Ngày 13/3, cựu binh Lê Hữu Thảo đã cùng đồng đội, người thân các liệt sỹ làm lễ tế trời đất và thả vòng hoa xuống biển để tưởng nhớ đến 64 liệt sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
Tại lễ tri ân, những người đồng đội, thân nhân liệt sỹ không thể cầm nổi nước mắt khi nghĩ về những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Lễ tri ân 64 liệt sỹ Gạc Ma tại Hà Tĩnh.
Hướng lên bàn thờ chung của 64 liệt sỹ, cựu binh Nguyễn Thanh Xuân (SN 1966, trú TX. Ba Đồn, Quảng Bình) rưng rưng nước mắt.
Đã 30 năm trôi qua sau trận hải chiến hào hùng, nhưng lòng người cựu binh ấy lúc nào cũng day dứt về những người đồng đội đã ngã xuống.
"Mỗi lần nhớ về đồng đội, tôi lại day dứt. Nhiều đêm trăn trở lại nằm mơ thấy đồng đội mình.
Kể từ trận chiến đó, năm ngoái, sau 29 năm xa cách, tôi mới gặp lại được mấy người đồng đội còn sống để cùng hàn huyên, tâm sự", cựu binh Xuân nói.
Cựu binh Nguyễn Thanh Xuân
Ông Xuân nhớ lại, khi nhận giấy báo nhập ngũ vào năm 1985 và cử đi đào tạo 6 tháng tại Hải Phòng. Sau đó, ông được phân về Trung đoàn công binh 83 của bộ tư lệnh Hải quân.
Sáng 14/3/1988, ông Xuân cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ tại đảo thì bị quân Trung Quốc xả súng làm tàu chìm, 64 đồng đội của ông Xuân anh dũng hy sinh, 9 người bị lính Trung Quốc bắt giữ.
Các đồng đội mang vòng hoa ra biển thả để tri ân.
"Tôi bị cháy hết tóc, lúc đó may bám vào được chiếc xuồng nhôm nhỏ. Nhưng xuồng bị địch bắn thủng, chúng tôi phải xé quần áo ra nhét cho kín xuồng.
25 người trên xuồng, chúng tôi đưa thêm đuược 7 người bị thương và 1 thi thể của đồng đội cho lên xuồng. Để có thể đủ chỗ, tôi và một số người khác thọng người dưới biển rồi 1 tay bám vào mạn xuồng.
Lúc đó dù bị thương nhưng chẳng ai thấy đau mà chỉ thấy xót thương cho các đồng đội đã hy sinh.
Chúng tôi cứ bám lấy xuồng từ sáng đến tối cùng ngày. Lúc đó ai cũng xác định sẽ chết nhưng may mắn đã có xuồng đến cứu", cựu binh Xuân kể.
Các cựu binh thả vòng hoa xuống biển tưởng nhớ đồng đội đã khuất.
Sau khi được đưa vào bờ để chữa trị vết thương, 1 tháng sau ông Xuân mới có thể viết thư gửi về cho gia đình để báo tin tình hình sức khoẻ rồi lại lên đường nhận nhiệm vụ mới.
Ngồi cạnh bên, cựu binh Trần Thiên Phụng (55 tuổi, quê Quảng Trị) hướng đôi mắt đỏ hoe lên bàn thờ chung của 64 đồng đội. Đã 30 năm trôi qua nhưng nhớ về trận chiến, ông Phụng lại day dứt không nguôi.
Ông Phụng tâm sự về ký ức trận hải chiến.
"Hôm đó tôi cùng mấy đồng đội vớ được mảnh thuyền vỡ nhưng lại bị quân địch bắt làm tù binh. Mãi đến tháng 8/1991, chúng tôi mới được trao trả về.
Ngày về, gia đình ai cũng khóc, vì giấy báo tử của tôi họ gửi về nhà rồi.
Giờ năm nào tôi cũng cùng các đồng đội còn sống làm lễ thả đèn hoa đăng để tưởng nhớ đồng đội", ông Phụng tâm sự.
Bà Hà Thị Liên, mẹ liệt sỹ Gạc Ma Đào Kim Cương.
Đã 87 tuổi nhưng bà Hà Thị Liên, mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương vẫn còn minh mẫn. Năm nay tròn 30 năm kỷ niệm trận hải chiến Gạc Ma cũng là tròn 30 năm mẹ Liên mất đi người con trai yêu quý.
Ngày nhận giấy báo tử con, mẹ Liên và gia đình không tin nổi đó là sự thật. Ai cũng nghĩ và mong mỏi đứa con vẫn đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa. Nhưng rồi, người con trai đã không về với mẹ Liên nữa.
30 năm trôi qua nhưng những đồng đội vẫn không thể nào quên.
"Rất nhớ con nhưng lâu rồi cũng quen. Đồng đội con về cũng như con trở về thôi, chỉ là nó đang ở lại cùng các đồng đội khác để bảo vệ biển đảo", bà Liên nói nhưng hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo.