Giải cứu HAGL: Nhiệm vụ có khả thi?

Ngọc Thủy |

Đến cuối tháng 3/2016, HAGL vẫn còn gánh nặng nợ hơn 34.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng các khoản vay ngắn hạn dài hạn gộp lại đã trên 28.000 tỷ đồng.

Một tuần trước, Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan chức năng đã nhóm họp, xem xét đề xuất của các ngân hàng, và đi đến nhất trí đệ trình phương án giải cứu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Hướng giải cứu cho HAGL sẽ là giữ nguyên nhóm nợ và thực hiện miễn giảm lãi một số khoản nợ.

HAGL và cổ đông mong chờ thông tin này từ rất lâu, bởi có sự can thiệp này, Tập đoàn mới giữ được hiện trạng nhóm nợ, không bị đánh vào diện nợ xấu và vẫn tiếp tục được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng, giải ngân.

Vì thế, dù phương án giải cứu cho HAGL chỉ mới dừng ở bước đồng thuận đệ trình, nhưng thông tin trên đã lập tức tạo sự phấn khích cho thị trường và tác động trực tiếp lên cổ phiếu HAG của tập đoàn này.

Ngay trong phiên mở cửa hôm sau (17/5), HAG liên tục tăng trần với lượng dư mua hàng triệu cổ phiếu.

Nhưng đó là niềm vui không trọn vẹn, khi gánh nặng nợ hơn 34.000 tỷ đồng của HAGL (tính đến cuối tháng 3/2016) vẫn còn đó.

Khoản nợ phải trả này đã tăng gần 4% so với thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, riêng khoản vay ngắn hạn dài hạn gộp lại trên 28.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HAGL trong quý I/2016 chỉ đạt hơn 861 tỷ đồng, không đủ để HAGL trả nợ, đầu tư và duy trì hoạt động.

Từ năm ngoái, HAGL đã nỗ lực đàm phán để kéo giãn thời gian trả nợ.

Chẳng hạn, sau 2 lần thương lượng, Northbrooks Investment (Maritius) Pte. Ltd (NIMP) đã đồng ý cho HAGL gia hạn thời gian đáo hạn 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đến ngày 31/8/2017.

Những gì có thể giúp tạo ra tiền, tập đoàn này đều đã thực hiện.

Từ quyền sử dụng đất, nhà xưởng, văn phòng, máy móc thiết bị đến vườn cao su, vườn dầu cọ, đàn bò và cả học viện bóng đá của HAGL đều được ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, đem thế chấp.

Ngoài ra, mới đây, HAGL cũng đã bán khu phức hợp trên mảnh “đất vàng” ở Đà Nẵng cho Quốc Cường Gia Lai, bán cổ phiếu HNG mà HAGL nắm giữ...

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2015 do Ernst & Young Việt Nam kiểm toán, từng lưu ý về các yếu tố có thể dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động tiếp tục của HAGL.

HAGL hiện vẫn khá căng thẳng với các khoản nợ gốc, lãi vay. Vì thế, sắp tới đây, khi phương án tái cấu trúc nợ cho HAGL chính thức được phê duyệt, Tập đoàn sẽ có cơ hội thoát lầy.

Nhưng HAGL có tận dụng được cơ hội này hay sẽ tiếp tục chìm sâu thêm vào nợ nần lại nằm ở câu chuyện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn trên báo cáo tài chính quý I/2016, doanh thu của HAGL tuy đạt hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 70%, còn 90,9 tỷ đồng.

Đó là vì giá vốn hàng bán đã tăng mạnh, chiếm 85% doanh thu so với mức 65% doanh thu của cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay cũng tăng gần 29% so với quý I/2015.

Đi vào chi tiết từng mảng hoạt động, bò tiếp tục là nguồn thu chính, đóng góp 62,5% doanh thu cho HAGL.

Tập đoàn đã dấn bước vào ngành bò từ năm 2015 vì nhìn thấy tiềm năng từ thị trường này. Theo đó, thịt bò mới chỉ chiếm 6% cơ cấu thực phẩm bữa ăn trong khi thế giới là gần 30%.

Hiện Việt Nam có trên 5 triệu còn bò, mỗi năm giết thịt trên 1,5 triệu con nhưng cung vẫn không đủ cầu. Vì thế, Việt Nam đã nhập khẩu thêm thịt bò từ Mỹ, Úc, New Zealand, Canada...

HAGL đã tham gia vào cả bò thịt lẫn bò sữa, với số lượng hàng trăm nghìn con. Nhưng lo ngại nhất cho mảng kinh doanh bò của Tập đoàn là đầu ra.

Từ sau khi Vissan ngưng tiêu thụ bò của HAGL, tiêu thụ bò của doanh nghiệp này đã rơi vào thế khó. Hiện tại, doanh nghiệp đang tìm cách đưa bò thịt vào các hệ thống phân phối lớn và các đơn vị chuyên về sản phẩm sạch, chất lượng cao trên cả nước.

Nhưng trong một thị trường mà bò của Vissan, C.P cũng như bò Mỹ, bò Úc.. đã ngự trị, đường đi của đàn bò HAGL trở nên gian nan.

Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp từ hoạt động bán bò của HAGL đã hạ từ 29,3% của quý I/2015 xuống còn 10,8% trong quý I/2016.

Đối với lĩnh vực mía đường, HAGL đang đàm phán để được tái cấp hạn ngạch nhập khẩu đường.

Năm ngoái, HAGL được xuất khẩu đường từ Lào về Việt Nam với sản lượng 50.000 tấn, hưởng ưu đãi thuế 2,5%.

Nhưng trong một ngành mà cung đang vượt cầu hàng trăm nghìn tấn, lại có giá trồi sụt, mía đường của HAGL có phần sa sút.

Doanh thu từ mía đường của HAGL trong năm 2015 và quý I/2016 đều giảm so với cùng kỳ.

Đáng chú ý hơn, biên lợi nhuận gộp từ mía đường của HAGL đã giảm một nửa so với thời kỳ đầu (2013).

Với lĩnh vực bất động sản, lợi nhuận từ dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center vẫn chưa được hạch toán vào kết quả kinh doanh của HAGL.

Có thể thấy, trong 8 năm kể từ ngày niêm yết, cơ cấu doanh thu của HAGL có nhiều biến động.

Nếu giai đoạn 2009-2012, căn hộ là nguồn thu chính thì sang năm 2013-2014, mía đường giữ vị trí đầu bảng.

Từ năm 2015, đàn bò trở thành “cái phao” của HAGL. Đối với các mảng như khoáng sản, cao su..., HAGL từng dồn bao công sức đầu tư nhưng kết quả lại đi ngược với mong đợi.

Từ năm 2015 Tập đoàn đã không còn ghi nhận doanh thu khoáng sản. Tương tự, cao su đã biến mất khỏi cơ cấu doanh thu của HAGL trong quý I/2016.

Trong khi cao su, cùng với dầu cọ là lĩnh vực chiếm chi phí đầu tư rất lớn của HAGL, tương đương 24,8% tổng tài sản.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, HAGL còn tìm cơ hội từ bắp, đậu nành và hy vọng vào nguồn thu mới đến từ dầu cọ.

Dự đoán các sản phẩm nông nghiệp này có thể tăng lên trong thời gian tới dưới tác động của hạn hán, mất mùa trong trồng trọt trên toàn thế giới. Nhưng đây là những ngành đóng góp chưa đáng kể vào doanh thu Tập đoàn.

Vì thế, nếu các kế hoạch kinh doanh bò, mía đường, bất động sản... không thuận buồm như dự tính, bế tắc của HAGL chưa chắc đã được giải tỏa, cho dẫu Tập đoàn có được ra tay cứu giúp về mặt tài chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại