Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/11/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - đơn vị sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways, thành viên của Tập đoàn FLC.
Giấy phép này được ban hành sau cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 8/11 về việc cấp phép bay cho Bamboo Airways do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia ý kiến của các đơn vị liên quan: Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Khoa học và công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và môi trường, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
Tại cuộc họp này, việc cấp phép bay cho Bamboo Airways đã được Thủ tướng chấp thuận về mặt chủ trương, sau khi xem xét kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải và sự đồng thuận cao từ đại diện các bộ, ngành tham dự.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ được cấp giấy phép KDVCHK cho Bamboo Airways, bởi sau khi tiến hành thẩm định, Bộ nhận thấy hồ sơ của Bamboo Airways đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm theo Nghị định 92, phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không theo Nghị định 30.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá cao định hướng khai thác các đường bay phục vụ phát triển du lịch của Bamboo Airways, bao gồm các đường bay liên vùng kết nối các điểm du lịch của Việt Nam với nhau, với các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, cũng như với các quốc gia trong khu vực.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, định hướng này sẽ tạo thêm sản phẩm mới, thị trường mới, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường và tăng lựa chọn cho hành khách, đồng thời phù hợp với quy hoạch doanh nghiệp hàng không đã được Thủ tướng phê duyệt.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, có thể nói rằng hai thủ tục pháp lý quan trọng nhất để chính thức tham gia kinh doanh hàng không tại Việt Nam đã được Bamboo Airways hoàn tất: quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ phía Chính phủ vào ngày 9/7/2018 và giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ Giao thông Vận tải cấp ngày 12/11.
Bên cạnh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Bamboo Airways thời gian qua đã có hàng loạt động thái chuẩn bị về nhân sự quản lý chủ chốt, đáng chú ý là việc bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa - cựu Tổng giám đốc ABBank và cựu Tổng giám đốc Vingroup - làm Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc từ cuối tháng 10/2018.
Về mặt hạ tầng, Bamboo Airways đặt văn phòng rộng hơn 1.200 m2 tại khu Ngoại giao đoàn trên đường Võ Chí Công, Hà Nội và văn phòng khu vực miền Nam tại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Nhân sự của hãng hiện tại là 1.000 người, chiếm 10% tổng nhân sự của Tập đoàn FLC.
Về máy bay, hãng hàng không cho biết, những chiếc máy bay đầu tiên của Bamboo Airways thuộc dòng A319, A320 của Airbus, đã sẵn sàng có mặt tại Việt Nam sau khi hoàn thiện các khâu thiết kế, lắp đặt cuối cùng tại nước ngoài.
"Chúng tôi đã tiến hành bay thử (test flight). Kết quả cho thấy máy bay hoàn toàn đáp ứng các thông số kĩ thuật, sẵn sàng đi vào khai thác.
Như vậy, về cơ bản, mọi công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên dự kiến vào cuối quý IV năm nay đã được hoàn tất", ông Đặng Tất Thắng, Giám đốc Bamboo Airways cho biết.
Cũng theo ông Đặng Tất Thắng, với mô hình lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá hợp lý, cùng nhiều dịch vụ độc đáo liên quan tới du lịch, Bamboo Airways đang hướng tới mục tiêu xây dựng một hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao, góp phần cải tiến dịch vụ hàng không, đồng thời đáp ứng nhu cầu di chuyển đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam - một trong những thị trường hàng không có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.
Bamboo Airways là một trong những điểm nhấn đầu tư quan trọng của Tập đoàn FLC nói chung và tỷ phú Trịnh Văn Quyết nói riêng. Theo các chia sẻ trước đó của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Bamboo Airways là "mảnh ghép" quan trọng trong kinh doanh bất động sản du lịch mà tập đoàn FLC đang theo đuổi.
Dự kiến Bamboo Airways sẽ đưa về Việt Nam ngay trong năm nay khoảng 20 máy bay và bổ sung thêm 20 - 30 chiếc trong năm 2019, trước khi nhận bàn giao máy bay mới từ hai hợp đồng trị giá 8,8 tỷ USD ký kết với Airbus và Boeing.
Theo kế hoạch, hãng sẽ khai thác khoảng 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, Tp.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - Tp.HCM, Tp.HCM - Vân Đồn…