Chứng kiến màn ảo thuật kết hợp giữa rắn và kèn pungi, nhiều người đã bị lầm tưởng về khả năng tiếp thu âm thanh của loài bò sát này khi chúng uốn lượn thân mình bởi tiếng nhạc.
Từ lâu, hình ảnh người thổi sáo điều khiển những con rắn hổ mang uốn mình theo điệu nhạc đã trở thành biểu tượng quen thuộc của đất nước Ấn Độ và thế giới Ả Rập. Nghệ thuật thổi sáo "mê hoặc" rắn bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, hình thức biểu diễn này phát triển đặc biệt mạnh mẽ tại Ấn Độ.
Rắn hổ mang là loài được sử dụng phổ biến nhất trong các màn biểu diễn. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, những nghệ sĩ thổi sáo thường loại bỏ răng nanh và tuyến độc của những con rắn. Họ cũng giữ một khoảng cách an toàn trong quá trình biểu diễn và tránh làm cho những con vật bị kích động.
Người thổi sáo đặt những con rắn trong giỏ đan rồi xâu tất cả các giỏ trên một thanh tre dài để vác trên vai. Họ thường chọn vị trí biểu diễn tại những nơi đông người qua lại. Sau khi bày những chiếc giỏ ra đất, các nghệ nhân ngồi xếp bằng và cất lên tiếng sáo rộn rã. Khi nắp giỏ được mở ra, những con rắn bèn ngóc đầu dậy, chuyển động theo từng nhịp kèn sáo.
Khi chứng kiến nhiều màn ảo thuật kết hợp giữa rắn và kèn pungi, nhiều người đã bị lầm tưởng về khả năng tiếp thu âm thanh của loài bò sát này, khi chúng uốn lượn thân mình bởi tiếng nhạc. Tuy nhiên, sự thật về màn ảo thuật này lại hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của chúng ta.
Do giấu kín được thủ thuật nên những người điều khiển rắn thời xưa thường rất được kính nể
Loài rắn thực chất không hề có tai
Rắn không hề có tai như nhiều loài động vật khác. Tai của loài rắn đã bị thoái hóa với tai ngoài hoàn toàn biến mất, trong khi tai trong chỉ còn là một mẩu xương không có các bộ phận cần thiết như tiểu cốt thính giác (ossiculum) và màng nhĩ. Vì vậy, có thể nói rằng loài rắn không hề có tai.
Thay vào đó, tai trong của chúng nối liền với xương hàm. Hàm rắn thu nhận các dao động từ bên ngoài truyền đến và gửi tín hiệu cho não bộ phân tích. Bởi vậy dù không có tai, rắn vẫn có khả năng nghe, nhưng dựa trên cảm nhận đối với những dao động, đặc biệt với những dao động được truyền qua mặt đất.
Rắn hổ mang thường được sử dụng để biểu diễn, bởi chúng có ngoại hình đẹp, hung dữ và dễ bị điều khiển.
Mẹo đơn giản trong trò ảo thuật
Trong ảo thuật điều khiển rắn bằng kèn, những khán giả thường bị thu hút vào vũ điệu của chú rắn và điệu bộ thổi kèn bí ẩn của người điều khiển.
Để ý kỹ hơn, các ảo thuật gia thường ngồi khoanh chân, bàn chân họ gõ xuống mặt đất như để ứng nhịp theo điệu kèn. Động tác nhịp chân thường rất phổ biến đối với nhạc công nên khán giả thường không phát hiện ra đó mới thực sự là mẹo dùng để điều khiển các chú rắn.
Do đặc biệt nhạy cảm với các dao động được truyền từ mặt đất, rắn nhận tín hiệu từ nhịp chân của ảo thuật gia để thực hiện các vũ điệu, thực chất là phản ứng thông thường của loài rắn đối với động tĩnh bên ngoài. Chính do không hiểu được nguyên lý này, nhiều người đã thử dùng âm nhạc để khiến rắn nhảy múa nhưng không thành công.
Có khá nhiều người tới nay vẫn bị tò mò bởi tiết mục ảo thuật điều khiển rắn.
Điều khiển rắn bằng kèn pungi đôi khi cũng gây nên sự....hiểu lầm. Nhiều gia đình tại các quốc gia Châu Á từng thuê các ảo thuật gia vào công việc đuổi rắn.
Khi phát hiện có rắn trong nhà, họ mời những pháp sư sử dụng kèn pungi để dụ rắn ra khỏi nhà. Tương tự như trò ảo thuật điều khiển rắn nhảy múa, chiếc kèn thực chất chỉ là một phương tiện che giấu các bí quyết điều khiển rắn thực sự.
Về sau này, khi các mẹo này được hé lộ, ảo thuật điều khiển rắn đã dần mất đi sức hấp dẫn. Tới nay, chỉ còn một số ít người coi việc biểu diễn rắn nhảy múa như cách mưu sinh chủ đạo. Thông thường, họ sẽ biểu diễn đường phố kết hợp với việc rao bán các món đồ liên quan tới rắn như mật rắn, bùa hộ mệnh, da rắn hoặc thuốc chữa nọc rắn.