Phi công cố tình đánh lừa radar?
Theo The West Australia, các nhà phân tích của nhóm điều tra độc lập thuộc tổ chức phi chính phủ đang nghiên cứu về sự biến mất bí ẩn của chuyến bay thuộc hàng không Malaysia MH370.
Theo đó, nhóm điều tra cho rằng, đường bay của MH370 ở gần bang Penang, Malaysia là phù hợp với hệ thống lái đang hoạt động đầy đủ. Và nhiều khả năng máy bay đã cố tỏ ra muốn hạ cánh. Phi công của chuyến bay khi ở gần Penang đã có biểu hiện cố tình đánh lừa, để người trực radar tin rằng máy bay muốn hạ cánh.
Báo cáo về sự việc được Victor Iannello, thành viên nhóm nghiên cứu độc lập đăng tải trên trang cá nhân. Theo đó, nhóm này đang dùng dữ liệu radar dân sự cho MH370 để điều tra, phân tích về sự biến mất của chiếc máy bay.
"Để hiểu rõ hơn về chuỗi dữ liệu được nhập vào hệ thống kiểm soát chuyến bay, chúng tôi đã tạo ra một bản mô phỏng bằng mô hình PMDG 777 trong Mô hình tập bay Microsoft. Cụ thể là, chúng tôi nghiên cứu xem liệu máy bay có bay đúng như những gì phi công nhập vào hệ thống lái tự động hay không", Victor Iannello viết.
Ông Iannello, với sự trợ giúp của ba thành viên thuộc nhóm điều tra độc lập, nhận xét rằng có khả năng phi công MH370 đã cố đánh lừa, để người trực radar tin rằng máy bay muốn hạ cánh.
"Đường bay của MH370 ở gần Penang có thể được sao chép bằng hệ thống lái tự động và nó cũng phù hợp với hình ảnh mà dữ liệu radar quân sự ở Eo Malacca ghi nhận, dù những hình ảnh này không bao giờ được công bố chính thức. Không thể có chuyện máy bay định hạ cánh xuống sân bay Penang", nhà phân tích cho hay.
Phát hiện trên phần nào phù hợp với giả thuyết được lưu truyền lâu nay là một trong số các phi công đứng sau sự biến mất của máy bay. Chuyên gia hàng không và cựu nhân viên điều tra từng làm việc tại ban An toàn giao thông Canada Larry Vance hồi tháng 5/2018 cho hay, ông tin là MH370 cố tình bay ra biển nhằm tự vẫn.
Trước đó, hồi 2016 Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từng nói, có nhiều khả năng cơ trưởng đã hoạch định sự kiện gây sốc này.
Giải pháp ngăn chặn thảm họa
Daily Star cho rằng, theo một nhà điều tra độc lập, chính quyền Malaysia tin rằng chiếc máy bay chở 239 người đã bị những kẻ khủng bố người Iran chiếm. Chúng có ý định lái máy bay quay trở lại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, theo giả thuyết của nhà điều tra nói trên.
Hành động nhanh trước nguy cơ xảy ra thảm họa kinh hoàng, chính phủ đã ra lệnh tấn công cảnh cáo chiếc máy bay, theo giả thuyết của nhà điều tra tư nhân Noel O’Gara.
Nhưng Noel nói rằng nhiệm vụ này của chính phủ đã biến thành một sai lầm khủng khiếp, khiến MH370 bị rơi xuống biển Andaman - như một số nhân chứng nhìn thấy.
Sở dĩ nhà điều tra Noel đưa ra giả thuyết trên là bởi có hai thanh niên đến từ Iran có mặt trên chuyến bay bằng các hộ chiếu lấy cắp của người khác.
Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 19 tuổi và Delavar Seyedmohammaderza, 29 tuổi, đều ở trên chuyến bay MH370 và được tin là đang trên đường tới Đức với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.
Nhà điều tra Noel cho rằng chắc hẳn hai thanh niên này đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng an ninh Malaysia, và việc họ được loại khỏi danh sách tình nghi là điều đáng ngờ.
Do đó, Noel tuyên bố khi MH370 đi lệch đường bay định sẵn với hai công dân từ Iran trên máy bay, chính quyền Malaysia đã lo sợ điều tồi tệ nhất.
Nhà điều tra tư nhân tin rằng chiếc máy bay hoặc đã bị phi công hoặc hành khách điều khiển lao xuống biển, hoặc bị tấn công theo lệnh của chính phủ.
MH370 biến mất ngày 8/3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur và đến Bắc Kinh với 239 người trên máy bay.
Mặc dù có hai cuộc tìm kiếm quy mô lớn được diễn ra, chỉ có vài mảnh vỡ được tìm thấy rải rác.