Cuộc tranh cãi mới nhất xảy ra vào cuối năm 2018, khi nhà khoa học He Jianjui (Trung Quốc) tuyên bố tạo ra trẻ sơ sinh được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới có đề kháng với virus HIV. Phản ứng dữ dội từ cộng đồng khoa học khiến công trình của nhà khoa học này bị đình chỉ, vì các câu hỏi được đặt ra không phải về chất lượng khoa học mà về đạo đức trong nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo Marc Roux - Chủ tịch Hiệp hội Siêu nhân học Pháp (AFT), giấc mơ trở thành siêu nhân không hề mới. Nó hiện hữu khi chúng ta nhận ra rằng, có lựa chọn sử dụng kỹ thuật để can thiệp vào quá trình tiến hóa sinh học tự nhiên của chính mình.
Một số tập đoàn công nghệ khổng lồ ngày nay chia sẻ tầm nhìn tương tự về vấn đề này. Tỷ phú Elon Musk, người sáng lập Tesla đã thành lập Neuralink tại San Francisco (Mỹ) nhằm phát triển giao diện não máy có thể cấy ghép để kết nối con người với máy tính.
Bên cạnh đó vẫn còn không ít hoài nghi từ các nhà nghiên cứu về mặt đạo đức của các công trình siêu nhân học. Giáo sư Blay Whitby, đến từ ĐH Sussex (Anh Quốc) tin rằng: Những khẩu hiệu như “chết chỉ còn là một lựa chọn” hay “người đầu tiên được sinh ra có thể sống tới 500 tuổi” chỉ là sự lạc quan quá đáng bởi ngọn núi “khoa học” phải vượt qua vẫn còn rất cao.
Đến nay, đã có hàng loạt thử nghiệm lâm sàng vẫn thất bại trong việc tìm ra phương pháp chữa trị Alzheimer, một căn bệnh thoái hóa thần kinh ám ảnh những năm cuối đời của con người. Tuổi thọ trung bình đã thực sự giảm tại một số nước.
Một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận, con người chỉ có thể sống đến một giới hạn nhất định. GS Nathanael Jarrasse, Viện Hệ thống thông minh và Robot (ISIR) tại Paris cho biết: “Chúng ta chỉ đề cập đến tiền bạc và thời gian mà phủ nhận đi những thứ chúng ta có thể không bao giờ hiểu nổi - phủ nhận những gì bất khả thi về mặt khoa học”.
Về phần mình, ông lấy làm tiếc vì phong trào đi tìm sự tiến hóa này thường bị soi xét theo góc nhìn của các nhà ủng hộ vấn đề đạo đức.
“Ngày nay, nhiều điều từng không thể đã trở nên có thể”, ông lập luận. Marc Roux cũng thừa nhận, các vấn đề đạo đức nổi lên trong sự tiến bộ của công nghệ nhưng quan điểm siêu nhân học về “nâng cấp” các thế hệ tương lai để tác động lên di truyền không phải là điều gì đáng ghê tởm.
Những người theo thuyết siêu nhân học không thể hiểu tại sao họ không thể thử nghiệm những gì đã khả thi về mặt kỹ thuật như: Cấy ghép võng mạc để có thể nhìn thấy phổ hồng ngoại, cấy ốc tai điện tử để nghe được âm thanh siêu âm…
Mặc dù vẫn là những cuộc tranh cãi về mặt khoa học và tính nhân văn trong các công trình nghiên cứu về siêu nhân học. Tuy nhiên, có không ít lập luận cho rằng đây chưa phải là thời điểm để các tập đoàn, những nơi có nền khoa học phát triển đưa ra để biến chúng thành hiện thực.
Bởi thế giới vốn rất bất bình đẳng và đang càng phát triển hơn thế. Công nghệ này sẽ là đặc quyền của của nhóm nhỏ những người rất giàu và họ sẽ sử dụng nó trở nên giàu hơn. Liệu đây có phải là một tương lai mà loài người mong muốn?