Bluetooth ngày nay khác nhiều so với Bluetooth của nhiều năm về trước. Dưới đây là một số hiểu nhầm phổ biến mà mọi người vẫn nghĩ về Bluetooth và lý giải về chúng, tổng hợp từ trang Makeuseof.
1. Bật Bluetooth gây hao pin
Bật và giữ Bluetooth ở trạng thái kích hoạt không hề gây hao pin. Trước đây, bật Bluetooth đúng là làm pin hao thật, bởi một khi ở trạng thái kích hoạt, nó sẽ luôn chủ động tìm các thiết bị để ghép nối, mọi lúc, mọi nơi.
Nhưng nay bạn có thể quên đi vấn đề đó. Với các chuẩn Bluetooth mới từ phiên bản 4 trở đi, chúng ta có một module gọi là Low Energy (LE, năng lượng thấp).
Module LE sử dụng các công nghệ khác để tìm kiếm các thiết bị Bluetooth quanh bạn mà không sử dụng nhiều năng lượng như các phiên bản Bluetooth trước đây.
Mặt khác, một khi đã thực hiện kết nối, một thiết bị LE sẽ không tiêu tốn năng lượng khi không truyền tải dữ liệu. Ví dụ, nếu bạn ghép smartphone với một cặp headphone Bluetooth "xịn", nó sẽ không gây hao pin khi không phát nhạc.
Kết quả là, mức tiêu thụ năng lượng tổng thể của Bluettoh LE đã được giảm đi hơn một nửa so với trước đây. Trong khi Bluetooth cổ điển sử dụng 1W, Bluetooth LE chỉ sử dụng từ 0,01 đến 0,5W mà thôi!
2. Bluetooth không tốt cho sức khỏe
Đến lúc này, chưa có bằng chứng xác đáng cho thấy phóng xạ từ điện thợi di động gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc một điều: các thiết bị Bluetooth an toàn hơn rất nhiều đối với bản thân bạn.
Phóng xạ có liên quan đến năng lượng, và Bluetooth vượt trội ở điểm đó. Một thiết bị Bluetooth Class 1 chỉ phát ra tối đa 100mW (milliwatt) năng lượng, mà thực ra cũng hiếm khi đạt đến mức đó.
Trên thực tế, hầu hết các thiết bị Bluetooth bạn sử dụng có mức năng lượng tối đa chỉ 1mW. Mặt khác, các điện thoại thông thường hoạt động ở mức 1.000mW hay 2.000mW khi bạn sử dụng các dịch vụ 3G và 4G.
Do đó, dù không chắc Bluetooth tuyệt đối an toàn, nhưng đeo tai nghe Bluetooth hiển nhiên an toàn hơn việc bạn tiếp xúc với smartphone. Bạn chắc chắn không thể không mang theo một chiếc điện thoại, do đó nếu bạn lo ngại về những hậu quả của phóng xạ, hãy mua ngay một chiếc tai nghe Bluetooth.
3. Bluetooth chỉ hoạt động trong phòng diện tích nhỏ
Bluetooth trên smartphone của bạn chỉ hoạt động trong phạm vi ngắn? Có lẽ đúng. Nhưng điều bạn không biết là Bluetooth có đến 3 class, và khoảng cách hoạt động của nó tùy thuộc vào từng class khác nhau:
- Các thiết bị Bluetooth Class 3 có tầm hoạt động dưới 10m.
- Các thiết bị Bluetooth Class 2 có tầm hoạt động khoảng 10m.
- Các thiết bị Bluetooth Class 1 có tầm hoạt động khoảng 100m.
Nói chung, bạn sẽ chỉ thấy Bluetooth Class 1 trên các thiết bị có nguồn điện riêng, hoặc có một bộ phận lưu điện lớn, như máy tính để bàn hay loa có dây cắm điện. Hầu hết smartphone và tablet sử dụng Bluetooth Class 2 hoặc 3.
Tuy thế, 10m là khoảng cách lý thuyết mà chúng hướng đến. Nếu không có gì ngăn trở, như tường chẳng hạn, bạn sẽ thấy khoảng cách thực tế cao hơn lý thuyết đôi chút.
4. Bluetooth "không phát hiện được" có mức độ bảo mật cao
Bảo mật trên Bluetooth khá phức tạp, cho dù bạn có đặt nó ở chế độ "không phát hiện được (non-discoverable) cũng không giải quyết được vấn đề.
Công nghệ Bluetooth chưa bao giờ nổi tiếng về độ bảo mật, nhưng các phiên bản gần đây đã khắc phục khá nhiều lỗ hổng. Thật buồn cười khi nghĩ rằng, nếu đặt thiết bị về chế độ "không phát hiện được", thì những người có mục đích xấu không thể tìm ra nó và bạn sẽ an toàn.
Điều đó tất nhiên không đúng.
Bluetooth Device Address (BDA) có thể được ẩn trong chế độ không phát hiện được, nhưng các hacker đã nắm thóp được điều đó qua nhiều năm. Các thiết bị quét và dò tìm vẫn có thể phát hiện ra BDA của bạn và xâm nhập ngay cả khi thiết bị của bạn ở chế độ không phát hiện được.
Kẻ tội đồ lớn nhất dẫn đến việc thiết bị bị xâm nhập chính là mật khẩu mặc định được sử dụng trên hầu hết các thiết bị Bluetooth: 0000 hoặc 1234. Vì điều này, bất kỳ ai cũng có thể kết nối đến thiết bị của khi đã nắm được địa chỉ thiết bị.
Hệ thống được thiết kế một cách phi khoa học này là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp nghe lén và Bluejacking (kẻ gian kết nối bluetooth đến một điện thoại để gửi tin nhắn spam) trên các thiết bị Bluetooth. Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm ngay là vào phần thiết lập Bluetooth trên điện thoại và thay đổi mật mã mặc định thành mã PIN bảo mật gồm 4 ký tự mới.
Nếu bạn thực sự lo lắng về một cuộc tấn công malware thông qua Bluetooth, hãy tắt hẳn Bluetooth thay vì để nó ở chế độ không thể phát hiện (non-discoverable). Bluetooth không thể bị xâm nhập nếu nó đã tắt.
5. Bluetooth cản trở Wi-Fi
Giống như hầu hết các công nghệ không dây khác, Bluetooth sử dụng tần số radio 2.4GHz để gửi và nhận tín hiệu. Tần số này trùng với tần số dùng bởi nhiều thứ khác (thực ra là mọi thứ), từ mạng Wi-Fi nhà bạn đến lò vi sóng của bạn.
Do đó, hiển nhiên suy nghĩ đầu tiên của bạn sẽ là độ ổn định và tốc độ của kết nối Bluetooth phụ thuộc vào hoạt động của các thiết bị xung quanh, và liệu chúng có đang phát sóng dữ liệu trên các tần số không dây nói trên hay không.
Thực ra không hẳn là đúng.
Bluetooth sử dụng một thứ gọi là "adaptive frequency hopping" (trải phổ nhảy tần thích nghi) và nó đã được cải tiến rất mạnh với Bluetooth 5.0. Hãy tìm hiểu về nó một chút.
Tần số 2.4GHz là một băng tần chạy từ 2.400MHz đến 2.483,5MHz. Bluetooth sử dụng hai kênh, mỗi kênh giám sát 50% băng tần. Tín hiệu nhảy nhanh chóng từ một tần số đang rảnh sang một tần số khác, nhờ đó đảm bảo nó không bị gián đoạn bởi các thiết bị khác đang cố sử dụng băng tần đó.
Kết quả là trong khi các kết nối không dây khác có thể tìm cách sử dụng cùng tần số mà Bluetooth đang sử dụng, bản thân Bluetooth có thể nhảy tần thích nghi cực nhanh nhằm giữ kết nối luôn ổn định mà không làm giảm tốc độ.
Tóm lại, Bluetooth là một công nghệ tiện nghi và an toàn để kết nối không dây giữa các thiết bị. Cứ thoải mái sử dụng nó, đặc biệt là với các món đồ công nghệ tích hợp Bluetooth 5.0, mà không cần phải quá lo lắng về thời lượng pin bạn nhé.