Theo Bloomberg, phát ngôn viên Cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc (DIA), ông William Marks nhận định, dù nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết quốc gia này sẽ “tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng sẽ cần phải vượt qua nhiều giai đoạn phát triển nữa mới có thể sản xuất loại ICBM có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ”.
Trong khi đó, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Bình Nhưỡng vẫn khẳng định tiếp tục cho thử vũ khí bất chấp lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson cùng tàu ngầm hạt nhân USS Michigan tới gần bán đảo Triều Tiên. Ông Trump còn nhấn mạnh kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân có tầm bắn vươn tới Mỹ như Triều Tiên tuyên bố, sẽ “không bao giờ trở thành sự thật”.
Mối đe dọa từ lực lượng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã trở thành nội dung chính trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo thượng viên Mỹ hôm 11/5.
“Mặc dù chúng tôi ghi nhận Triều Tiên đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc phát triển các hệ thống tên lửa tầm ngắn, nhưng quá trình phát triển các tên lửa tầm xa hơn của Bình Nhưỡng vẫn còn phải trải qua nhiều giai đoạn”, bản báo cáo của DIA nhấn mạnh.
Còn cho tới nay, phương án tấn công quân sự Triều Tiên vẫn đang là một trong những giải pháp mà Mỹ tính tới nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Tuy không nhắc tới những đánh giá trước đó của giới phân tích về việc Triều Tiên cần ít nhất là tới năm 2020 mới có thể phát triển ICBM trang bị đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn tới Mỹ, DIA cho rằng vẫn còn thời gian để thi hành hoạt động ngoại giao hoặc quân sự nhằm ngăn viễn cảnh này xảy ra.
Theo giám đốc DIA, ông Vincent Stewart, dù Triều Tiên đang hiện thực hóa chương trình phát triển vũ khí nhưng các loại tên lửa có tầm bắn vươn tới Mỹ sẽ phải là “những hệ thống cực kỳ phức tạp và đòi hỏi trải qua nhiều vụ phóng thử để đánh giá về thiết kế cũng như chức năng hoạt động. Còn nếu không thử nghiệm, mức độ tin tưởng hoạt động đối với các tên lửa như KN-08 là rất thấp”.
Lầu Năm Góc cho rằng tên lửa KN-08 của Triều Tiên có tầm bắn hơn 5.500 km và có thể được phóng từ các bệ phóng di động. Do đó, quá trình theo dõi và phát hiện loại tên lửa này là khá khó khăn.
Theo chuyên gia về tên lửa Steven Hildreth, tuyên bố của DIA cho thấy, “Triều Tiên hiện chưa có năng lực sở hữu ICBM với tầm bắn vươn tới Mỹ trong khi Bình Nhưỡng còn phải trải qua nhiều thách thức kỹ thuật”.
Chính quyền của Tổng thống Trump hiện vẫn nhấn mạnh không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn Trung Quốc dùng tầm ảnh hưởng của mình để đưa ra một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia phân tích khu vực châu Á thuộc tổ chức Heritage Foundation, ông Bruce Klingner cho rằng, tuyên bố của DIA vẫn không thể làm dịu bớt những lo ngại sau tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson về việc Triều Tiên là “mối nguy hiểm đáng sợ và cần phải có hành động ngăn chặn ngay lập tức”.
Còn theo ông Elleman, mối đe dọa với Hàn Quốc và Nhật Bản từ các loại vũ khí tầm ngắn hơn của Triều Tiên hiện là “trước mắt”.
Hồi tháng 4/2015, Đô đốc William Gortney, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Bắc của Mỹ cho rằng tên lửa KN-08 của Triều Tiên đã đi vào hoạt động và có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân thu nhỏ với tầm bắn vươn tới Mỹ.