Giá cả thị trường hai ngày cuối tuần ghi nhận, lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam vẫn ở quanh mức 80.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng so với giá niêm yết của nhiều doanh nghiệp lớn đang cam kết bình ổn giá.
Giữa lúc dịch Covid- 19 tiếp diễn và giá thịt lợn vẫn "nhảy múa" ở ngoài chợ dân sinh, một vài hệ thống siêu thị đã triển khai khuyến mãi thịt lợn từ 3-15%, cao nhất lên tới 25%, đưa giá mặt hàng này về mức từ 130.000 – 170.000 đồng/kg tùy loại để kích cầu mua sắm.
Đơn cử, tại BigC, thịt vai còn 127.000 đồng/kg (giảm 20%), nạc dăm còn 149.000 đồng/kg (giảm 10%). Các mức giảm thấp hơn là nạc thăn, ở mức 8%, đưa giá thịt về còn 149.000 đồng/kg. Chân giò heo giảm còn 119.500 đồng/kg. Sườn non còn từ 169.000 đồng/kg sau khi đã giảm 11% giá, thịt ba chỉ còn 145.900 đồng/kg.
Saigon Co.op cũng giảm giá thịt lợn trên toàn hệ thống từ ngày 8-22/4 với mức giảm lên tới 25%. Trong đó, sườn non lợn và ba rọi là hai loại có sức tiêu thụ tốt, giảm đến 18%.
VinMart giảm giá thịt heo cho ngày cuối tuần. Trong đó, chân bắp giò heo Vissan 500gram có giá 57.000 đồng, thịt heo xay Vissan 200gram giá 28.000 đồng. Sau gần hai tuần cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, với sự chung tay của các nhà sản xuất và phân phối, hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn rất dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Thịt lợn được điều chỉnh giá tại các siêu thị để bình ổn giá.
Trong khi đó, giá thịt lợn ngoài chợ truyền thống khá biến động và vẫn neo cao do giá nhập hàng không giảm.
Trước đó, để bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá, tăng đàn, tái đàn, đồng thời cho phép tăng nhập khẩu thịt để kéo giá xuống.
Tuy nhiên, sau 10 ngày các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đồng loạt giảm giá lợn xuống 70.000 đồng/kg, giá thịt lợn ngoài thị trường vẫn "cố thủ" ở mức 160.000 – 180.000 đồng/kg. Lý giải về điều này, Bộ Công Thương cho hay, giá thịt lợn chưa thể giảm nhanh do số lượng doanh nghiệp cam kết giảm giá thịt chỉ chiếm khoảng 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá.
Ngoài ra, do dịch tả heo châu Phi xảy ra năm 2019 làm tổng thiệt hại mất 20% về số lượng, khối lượng thiệt hại mất 9,3%. Đây là một thiệt hại lớn không chỉ cho người chăn nuôi mà làm giá cả thịt heo tăng cao trong một thời gian.
Hơn nữa, còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành giá thấp như mong muốn. Một nguyên nhân nữa là giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu.