E5RON92 chỉ còn gần 12.000 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 29/3, giá bán lẻ mới của xăng E5RON92 không cao hơn 11.956 đồng/lít sau khi giảm 4.100 đồng/lít. Xăng RON95-III giảm 4.252 đồng/lít xuống còn 12.560 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S giảm 1.776 đồng xuống còn 11.259 đồng/lít bán lẻ trong khi dầu hỏa giảm 2.705 đồng/lít; xuống tối đa 9.141 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.048 đồng/kg xuống mức giá mới 9.453 đồng/kg. Với mức giảm giá lần này, xăng E5RON92 đã về bằng mức giá xăng bán lẻ của tháng 4/2009.
Cùng với điều chỉnh mạnh giá bán lẻ, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được yêu cầu trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.150 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 450 đồng/kg. Các doanh nghiệp cùng dừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.
Đây là lần giảm giá thứ 6 liên tiếp từ đầu năm 2020 đến nay và xăng RON95 đã giảm tổng cộng gần 8.400 đồng/lít.
Ngân sách hụt thu 800 triệu USD
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 của Bộ Công Thương trong tuần qua, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho hay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có báo cáo cho thấy, nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng kéo dài, doanh thu từ bán dầu thô của PVN chỉ còn 2,36 tỷ USD.
Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD.
Theo ông Sơn, hiện lượng tồn kho xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-80% và có thể tăng trong những ngày tới.
Do yếu tố tồn kho và khoảng cách chênh lệch giữa giá sản phẩm với giá dầu thô thấp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tháng 2/2020 lỗ 313 tỷ đồng, lũy kế hai tháng lỗ 228 tỷ đồng.
“Nếu tính giá bán dầu ở mức 30 USD/thùng, nhiều mỏ dầu sau khi nộp thuế và tính các loại chi phí thì thu sẽ không đủ bù chi. Tuy nhiên, hợp đồng dầu mỏ là hợp đồng dài hạn, nếu dừng sản xuất ngay lập tức sẽ gây thiệt hại lớn”, ông Sơn cho hay.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám PVN cũng cho hay, với việc giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu bán dầu của PVN sẽ giảm tương ứng khoảng 225.000 USD/ngày. Với việc giá dầu xuống mức 30-35 USD/thùng, PVN sẽ mất khoảng 3 tỷ USD doanh thu trong năm 2020.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2020 giảm 0,72% so với tháng trước. Trong đó, riêng mặt hàng xăng dầu đóng góp vào mức giảm chung tới 0,43%. Trong các tháng trước đó, giá xăng dầu cũng là một trong những yếu tố góp phần làm giảm CPI.
Theo bà Ngọc, tại thời điểm cuối tháng 3/2020, giá dầu thô Brent khoảng 26 USD/thùng, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Việc các mặt hàng xăng dầu giảm giá 6 lần liên tiếp từ đầu năm được kỳ vọng giúp lạm phát năm 2020 giảm xuống dưới mục tiêu 4% như Quốc hội đề ra.
“Giá xăng dầu giảm sẽ có lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Người tiêu dùng sẽ bỏ ít tiền hơn chi tiêu cho mặt hàng xăng dầu. Với doanh nghiệp, giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm bớt chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng”, bà Ngọc nói.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, giá xăng dầu giảm sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị ảnh hưởng.
Các doanh nghiệp xăng dầu niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu bị sụt giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu và có thể làm gián đoạn đầu tư vào lĩnh vực đang làm của doanh nghiệp xăng dầu.