Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Brazil đạt hơn 1,68 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng khoảng 180 triệu USD). Kết quả trên cho thấy sự tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều ảm đạm những tháng vừa qua.
Hết tháng 8, có 6 nhóm hàng xuất khẩu sang quốc gia Nam Mỹ này đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên, tăng 2 nhóm so với cùng kỳ 2022. Đáng chú ý, sắt thép đang là mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Brazil đạt 28.085 tấn với kim ngạch 16,5 triệu USD. Trong khi đó, tháng 8/2022, Brazil chỉ nhập khẩu 500 tấn sắt thép với kim ngạch đạt hơn 1,5 triệu USD. Như vậy, nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam của Brazil trong tháng 8 tăng hơn 5.500% về số lượng và 972% về trị giá.
Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép các loại sang Brazil đạt 249.891 tấn, trị giá hơn 166,5 triệu USD, tăng gần 3.000% về lượng và hơn 1.100% về giá trị.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu bình quân sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 666,6 USD/tấn, giảm gần 61% so với cùng kỳ năm 2022 (1.707 USD/tấn).
Theo hiệp hội ngành thép nước này, Aço Brasil, sản lượng thép của Brazil đã giảm 8,6% từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2023, xuống còn 18,6 triệu tấn. Là nhà sản xuất thép hàng đầu trên toàn cầu, Brazil chứng kiến sản lượng giảm 4,7% trong tháng 7 so với cùng tháng năm trước. Chính vì vậy, quốc gia này phải nhập khẩu lượng lớn sắt thép từ nước ngoài, chứng kiến mức tăng mạnh 78,5% trong cùng kỳ.
Sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là từ khi thiết lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2007, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Brazil đã và đang tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam và Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau tại khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ, với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức kỷ lục khoảng 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so năm 2021, tăng gấp 3 lần trong một thập kỷ qua. Dư địa hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Brazil còn rất lớn, do vậy các mặt hàng xuất khẩu hứa hẹn sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Tại thị trường trong nước, xu hướng của giá thép cho đến nay là giảm, các doanh nghiệp liên tục hạ giá để tăng tính cạnh tranh, kích thích nhu cầu. Trong đó, giá bán thép xây dựng có tới 16-17 đợt giảm liên tiếp, xuống còn 13,5-15 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, chủng loại.
Nguyên nhân bắt nguồn từ giá nguyên liệu sản xuất thép những tháng đầu năm 2023 ở mức cao khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Trong khi đó, tiêu thụ thép trong nước yếu do thị trường bất động sản vẫn đình trệ, các dự án nhà ở xã hội mới được triển khai chưa nhiều, hệ thống ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng.