Khi được hỏi ý kiến về dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản, Jetstar Pacific và Vietnam Airlines đồng loạt đề xuất giá sàn.
Tuy nhiên, trước khi Jetstar Pacific và Vietnam Airlines đưa ra mức đề xuất giá sàn với vé máy bay nội địa ở mức trên 1 triệu đồng/vé, chính 2 hãng này cũng thường xuyên tung khuyến mại với mức thấp hơn.
Kể từ khi phải chạy đua cùng Vietjet với các chương vé giá rẻ, thậm chí nhiều vé là 0 đồng, hiệu quả kinh doanh của cả 2 hãng hàng không này đều suy giảm.
Trong đó, Jetstar Pacific hiện có mức lỗ lũy kế tới hơn 3.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, công ty dẫn đầu về bán vé giá rẻ và nổi tiếng với những tấm vé 0 đồng lại báo lãi sau thuế tới 2.500 tỷ đồng cho năm 2016.
Cùng với phân tích của Vietnam Airlines trong bản kiến nghị (với dữ liệu áp dụng giá sàn, nới trần đồng thời tăng giá 5% thì doanh thu sẽ có thêm 2.500 tỷ đồng sau 1 năm), ý nghĩa của kiến nghị giá sàn là khá rõ ràng.
Tuy nhiên, nếu theo đúng quy định của Luật để tính toán và áp dụng giá sàn cho phù hợp sẽ là một bài toán rất thú vị, vì rút cục giá sàn sẽ là 0 đồng.
Thứ nhất, mỗi hãng hàng không sẽ có một cấu trúc về chi phí khác nhau. Vì vậy mới có mức giá mà Jetstar Pacific đưa ra là 1,1 triệu đồng, còn Vietnam Airlines là 1,54 triệu. Trong khi đó, Vietjet hiện có mức bán thấp nhất là 0 đồng (chưa kể phụ phí) mà vẫn có lãi lớn.
Việc thỏa mãn đồng thời tất cả các hãng về giá sàn là điều không thể và cần có mức chi phí hiệu quả nhất, cân bằng với lợi ích của người tiêu dùng thì 0 đồng là mức nên được lựa chọn.
Thứ hai, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết tại họp báo Chính phủ vừa diễn ra, theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông do Bộ Tài chính quy định khung giá với mức giá tối thiểu bằng 0.
Thứ ba, việc bán vé với giá 0 đồng không đồng nghĩa với việc bán lỗ mà chỉ là thủ thuật kinh doanh trong ngành hàng không. Bản chất việc bán 0 đồng không đi kèm với chất lượng dịch vụ kém hay thua lỗ mà đơn thuần là đặc điểm của mô hình kinh doanh.
Nếu bỏ đi các mức giá kiểu 0 đồng, 1 đồng… để áp dụng giá tối thiểu kiểu 1,1 triệu đồng hay 1,54 triệu đồng thực tế là xóa bỏ một mô hình kinh doanh hiện đại, đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng và đưa ngành hàng không trở về thời lạc hậu trước đây.
Điều này có thể thấy rõ ràng ở việc cùng bán vé 0 đồng thì Jetstar Pacific lỗ nặng còn Vietjet thì lãi đậm. Nói cách khác, mức giá 0 đồng là đặc điểm và là mức giá đặc trưng của ngành hàng không giá rẻ nên rất khó để hủy bỏ, áp mức giá sàn bạc triệu như đề xuất.
Thứ tư, vấn đề cuối cùng là bán bao nhiêu vé 0 đồng thì bị coi là phá giá? Đây là câu hỏi không dễ trả lời bởi hãng bán ít vé giá rẻ vẫn lỗ, còn bán nhiều hơn vẫn lãi là do cách vận hành kinh doanh của từng hãng.
Vì thế, việc giám sát điều này trên thực tế là khó khả thi khi chưa có hậu quả thấy rõ được (tất cả cùng lỗ và chất lượng dịch vụ toàn ngành hàng không đi xuống vì chỉ tập trung cạnh tranh giá).
Và nói như một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành hàng không, nếu việc bán vé 0 đồng theo mô hình hợp lý vẫn có lãi, thì việc áp giá sàn với mức cả triệu đồng để giúp cho các hãng vận hành kém hiệu quả bớt lỗ hoặc có lãi sẽ là hành động không công bằng với người tiêu dùng.
Người mua không có nghĩa vụ phải trả tiền cho việc vận hành kém hiệu quả của hãng hàng không, họ cần được đem đến lựa chọn tốt nhất.