Nội dung chính
- Giá tôm giảm kỷ lục nhiều năm.
- Xuất khẩu tôm gặp khó khăn.
Báo Cà Mau dẫn báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết từ đầu năm đến nay giá tôm luôn biến động, liên tục “rớt” giá, khiến người nuôi điêu đứng.
Chưa dừng lại ở đó, trong những ngày gần đây, giá tôm lại tiếp tục lao dốc, có thể nói “chạm đáy”, người nuôi tôm đang gặp vô vàn khó khăn, dẫn đến nhiều hộ phải nuôi cầm chừng, thậm chí “treo đầm”.
Ông Nguyễn Hoàng Thống (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết bản thân nuôi tôm siêu thâm canh đã 9 năm nhưng chưa năm nào giá tôm lại rớt thê thảm như năm nay.
Ông Thống than thở với Báo Lao Động: “Tôi nuôi 2 ao tôm siêu thâm canh, với diện tích khoảng 6.000m2. Vụ nuôi vừa rồi tôi mới thu hoạch xong, đạt 43 con/kg nhưng giá bán chỉ 98.000 đồng/kg, thu về 350 triệu đồng, trong khi chi phí 2 ao nuôi trong 65 ngày tốn khoảng 330 triệu đồng. Nếu tính luôn tiền nhân công thì coi như lỗ vốn”.
Giá thức ăn liên tiếp tăng, khiến người nuôi khó chồng thêm khó. Theo tính toán của người nuôi, tiền thức ăn trung bình 1 tấn tôm từ 1 - 1,3 tấn thức ăn. Giá thức ăn trung bình 45.000 đồng/kg, tương đương mất khoảng 50 triệu đồng/tấn tôm.
Xuất khẩu tôm gặp khó
Ông Huỳnh Chí Ái, nông dân nuôi 2 ao tôm siêu thâm canh trải bạt cũng than thu về không được là bao.
Ông Ái buồn rười rượi: “Từ đầu năm đến nay giá tôm xuống thấp quá, tôi nuôi tôm đạt đầu con nhưng giá rớt liên tục nên không có lãi, chủ yếu lấy công làm lời thôi. Thêm vào đó, thời gian gần đây nuôi tôm cũng không thuận lợi, môi trường nguồn nước cũng ô nhiễm nên phải tốn chi phí lớn cho khâu xử lý”.
Ông Lê Tiến Luật, ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết với Báo Nhân Dân nhà có 17 ao nuôi tôm trên diện tích gần 6 ha. Thời gian qua, giá tôm giảm mạnh, thời tiết lại không thuận lợi khiến tôm nuôi chậm lớn, chi phí tăng cao, hao hụt nhiều làm người nuôi thua lỗ.Hiện ông quyết định “treo ao” ngừng nuôi, chờ đến khi giá ổn định sẽ sản xuất lại.
Theo các hộ nuôi tôm ở huyện Đất Đỏ, giá bán tôm thương phẩm hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg, thế nhưng chi phí mà người nuôi bỏ ra cũng gần 120.000 đồng/kg, với giá bán này, người nuôi phải “mát tay” lắm mới có lãi, nếu giá giảm nữa thì sẽ lỗ nặng.
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Cà Mau cho biết giá tôm thời điểm này thấp nhất từ trước đến nay, trong khi đó năm nay sản lượng xuất khẩu tương đối tốt. Hiện nay, mỗi ngày công ty thu mua khoảng 150 tấn tôm nguyên liệu. Sản lượng tôm hiện tại đủ đáp ứng nhu cầu.
Ông Tâm cho biết, doanh nghiệp không thể tăng giá thu mua vì khi xuất khẩu sẽ không cạnh tranh lại Ấn Độ và Ecuador, đây là hai nước hiện có giá bán tôm rất thấp.
Dự báo từ nay đến cuối năm có khả năng giá tôm sẽ tăng lên do tình hình cung cầu cuối năm của một số thị trường lớn, nhu cầu trong nước những tháng cuối năm cũng sẽ tăng.
Theo đó, các ngành chức năng khuyến cáo người dân lựa chọn những mô hình nuôi phù hợp, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành như nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 - 3 giai đoạn, phát triển các mô hình tôm - lúa, tôm - rừng.
Tính đến cuối tháng 7, lũy kế xuất khẩu tôm đạt gần hai tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tôm chân trắng đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4%; tôm sú đạt 246 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm nay, xuất khẩu tôm tiếp tục gặp nhiều bất lợi, thách thức bởi tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính, rào cản kỹ thuật đối với tôm nhập khẩu, cạnh tranh giá với Ấn Độ, Ecuador, giá cước vận tải biển tăng, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất tôm cao và nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu...
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, mặc dù ngành tôm đang có sự tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm 2024, song điều này chưa phản ánh đúng thực tế khó khăn cùng lúc tại tất cả thị trường chính như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…