Amsterdam, thủ đô Hà Lan, đặt ra kế hoạch táo bạo: cấm tất cả phương tiện chạy xăng hoặc dầu diesel vào thành phố vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, thành phố chỉ có khoảng 10 năm để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất giúp vận hành hệ thống xe điện.
Theo kế hoạch, trong năm tới một số phương tiện dùng dầu diesel sẽ bị cấm tại trung tâm Amsterdam. Từ 2022, chỉ có xe bus và xe khách động cơ điện hoặc hydro được phép vào trung tâm thành phố. Đến năm 2030, mọi phương tiện trong thành phố phải hoàn toàn không có khí thải.
Di chuyển sạch hơn, không khí sạch hơn
“Đối với Amsterdam, đây là vấn đề sức khỏe và khí hậu”, Sharon Dijksma, phó thị trưởng thành phố cho biết. “Chúng tôi hướng tới không khí sạch cho toàn bộ người dan Amsterdam thông qua các phương tiện không khí thải và giảm khí thải từ các nguồn khác”.
Thành phố hy vọng bầu không khí trong lành hơn sẽ giúp người dân tăng 3 tháng tuổi thọ và giảm khoảng 9% lượng khí thải CO2.
Các thành phố khác cũng cắt giảm phương tiện gây ô nhiễm. Paris, Madrid, Athens và Mexico City vào năm 2016 cam kết sẽ cấm xe diesel trong năm 2025. London năm nay bắt đầu áp dụng phí cao đối với các phương tiện trong trung tâm thành phố không đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt và một số thành phố ở Đức ra các lệnh cấm đối với xe diesel.
Amsterdam hiện có 5 khu vực phát thải thấp, nơi các phương tiện gây ô nhiễm nhất bị cấm. Các khu vực này sẽ được mở rộng và quy định được thắt chặt.
Người dân đang được khuyến khích chuyển sang xe điện thông qua các chương trình trợ cấp và chia sẻ xe. Thành phố dự đoán việc cung cấp năng lượng cho lượng lớn xe điện mới có thể cần tới 23.000 điểm sạc vào năm 2025.
Dự đoán việc cung cấp năng lượng cho lượng lớn xe điện mới có thể cần tới 23.000 điểm sạc vào năm 2025. Ảnh: CNN.
Sạc thông minh và năng lượng linh hoạt
Vattenfall, một công ty năng lượng châu Âu cung cấp năng lượng gió và mặt trời, cũng như từ một số nhà máy chạy khí đốt, đang xây dựng hệ thống điểm sạc cho nhà ở, doanh nghiệp và nơi công cộng tại Amsterdam.
“Chúng tôi là người đầu tiên trên thế giới thực hiện nhiệm vụ này trên quy mô lớn”, Pieter van Ommeren, người đứng đầu ngành công nghệ di động điện tử của Vattenfall cho biết.
Quy mô đó mang lại những thách thức riêng. Nếu cả thành phố muốn sạc các phương tiện cùng một lúc, hệ thống sẽ quá tải, Ommeren nói. Vì vậy, Vattenfall đang cố gắng linh hoạt để đối phó với những thay đổi trong nhu cầu.
“Nếu nhu cầu điện tăng cao ở một khu vực nhất định, chúng tôi sẽ giảm tốc độ sạc xe điện ở khu vực đó”, ông giải thích.
Hiện có khoảng 17.000 xe điện ở Amsterdam nhưng con số này có thể tăng gấp 4 lần trong 3 năm tới, theo Vattenfall.
Nhiều taxi và dịch vụ tài xế đã chuyển sang dùng xe điện, nhưng không phải chủ xe tư nhân nào cũng có điều kiện đổi xe.
Dijksma thừa nhận thách thức này.
“Chúng tôi cần những chiếc xe không khí thải giá rẻ và một thị trường xe đã qua sử dụng vào năm 2025”, cô nói. “Chúng tôi cần rất nhiều thứ cùng một lúc, nhưng tôi vẫn lạc quan vì tin rằng chúng tôi có cả động lực chính trị và động lực xã hội để thành công”.