Giấc mơ đi học ngày mưa của em bé Mù Cang Chải

Khánh Linh |

Ở thôn Páo Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, các em nhỏ chỉ có thể đi học vào mùa khô. Mùa mưa, nước lên ngập cây cầu tạm ọp ẹp, học sinh ở nhà vì đường bị cô lập.

Chị Thào Thị Ly có 3 con, trong đó một bé lên lớp 4 và một bé chuẩn bị vào lớp 1. Trong 3 năm đến trường, con lớn của chị Ly bao giờ cũng có kỳ nghỉ ở nhà dài hơn các bạn ở vùng khác vì một lý do xuất phát từ cây cầu gỗ bắc qua suối.

Con chị Thào Thị Ly sẽ được bố đưa đến trường nếu trời mưa nhỏ, còn mưa lớn thì phải ở nhà dù quãng đường chỉ gần 2 km và không hề xa xôi với các bạn nhỏ vùng cao.

Ở thôn Páo Khắt, do địa hình đồi núi, cứ đến mùa mưa lũ, nước sẽ dâng ngập cây cầu gỗ ọp ẹp bắt qua suối do người dân dựng tạm. Năm nào chiếc cầu này cũng bị cuối trôi hoặc gãy.

Năm 2016 bị lũ cuốn trôi 2 lần và năm 2017 mới đến giữa năm mà cầu đã 2 lần gãy vì nước lũ.

Cũng vì thế, cứ khi trời mưa to hoặc mùa mưa lũ, tất cả các trẻ em ở thôn này và thôn bên cạnh là Cái Dông đều được bố mẹ cho ở nhà vì giao thông bị chia cắt.

Và với những trẻ em thôn Páo Khắt và Cái Dông, ngoài kỳ nghỉ hè, các em còn có thêm kỳ nghỉ mùa mưa.

Giấc mơ đi học ngày mưa của em bé Mù Cang Chải - Ảnh 1.

Cây cầu tạm vừa bị gãy vì bão số 2 hôm 17/7. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Nhưng mùa mưa sẽ không chỉ là kỳ nghỉ đối với các em học sinh, với những người lớn ở bản Páo Khắt, đó cũng là thời gian không dễ chịu. Giao thông bị chia cắt, việc buôn bán với bên ngoài cũng khó khăn hơn rất nhiều.

Nếu như đi qua cầu, người dân có thể đi xe máy hoặc gùi sắn, quế… đi qua cầu ra thị xã bán. Còn mùa mưa, họ phải đi đường vòng xa hơn tới cả gần chục km vì cầu bị ngập.

Chị Sùng Thị Sài – một người dân bản Páo Khắt cho biết, trời mưa to hoặc vào mùa mưa, chị thường phải gùi sắn, quế qua suối chứ đi bộ đường vòng quá xa. "Mong có cái cầu bê tông lắm. Cả trẻ con và người lớn", chị Sài chia sẻ.

Trong khi đó, chị Lý Thị Mỵ (30 tuổi) cũng ở bản Páo Khắt thì cho biết, mưa to quá thì "không đi xát lúa nữa, ăn đói một tí cũng được".

Người dân ở 2 bản nghèo thuộc địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn (huyện Mù Cang Chải) lại càng thêm nghèo với hiện trạng của cây cầu gỗ ọp ẹp nhưng là cửa ngõ quan trọng của giao thương, đi lại.

Vài tháng trước, khi nghe tin sẽ có đơn vị xây một chiếc cầu kiên cố, người dân ở 2 thôn quanh cây cầu mừng lắm. Hôm trước ngày diễn ra lễ khởi công (14/7), nhiều người dân có mặt ở khu vực làm lễ để hỗ trợ ban tổ chức, rất nhiều trẻ em cũng đến.

Cây cầu Cáng Dông mới (do Tập đoàn Viettel tài trợ) có dầm thép đang được thi công sẽ có chiều dài 32m, rộng 4,0m, tải trọng cho phép 8 tấn, đường dẫn vào cầu dài 242m; thay thế cho cầu trước đó làm bằng gỗ rộng 1,5m dài 10m, chỉ lưu thông được xe thô sơ.

Cầu bê tông mới dự kiến hoàn thành trong 3 tháng sẽ chấm dứt cảnh 244 hộ gia đình hai bên cầu với tổng số gần 1.200 người dân và các cháu học sinh thường xuyên phải đi lại qua sông bằng cầu tạm, cầu tre đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Trung tá Trần Quang Hưng - Trưởng ban Xây dựng Tập đoàn VIETTEL chia sẻ: "Viettel mong muốn có những hỗ trợ thiết thực nhất với người dân ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và cây cầu dân sinh Cáng Dông là một ví dụ". Trước khi xây cầu Cáng Dông, Viettel đã đầu tư xây 5 cây cầu dân sinh khác cũng tại các xã, huyện nghèo và đặc biệt khó khăn tại 3 miền đất nước. Tổng số tiền để xây 6 chiếc cầu dân sinh (gồm cả cầu Cáng Dông đang xây) lên tới 25 tỷ đồng.

Trước ngày làm lễ động thổ xây cầu, Giàng A Vàng (12 tuổi) đến chỗ chuẩn bị để xem máy xúc hoạt động. Cậu bé rất thích thú chơi đùa với nhiều bạn bè cũng đến đây tụ tập cùng người lớn.

Học đến lớp 6 nhưng năm nào A Vàng cũng nghỉ thêm rất nhiều ngày vào mùa mưa và khi trời mưa to cũng nghỉ. Nhưng sắp tới đây, khi cây cầu Cáng Dông mới do Viettel tài trợ được hoàn thành, A Vàng sẽ không còn phải nghỉ học vào những ngày mưa nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại