Giải mã bí ẩn "vùng chết" trên đại dương, nơi không một sinh vật sống sót!

Nguyễn Hằng |

Biến đổi khí hậu, nước thải và phân bón là nguyên nhân khiến diện tích “vùng chết” không ngừng mở rộng, đe dọa sự sống ở đại dương.

Các nhà khoa học cho biết, những vùng oxy thấp hay còn gọi là "vùng chết" đang lan rộng, đe dọa sự sống và làm thay đổi hệ sinh thái biển.

Nhiều đại dương đang rơi vào tình trạng khan hiếm oxy, tương tự như 94 triệu năm trước khi xảy ra nạn tuyệt chủng hàng loạt của các sinh vật biển.

Mặc dù có cả những tác động của tự nhiên nhưng con người cũng là tác nhân không nhỏ khiến diện tích vùng chết ngày càng gia tăng.

Giải mã bí ẩn vùng chết trên đại dương, nơi không một sinh vật sống sót! - Ảnh 1.

Biến đổi khí hậu, nước thài và phân bón là những nguyên nhân gây nên tuyệt chủng hàng loạt ở các địa dương. Ảnh: TreeHugger

Trong số những ảnh hưởng của con người, biến đổi khí hậu, nước thải và phân bón là để lại hậu quả nghiêm trọng nhất.

Cụ thể, chất thải trong công nghiệp và phân bón sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp có thể thúc đẩy sự phát triển "ồ ạt" của tảo. Khi số lượng tảo khổng lồ chết đi, chúng sẽ phân hủy và làm giảm lượng oxy trong nước biển.

Điều này có thể giết chết cá và nhiều sinh vật biển khác hoặc thậm chí là buộc nhiều loài phải di chuyển sang vùng nước khác để đảm bảo sự sống. Do đó, ảnh hưởng này có thể gây nên tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái ở một số vùng biển.

Một trong những "sa mạc chết" lớn nhất thế giới nằm ở phía Bắc của vịnh Mexico, gần khu vực con sông Mississippi. Vùng chết trên vịnh Mexico đang ở mức báo động và có xu hướng mở rộng lớn. Biển Baltic cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Một yếu tố gây nên thực trạng "sống mòn" ở nhiều vùng chết tại các đại dương chính là biến đổi khí hậu.

Theo các nhà nghiên cứu, ấm lên toàn cầu đang dần gia tăng tình trạng xói mòn đất với số lượng lớn, bổ sung chất dinh dưỡng cho biển. Nhưng quá trình này dự kiến phải mất tới hàng chục ngàn năm.

Hậu quả khôn lường

Thiếu hụt oxy trên biển còn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc nhiệt độ và tình trạng axit hóa đại dương tăng cao do hấp thụ lượng khí CO2 gia tăng trong khí quyển cũng là nguyên nhân đe dọa sự sống ở biển.

Giải mã bí ẩn vùng chết trên đại dương, nơi không một sinh vật sống sót! - Ảnh 2.

Vùng nước chết không ngừng mở rộng trên các đại dương có thể kéo theo nhiều hậu quả nguy hiểm. Ảnh: CBS News

Các nhà nghiên cứu chia sẻ trên tạp chí Science Advances cho hay, tỷ lệ mất oxy hiện tại tượng tự như sự kiện Oceanic Anoxic Event-2 (OAE-2) vào khoảng 94 triệu năm trước.

Các nhà khoa học cảnh báo, nếu sự suy giảm oxy do con người gây ra tương tự như trong giai đoạn đầu dẫn đến sự kiện OAE-2, thì hiện tượng mất oxy ở đáy biển sẽ gia tăng gấp đôi trong khoảng 102 – 344 năm tới.

OAE-2 được cho là gây ra sự kiện tuyệt chủng của khoảng 27% động vật không xương sống trên biển.

Giải mã bí ẩn vùng chết trên đại dương, nơi không một sinh vật sống sót! - Ảnh 3.

Nhiều loài cá không sống nổi vì tình trạng oxy quá thấp trong nước biển. Ảnh: Maritime Cyprus

Trên thực tế, sự suy giảm oxy cục bộ đã được thấy rõ trong các đại dương hiện nay và có xu hướng mở rộng theo mức độ lượng khí thải carbon hiện tại.

Nếu không có sự can thiệp tích cực của con người, các nghiên cứu về quá trình mất oxy trong quá khứ sẽ trở nên không phù hợp trong thời gian tới.

Các nhà nghiên cứu nhận định, quá trình gây nên sự kiện OAE có thể kéo dài "âm ỉ" hàng chục ngàn năm. Bằng chứng là sự kiện OAE-2 đã trải qua trong 50.000 năm trước khi bùng phát.

Sune Nielsen, Tiến sĩ tại Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) cho biết: "Chúng tôi không rõ liệu đại dương toàn cầu có đang hướng tới một sự kiện gây cạn kiệt oxy nữa hay không, nhưng xu hướng này vẫn rất đáng lo ngại".

Nếu con người không nỗ lực cắt giảm khí nhà kính, hạn chế sử dụng phân bón và xử lý đúng quy trình nước thải thì có thể khiến những vùng chết trên các đại dương ngày càng mở rộng, đe dọa sự sống và biến đổi nhiều hệ sinh thái biển.

Nguồn: Independent

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại