình chống đỡ?
Kỳ thực, trước đó Quan Vũ đã sớm chuẩn bị tâm lý: Nếu may mắn có thể diệt được Tào Tháo, sẽ giúp nhà Hán thống nhất thiên hạ; nếu không may thì sẽ bại trận mà chết. Cả hai con đường ấy đều không dẫn đến kết cục làm "Hán tặc", nên Quan Vũ vui vẻ dẫn quân lên đường.
Chết vì bị "thanh trừng" nội bộ - nạn nhân của thời thế!
Năm 219, Quan Vũ mang quân từ Kinh châu lên phía Bắc đánh tướng Ngụy là Tào Nhân ở Tương Dương – Phàn Thành, có đề nghị Lưu Phong gửi binh trợ chiến nhưng bất thành.
Quan Vũ vì thế bị Lã Mông đánh úp sau lưng, phải bỏ Phàn Thành chạy về phía Mạch Thành. Lưu Phong đến lúc này vẫn án binh bất động, bỏ mặc Vũ cùng tàn binh bại tướng ở Mạch Thành.
Kết quả là Quan Vũ thất thủ Mạch Thành, bị quân Ngô bắt giết. Điểm nghi vấn nằm ở chỗ: Nếu không có chỉ thị ngầm của Lưu Bị hay Gia Cát Lượng, liệu Lưu Phong có dám "thấy chết không cứu"?
Phía trước là Tào Tháo, phía sau là Tôn Quyền, lại thêm Lưu Bị nhìn thấy làm ngơ, Quan Vũ dù có tài giỏi đến đâu cũng khó tránh khỏi kết cục vong mạng. (Tranh minh họa).
Hi sinh tính mạng để toàn vẹn lý tưởng, cái chết của Quan Vũ trở thành kết cục vui lòng ba phe. Không lâu sau đó, Tào Tháo cũng qua đời. Tào Phi, Tôn Quyền, Lưu Bị được đà thi nhau xưng đế.
Quan Vũ không xoay chuyển được thời vận, bởi vận mệnh của nhà Hán đã hết, lý tưởng phục dựng Hán triều chỉ là hào quang trong quá khứ mà thôi.
Bị "cầm tù" trong tư tưởng trung quân phục Hán, ngoài cái chết, Quan Vân Trường không còn lựa chọn nào khác.