Gia sản Gia Cát Lượng để lại sau khi qua đời, Lưu Thiện kiểm kê xong chỉ biết ân hận và tự trách mình

Trần Quỳnh |

Sự thật về khối gia sản của Gia Cát Lượng chẳng những khiến Hoàng đế Lưu Thiện ngỡ ngàng mà còn khiến hậu thế không khỏi kinh ngạc.

Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là một nhân vật nổi tiếng vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Sinh thời, ông là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục Hán, đồng thời cũng từng giữ chức Thừa tướng Thục quốc, địa vị có thể ví như "dưới một người, trên vạn người".

Cũng bởi vậy mà có không ít người đã từng thắc mắc: Liệu khối gia tài của một nhân vật nổi danh như Gia Cát Khổng Minh rốt cục đáng kinh ngạc tới nhường nào?

Thế nhưng không mấy ai có thể ngờ rằng, gia sản của vị Thừa tướng nhà Thục Hán ấy thậm chí đã từng khiến cho Hoàng đế Lưu Thiện không khỏi tự trách mình.

Gia Cát Khổng Minh - Vị Thừa tướng cả đời thanh bần của nhà Thục Hán

Gia sản Gia Cát Lượng để lại sau khi qua đời, Lưu Thiện kiểm kê xong chỉ biết ân hận và tự trách mình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sử cũ ghi lại, năm xưa do cha mất sớm, Gia Cát Lượng từng theo chú là Gia Cát Huyền tới Dự Chương làm Thái thú dưới quyền Viên Thuật.

Sau khi người chú này mất, ông đã đến đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung để ẩn cư chờ thời. Trong những năm tháng ấy, Gia Cát Lượng ngày ngày tự mình cày ruộng, gia cảnh cũng khó có thể coi là giàu có, khá giả.

Tới năm 27 tuổi, Ngọa Long tiên sinh được Lưu Bị mời xuất sơn. Đối với cả hai nhân vật này mà nói, đây chính là một trong những bước ngoặt lớn đã thay đổi cuộc đời họ. Cũng kể từ đây, Gia Cát Lượng một lòng vì Lưu Bị mà bày mưu tính kế, giúp quân chủ đánh hạ giang sơn. 

Trong những năm tháng gây dựng cơ đồ ấy, ông luôn một lòng cúc cung tận tụy cho cơ nghiệp nhà Thục Hán, chưa bao giờ có lòng dạ nào khác, càng không màng tới việc tích cóp gia sản hay tiền bạc.

Sau này, Lưu Bị đại bại trong cuộc chiến Di Lăng, từ đó liền u sầu mà sinh bệnh. Trước lúc ra đi, ông đã giao lại trách nhiệm phục hưng Hán thất nặng nề cho con trai Lưu Thiện, cũng ủy thác đại nghiệp cho đại thần mà mình đã chọn là Gia Cát Lượng.

Trước lúc lâm chung, vị quân chủ ấy còn căn dặn người nối nghiệp phải xem Khổng Minh như cha mà đối đãi. Điều này đã khẳng định rõ sự tín nhiệm của Lưu Bị, đồng thời cũng là sự đảm bảo cho địa vị dưới một người, trên vạn người của Gia Cát Lượng sau này.

Thế nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, ngay cả khi đối đãi rất mực kính nể với Khổng Minh thì sau khi phát hiện sự thật về gia cảnh của Thừa tướng Khổng Minh, Hoàng đế Lưu Thiện vẫn không khỏi tức giận với chính mình! Đâu là nguyên nhân dẫn tới điều này?

Sự thật về khối tài sản của Gia Cát Lượng khiến Lưu Thiện thấy xấu hổ, tự trách mình

Gia sản Gia Cát Lượng để lại sau khi qua đời, Lưu Thiện kiểm kê xong chỉ biết ân hận và tự trách mình - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Có giai thoại từng truyền lại rằng, năm xưa Gia Cát Lượng đã từng chủ động kê khai tài sản của mình rồi dâng tấu lên cho Hậu chủ Lưu Thiện.

Trong đó, ông khẳng định rằng nhà mình chỉ có chút vốn liếng nhỏ nhoi là "800 cây dâu, 15 mẫu ruộng bạc màu". Số của riêng ấy chỉ xem như đủ ăn, đủ mặc cho người thân trong nhà mà thôi.

Cùng với đó, Gia Cát Lượng trong tấu chương cũng khẳng định:

"Hạ thần ngoài việc làm quan thì không có công việc nào khác, việc ăn mặc đều theo chế độ cung cấp, ngoài lương ra cũng không có khoản thu nào khác […]".

Cuối cùng, vị Thừa tướng cúc cung tận tụy của nhà Thục Hán còn một lòng đảm bảo:

"Cho đến khi thần chết, vẫn sẻ bảo đảm trong nhà không có tơ lụa dư thừa, bên ngoài không có tài sản, để không phụ lòng của bệ hạ".

Nếu dựa theo tấu chương chủ động kê khai tài sản nói trên, không khó để nhận thấy Gia Cát Khổng Minh lúc sinh thời dù sở hữu đức cao vọng trọng, tuy nhiên gia sản lại rất mực thanh bần, thậm chí có thể coi là hết sức thiếu thốn. Thế nhưng sự thực liệu có phải như vậy?

Gia sản Gia Cát Lượng để lại sau khi qua đời, Lưu Thiện kiểm kê xong chỉ biết ân hận và tự trách mình - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Sau này, Gia Cát Lượng qua đời vì lao lực ở gò Ngũ Trượng trong lần Bắc phạt cuối cùng. Trước lúc lâm chung, ông cũng căn dặn mọi người không chôn theo vật gì xa hoa, cũng không cần xây lăng mộ cầu kỳ, tốn kém.

Đối với di ngôn ấy, Lưu Thiện một mặt vừa cảm động, mặt khác lại đem lòng hoài nghi. Bởi vậy mà sau khi Thừa tướng khuất núi, vị Hoàng đế này đã từng sai người kiểm kê gia sản của nhà Gia Cát.

Thế nhưng sự thực là số tài sản Gia Cát Lượng từng kê khai năm xưa quả thực cũng là toàn bộ vốn liếng mà ông có được trong suốt cuộc đời tận tụy của mình.

Tương truyền rằng, thê thiếp và người nhà của ông thậm chí còn không có nổi vài bộ quần áo dư thừa để thay giặt. Cuộc sống trong nhà thậm chí có thể dùng từ nghèo khổ để hình dung.

Chính sự thật phũ phàng ấy đã khiến cho Lưu Thiện không khỏi tự trách mình. Bởi lẽ năm xưa chính Tiên đế Lưu Bị đã từng căn dặn ông phải đối đãi với Thừa tướng như cha, thế nhưng có lẽ ông chưa từng thực sự làm được điều này…

*Theo quan điểm của Qulishi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại