Giá nhiều loại nông sản, thủy sản ở Cà Mau giảm mạnh

Trần Hiếu |

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều loại nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau gặp khó về đầu ra, nhiều loại giảm giá mạnh ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Cái Nước là huyện đứng đầu tỉnh Cà Mau về diện tích nuôi sò huyết thương phẩm. Mô hình nuôi sò trong vuông tôm thời gian qua đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vươn lên trong làm kinh tế. Tuy nhiên, từ đợt dịch thứ 4 đến nay, giá sò huyết liên tục giảm làm người dân rất lo lắng.

Ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng Tổ hợp tác 2/9 ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước cho biết: “Dịch bệnh kéo dài thì bà con rất khó.

Trước đây, giá sò khoảng 120.000 đồng/kg bây giờ chỉ 80.000 đồng/kg, có những ngày vựa không thu mua luôn. Con sò tới tháng 9 sẽ thu hoạch nhiều mà tình hình dịch này không ai mua thì người dân càng khổ hơn, bán kiểu này lỗ luôn”.

Giá nhiều loại nông sản, thủy sản ở Cà Mau giảm mạnh - Ảnh 1.

Sò huyết ở huyện Cái Nước đã giảm giá khoảng 30%.

Huyện Cái Nước còn có một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là cây bồn bồn. Nhãn hiệu dưa bồn bồn Cái Nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Đây từng là sản phẩm nông nghiệp rất hút hàng của huyện, tuy nhiên, từ khi thực hiện chỉ thị 16, đầu ra cây bồn bồn cũng rất khó khăn.

Gia đình chị Võ Thị Mỹ Linh (ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) trước đây mỗi ngày tiêu thụ được hàng chục kg bồn bồn. Hiện nay, những mối bỏ sỉ không lấy hàng, còn tình hình bán lẻ cũng rất ảm đạm.

“Bán không được hang, ngày bán được 2 kg bồn bồn mà ngồi sáng tới chiều. Nếu chưa có dịch bệnh bán được nhiều. Ông chồng tôi đi sang cho người khác mà bây giờ cũng không ai cân nữa, các chợ giờ bán cũng không ai mua” - bà Linh chia sẻ.

Giá nhiều loại nông sản, thủy sản ở Cà Mau giảm mạnh - Ảnh 2.

Sản phẩm bồn bồn Cái Nước cũng đang gặp khó khăn về đầu ra.

Với mặt hàng cua Cà Mau nổi tiếng gần xa - tình hình cũng không khá hơn. Hiện giá cua thịt trên dưới 100.000 đồng/kg; cua gạch khoảng 250.000 đồng/kg. So với thường niên đã giảm khoảng 40%. Do đầu ra khó khăn nên tại một số vùng nông thôn, thương lái còn không buồn vào mua.

“Các mặt hàng nói chung giá không ổn định, rớt giá. Kể cả tôm và cua, giá không lên. Còn con cua giờ thương lái dựa vào dịch bệnh ép giá, không mua. Người dân rất khó khăn, theo đà này thì ngày càng khổ nhưng không nuôi thì không được” - ông Nguyễn Văn Dũng, người dân xã Tân Bằng, huyện Thới Bình nói.

Theo nhận định chung, nếu tình trạng giá nông sản, thủy sản tiếp tục giảm kéo dài sẽ có những nông hộ không có đủ điều kiện để đầu tư cho những vụ mùa tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại