Đây là cách Vietjet Air tạo ra những vé máy bay giá 0 đồng

Pha Lê |

Theo đánh giá của TS. Lương Hoài Nam, giá vé rẻ là công cụ hữu hiệu để các hãng hàng không tối tư hoá doanh thu, lợi nhuận chuyến bay.

Mấy ngày gần đây, thông tin về việc Jetstar Pacific đề xuất áp giá trần cho vé máy bay đang làm nóng dư luận. Đơn vị này đưa ra lý do sẽ làm cân bằng kết quả kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Ngay lập tức, đề xuất này của Jetstar Pacific nhận được sự phản đối của Vietjet Air - hãng hàng không giá rẻ trong thời gian quan luôn nhận được sự chú ý của hành khách nhờ bán vé siêu rẻ, vé 0 đồng.

Là một người có nhiều năm công tác trong ngành hàng không, TS. Lương Hoài Nam không đồng tình với kiến nghị trên của Jetstar Pacific. "Phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá (giá trần – giá sàn) trên mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thực tiễn thế giới và cũng không hoàn toàn phù hợp cho nước ta", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm của người làm trong nghề, ông cũng có những phân tích khá cụ thể để cho mọi người hình dung được cách mà hãng hàng không giá rẻ tạo ra những vé máy bay siêu rẻ, vé 0 đồng.

Đây là cách Vietjet Air tạo ra những vé máy bay giá 0 đồng - Ảnh 1.

TS. Lương Hoài Nam

"Giá vé máy bay là một trong những kiểu kinh doanh rắc rối, khó hiểu không chỉ đối với hành khách đi máy bay, đại lý bán vé, mà ngay cả đối với dân hàng không. Tôi sẽ cố gắng giải thích bằng một minh hoạ dễ hiểu nhất có thể, hy vọng các bạn hiểu được thứ "đặc sản hàng không" này.

Giả sử tôi có một chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM với máy bay A320 có 180 ghế. Giả sử, theo một truyền thống có sẵn nào đó, các mức giá vé dao động từ thấp nhất là 01 triệu đến cao nhất là 03 triệu đồng/khách. Với các mức giá vé trong khoảng đó, số người sẵn sàng mua vé để bay chuyến đó đạt 75% số ghế, tức là 135 khách.

Trước tiên tôi sẽ "đóng gói" 135 khách này lại, để họ không chạy đi đâu được. Tôi "bỏ túi" số khách này cùng với số tiền mua vé của họ và giữ chặt số tiền này. Nhưng máy bay của tôi có tận 180 ghế. Tôi vẫn còn dư tới 45 ghế, tức 25% số ghế.

Tôi bèn nhìn ra thị trường. Tôi thấy một số người đang định mua vé tàu từ Hà Nội vào TP HCM với giá 600.000 đồng. Tôi "đọc vị" họ và biết họ đang nghĩ: "Ước gì có vé máy bay 800.000 đồng thì mình thêm 200.000 đồng đi máy bay cho khoẻ. 01 triệu đồng đắt quá!".

Tôi lại thấy một số người khác đang định mua vé ô-tô từ Hà Nội vào TP HCM với giá 300.000 đồng. Tôi "đọc vị" họ và biết họ đang nghĩ: "Ước gì có vé máy bay 500.000 đồng thì mình sẽ bỏ thêm 200.000 đồng đi máy bay cho khoẻ. 01 triệu đắt quá!".

Tôi còn thấy nhiều người ở Hà Nội chưa có kế hoạch đi đâu cả. Tôi "đọc vị" họ, thấy một số người đang nghĩ: "Giá mà có vé máy bay thật rẻ, chỉ một vài trăm nghìn, hay vài ba trăm nghìn, mình làm một chuyến vào TP HCM chơi mấy ngày (hoặc để thăm con, thăm bạn bè, bí mật thăm bồ...)".

Khi biết rõ những điều trên, tôi bèn "chế" thêm các giá vé 800.000 đồng, 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, thậm chí 0 đồng, và bán cho họ theo các mức giá họ sẵn sàng trả để bay chuyến bay vẫn còn nhiều ghế trống.

Bởi, thật ra, sau khi đã "bỏ túi" 135 khách mua vé với các mức giá từ 01 đến 03 triệu và đằng nào cũng phải thực hiện chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM với tổng chi phí chuyến bay đã cố định, việc tôi bán thêm vé và chở thêm mấy chục khách với giá vé dưới 01 triệu chẳng làm tổng chi phí chuyến bay của tôi tốn thêm bao nhiêu.

Phần doanh thu nhận được từ số vé giá dưới 01 triệu đó coi như không có chi phí, ngon lắm!

Hơn thế nữa, có thêm hành khách, tôi bán thêm được đồ ăn uống. Tôi mua 01 suất ăn hết 25.000 đồng, bán trên máy bay với giá 45.000 đồng, lãi 20.000 đồng.

Như vậy, bằng việc bán với các mức giá dưới 01 triệu đồng (so với các giá vé truyền thống từ 01 triệu đến 03 triệu), tôi thu được thêm khá nhiều tiền. Tất nhiên Đường sắt Việt Nam và các hãng xe khách Bắc - Nam không thích điều này. Kệ họ chứ!

Nói tóm lại, giá vé rẻ là công cụ hữu hiệu để các hãng hàng không tối tư hoá doanh thu, lợi nhuận chuyến bay thông qua việc lấy bớt khách của đường sắt, của các hãng xe khách liên tỉnh và kích cầu tiêu dùng ("đang không định đi tự dưng lại muốn đi")", ông chia sẻ.

Đây là cách Vietjet Air tạo ra những vé máy bay giá 0 đồng - Ảnh 2.

Tuy nhiên, theo quan điểm đánh giá của mình, TS. Lương Hoài Nam cho biết, cách làm này cũng có nhiều cái khó cho hãng.

"Cái khó thứ nhất là làm thế nào để biết được có bao nhiêu người sẵn sàng mua vé giá cao (từ 01 triệu đến 03 triệu) cho chuyến bay đó để quyết định bán bao nhiêu vé giá rẻ? Người trả giá vé cao thường mua vé sát ngày bay, trong khi số chỗ giá rẻ cần phải bán thật sớm, càng xa ngày bay càng tốt? "Mua sớm giá rẻ, mua muộn giá đắt" - như thế mới hợp tình, hợp lý.

Cái khó thứ hai, khó hơn nhiều, là làm thế nào "đóng gói" số khách sẵn sàng mua vé với giá vé cao để khi tung ra các vé giá rẻ, siêu rẻ thì họ sẽ không mua các vé giá rẻ này, mà sau đó mới mua vé theo mức họ sẵn sàng chi trả? Một chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM mà chở đầy khách với giá vé dưới 01 triệu đồng thì nguy to. 

Nói "đóng gói", "bỏ túi" là trong tưởng tượng thế thôi, chứ những người đó vẫn còn chưa mua vé", ông cho biết.

Như vậy, từ những phân tích này có thể thấy, việc bán những vé giá rẻ thực chất là một trong những chiến lược kinh doanh có tính toán kỹ của hãng hàng không giá rẻ. Và việc tạo các vé giá rẻ là một "đặc sản" của hãng nhằm thu hút khách hàng.

Vậy nên, việc có nên áp trần giá vé hay không, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cần phải "nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có quyết định".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại