Dự kiến khai thác 45.000 tấn/năm
Hãng RT đưa tin, theo ông Mikhail Metyolkin, người đứng đầu bộ phận kinh doanh công ty con TVEL thuộc Tập đoàn Rosatom, Nga đang tập trung vào sản xuất lithium và chuẩn bị bắt đầu khai thác loại khoáng sản có giá trị này tại một mỏ lớn nằm trên Bán đảo Kola ở khu vực Bắc Cực.
Chia sẻ với giới truyền thông hôm 21/9, ông Metyolkin nói rằng động thái chiến lược này phản ánh tham vọng của Nga trong việc gia nhập hàng ngũ các nhà sản xuất 'vàng trắng' hàng đầu thế giới.
"Rosatom đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới việc triển khai sản xuất lithium bằng cách xin được giấy phép trên Bán đảo Kola...", ông tiết lộ, Nga có kế hoạch khai thác 45.000 tấn lithium hàng năm tại khu mỏ ở Kola, đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trước đó, hãng thông tấn Interfax đưa tin, Polar Lithium, liên doanh giữa Nornickel và Rosatom, đã nhận được giấy phép phát triển mỏ lithium Kolmozerskoye (vùng Murmansk, bán đảo Kola) vào tháng 2 năm nay và giấy phép này có hiệu lực đến ngày 20/2/2043.
Số tiền chính phủ Nga bỏ ra cho chi phí khai thác lên tới 1,7 tỷ rúp. Mỏ Kolmozerskoye được coi là mỏ lớn nhất ở Nga, chiếm 18,9% trữ lượng quốc gia tương đương 75 triệu tấn và được đánh giá là có triển vọng nhất.
Hồi tháng 4, ông Vladislav Vasiliyev, người đứng đầu Bộ phận Luyện kim, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga nói rằng, nếu khai thác lithium đạt được công suất tối đa trong vòng ba năm, Nga sẽ không chỉ không còn phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn dư thừa khối lượng sản xuất.
Còn theo ông Metyolkin, ngoài mỏ vùng Murmansk, Nga sẽ sớm triển khai khai thác kim loại này ở một số mỏ khác. Moscow đang chuẩn bị cho sự phát triển lớn trong ngành công nghiệp lithium, bao gồm việc xây dựng các nhà máy chế biến toàn chu trình.
Nhu cầu toàn cầu về lithium ngày càng tăng. Ảnh: Bloomberg
Nhu cầu về lithium tăng cao
Nhu cầu về lithium ngày càng tăng trên toàn thế giới vì nó được sử dụng để sản xuất pin lithium-ion, loại pin rất quan trọng đối với hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng cũng như xe điện. Liên Hợp Quốc đã mô tả những loại pin này là "trụ cột quan trọng để xây dựng nền kinh tế không có nhiên liệu hóa thạch" và Nga có trữ lượng lớn nguyên liệu đáng kể.
Hồi cuối tháng 8, tờ CNBC News trích dẫn báo cáo của cơ quan nghiên cứu Fitch Solutions BMI, cho hay nguồn cung lithium toàn cầu dự kiến sẽ không đủ nhu cầu vào đầu năm 2025.
Các nhà phân tích chủ yếu cho rằng, sự thiếu hụt tiềm năng là do nhu cầu lithium ở Trung Quốc hiện vượt quá nguồn cung sẵn có của nước này.
"Chúng tôi dự đoán nhu cầu lithium đối với xe điện của Trung Quốc sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 20,4% từ năm 2023 đến năm 2032", báo cáo viết. Trung Quốc hiện là nước sản xuất lithium lớn thứ ba thế giới.
Sản lượng lithium toàn cầu đạt 540.000 tấn vào năm 2021, trong khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán nhu cầu toàn cầu sẽ lên tới hơn 3 triệu tấn vào năm 2030.
Theo dự báo của S&P Global Commodity Insights, doanh số bán ô tô điện toàn cầu dự kiến sẽ đạt 13,8 triệu chiếc trong năm nay nhưng sau đó sẽ tăng vọt lên hơn 30 triệu chiếc vào năm 2030.
"Về cơ bản, chúng tôi chắc chắn ngành công nghiệp lithium sẽ thiếu hụt nhiên liệu. Dù chúng tôi dự báo tăng trưởng nguồn cung nhưng nhu cầu sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều", bà Corinne Blanchard, giám đốc nghiên cứu của Deutsche Bank, nói với CNBC.
Chuyên gia này dự đoán, đến cuối năm sau, mức thâm hụt sẽ rơi vào khoảng 40.000 đến 60.000 tấn lithium và đến cuối năm 2030, mức thâm hụt sẽ lớn hơn lên tới 768.000 tấn.