Chính phủ Malaysia tuyên bố bất ngờ về mảnh vỡ nghi của MH370

SONG HY |

Giới chức Malaysia mới đây xác nhận 5 mảnh vỡ được người thân hành khách MH370 trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia hồi cuối tháng 11/2018 nhiều khả năng là của MH370.

Một báo cáo được Nhóm điều tra an toàn MH370 công bố mới đây cho biết hầu hết các mảnh vỡ này đều là từ một chiếc Boeing 777 và rất có khả năng chúng thuộc về chiếc máy bay của Malaysia Airlines mất tích cách đây hơn 4 năm.

Hôm 30/11, gia đình các hành khách trên chuyến bay của Malaysia Airlines mất tích bàn giao cho chính phủ Malaysia 5 mảnh vỡ nghi của MH370 với hy vọng tìm ra lời giải đáp cho một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Trong số những mảnh vỡ này có một tấm sàn máy bay khắc ký tự nhận dạng WPPS61 được các ngư dân tìm thấy trong khoảng thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 8/2018 trên bờ biển Sandravinany, phía Nam Madagascar.

Chính phủ Malaysia tuyên bố bất ngờ về mảnh vỡ nghi của MH370 - Ảnh 1.

Một trong năm mảnh vỡ được thân nhân hành khách MH370 cung cấp. (Ảnh: Rex)

Nhà điều tra độc lập Blaine Gibson tin rằng phần thân chính của chiếc máy bay đang nằm ở ngoài khu vực mà các nhà điều tra từng tổ chức tìm kiếm.

Thân nhân của các hành khách MH370 vẫn đang thúc giục giới chức Malaysia tìm kiếm các giải pháp mới để giải đáp bí ẩn chôn giấu suốt hơn 4 năm qua. Trước đó, chính phủ Malaysia cũng cho biết sẽ xem xét nối lại chiến dịch tìm kiếm Mh370 nếu chứng minh được các manh mối được cung cấp hồi cuối tháng 11/2018 là đáng tin cậy.

Tuy nhiên, chuyên gia hàng không Victor Iannello cảnh báo rất khó để sử dụng vị trí tìm thấy các mảnh vỡ như một manh mối bởi vào thời điểm được tìm thấy, chúng đã trôi dạt một khoảng cách khá xa so với vị trí máy bay gặp nạn.

Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc chở theo 239 người.

Theo dữ liệu radar quân sự thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.

Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 ở Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000 km2, tuy nhiên không tìm được bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại