Giả khổ mượn tiền 9 người bạn thân, kết quả ngã ngửa: Ngày thường ‘3 vạn 9 nghìn anh em’ nhưng thực sự nhờ cậy được chỉ đếm trên đầu ngón tay

Như Nguyễn |

Tiền bạc là thấu kính soi tỏ lòng người, những người đã giúp bạn sẽ luôn giúp đỡ bạn, nhưng những người bạn đã giúp thì chưa chắc...

Cách đây không lâu, chúng tôi đã tiến hành một cuộc trắc nghiệm về việc "giúp người khi khó khăn" trong hai tháng tại 25 thành phố ở nhiều quốc gia như New York, Washington, Los Angeles, Bắc Kinh, Quảng Châu, Seoul, Hamburg… Tổng cộng có 60 nhóm tham gia hoạt động trắc nghiệm này, với các thành viên thuộc mọi tầng lớp và mức thu nhập khác nhau, từ vài triệu một tháng tới vài trăm triệu một tháng.

Trắc nghiệm có tên: "Người bạn nào sẽ cho bạn vay tiền?"

Nhiệm vụ của bài kiểm tra rất đơn giản: trong hai tháng tiếp theo tính từ ngày đồng ý tham gia thử nghiệm, những người tham gia được yêu cầu đặt giả thiết rằng họ cần tiền, tốt nhất là khiến bản thân trông nghèo nàn đến mức họ rất cần được giúp đỡ hoặc không thể lo được chi phí sinh hoạt cho mình. Tiếp theo đó, họ sẽ hỏi vay tiền của bạn bè để xem có bao nhiêu người sẽ đồng ý cho họ vay.

Những người tham gia rất hứng thú với bài kiểm tra này, và họ khá tò mò không biết những người bạn thường ngày thân thiết sẽ phản ứng ra sao khi họ gặp khó khăn. Ba tháng sau, chúng tôi sắp xếp thông tin nhận được từ nhiều nơi khác nhau và nhận được một kết quả đáng ngạc nhiên:

- Tầng lớp làm công ăn lương: Mượn tiền khoảng 20 người bạn, trung bình chỉ có 3 người bạn đồng ý, cuối cùng chỉ có 1 người bạn thực sự cho vay tiền.

- Tầng lớp trung lưu: Mượn tiền của 30 người bạn, trung bình chỉ có 7 bạn đồng ý, cuối cùng chỉ 4 người thực sự cho vay tiền.

- Những người lương rất cao: hỏi 10 người bạn vay tiền, trung bình 6 người trong số họ đồng ý và cuối cùng có 4,5 người thực sự cho vay tiền.

Từ những dữ liệu này, có thể thấy rằng dù bạn là người làm công ăn lương hay thành đạt trong xã hội thì không phải bạn bè nào cũng nhiệt tình giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn. Mặc dù tỷ lệ ở các tầng lớp là khác nhau nhưng nhìn chung, hầu hết bạn bè của bạn đều "bỏ chạy" vào những thời điểm quan trọng, và điều này càng chứng tỏ rằng những người có thể giúp đỡ khi bạn khó khăn nhất mới chính là những người bạn thực sự.

Giả khổ mượn tiền 9 người bạn thân, kết quả ngã ngửa: Ngày thường ‘3 vạn 9 nghìn anh em’ nhưng thực sự nhờ cậy được chỉ đếm trên đầu ngón tay  - Ảnh 1.

Bạn có cho bạn của mình vay tiền hay không?

Tôi nhớ lại một sự việc xảy ra trước đó, chính sự việc này và chuỗi sự kiện sau đó khiến tôi nảy ra ý tưởng bàn bạc với bạn bè khắp nơi để làm thử nghiệm về tiền bạc và lòng người nói trên.

Khoảng thời gian trước, cậu bạn Đặng Tiến đã gọi cho tôi nói muốn vay tiền vì kinh doanh khó khăn và đang cần tiền để xoay vòng. Lúc đó tôi nghĩ cũng hơi lạ vì chúng tôi thì cũng chỉ là đồng nghiệp bình thường, không thân thiết tới mức có thể vay tiền của nhau.

Lúc đó tôi hơi đắn đo không biết có nên vay hay không? Tôi nói với Đặng Tiến rằng vì đang họp nên tôi sẽ liên lạc lại với cậu ấy sau. Tôi đã nghĩ về nó trong hơn mười phút và quyết định cho cậu ấy vay tiền. 

Xét cho cùng, số tiền đó không phải là số tiền lớn đối với tôi vào thời điểm đó. Quan điểm của tôi là sẽ giúp đỡ nếu tôi có thể. Tôi nghĩ cậu ấy đang gặp rắc rối lớn, nếu không sẽ chẳng mở miệng để vay tiền của người không thân thiết lắm như vậy. Nửa giờ sau, tôi chuyển tiền cho cậu ấy.

Sau một tuần, Đặng Tiến trả lại tiền cho tôi và mời tôi đi uống trà. Hai chúng tôi tìm một quán trà và cậu kể về câu chuyện đi vay tiền khó khăn của mình.

Cậu nói: "Cảm ơn vì đã đồng ý cho tôi vay số tiền đó, tôi thật sự đã không hề hi vọng nhiều".

Tôi hơi bối rối hỏi: "Sao cậu lại nghĩ như vậy?"

Đặng Tiến đáp với giọng nói mang chút bất lực: "Tôi đã gọi 9 cuộc gọi trước khi gọi cho cậu, và cậu là cuộc gọi thứ 10. Khi cậu nói "sẽ gọi lại sau", tôi gần như nghĩ rằng mình sẽ phải gọi cuộc gọi thứ 11. Tất cả những cuộc gọi đó đều được gọi theo trình tự dựa trên sự thân thiết, nhưng càng về sau, tôi càng trở nên thiếu tự tin. Vì vậy, khi gọi cho cậu, tôi cũng không dám hi vọng gì nhiều."

Sau đó, chúng tôi đã nói rất nhiều về chủ đề này. Đặng Tiến xúc động nói: "Nếu không nhờ lần vay tiền này, tôi đã nghĩ mình có rất nhiều bạn. Đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng thì ra mình lại cô đơn tới như vậy, lúc khó khăn lại chẳng có bạn bè nào giúp đỡ…"

Giả khổ mượn tiền 9 người bạn thân, kết quả ngã ngửa: Ngày thường ‘3 vạn 9 nghìn anh em’ nhưng thực sự nhờ cậy được chỉ đếm trên đầu ngón tay  - Ảnh 3.

Tôi cũng đã từng vay tiền bạn bè…

Rất lâu sau đó, tôi vẫn luôn canh cánh về câu chuyện của Đặng Tiến. Và tôi quyết định muốn thử xem liệu mình có "cô đơn" giống như Đặng Tiến hay không.

Trước khi thử điều này, tôi đã gọi điện chia sẻ nó với Đặng Tiến, sau khi nghe xong, cậu ấy cười to và nói: "Tôi khuyên cậu đừng có mà làm liều, có thể nó sẽ khiến cậu cảm thấy trống rỗng lắm đó!"

Nói chuyện với Đặng Tiến xong, tôi giở danh bạ và tìm ra một vài người bạn tôi thường xuyên qua lại, có mối quan hệ khá tốt.

Trước đó tôi chưa từng mượn tiền của ai trong số họ, cũng không làm việc với nhau theo bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi chỉ đơn giản là thường chơi cùng nhau như đi ăn, uống cà phê hay đi bar. Trước đó hầu hết đều là tôi giúp đỡ họ nhiều hơn một chút, và họ là bạn bè theo nghĩa thuần túy.

Có 9 người trong danh sách của tôi, và hầu hết đều tự kinh doanh nên có khả năng tài chính, và tôi nghĩ vay vài triệu chắc không có vấn đề gì. Sau đó, tôi gửi cho họ một tin nhắn với nội dung rằng: "Hiện tôi/em đang gặp khó khăn nhỏ và cần vay gấp 10 triệu, ba ngày nữa tôi/em sẽ trả lại cho cậu/anh. Gọi lại cho tôi/em nếu cậu/anh rảnh, còn không hãy gửi tin nhắn để tôi/em biết. Tôi/em đang cần khá gấp nên mong cậu/anh trả lời tớ càng sớm càng tốt nhé!"

Tôi gửi tin nhắn vào khoảng 4h chiều. Trước giờ ăn tối, tôi nhận được 7 tin nhắn trả lời và hai cuộc điện thoại. Các tin nhắn được trả lời khá nhanh chóng, tất cả chỉ trong vòng một giờ, và hai trong số đó lần lượt là 20 và 30 phút sau khi tôi gửi tin nhắn. Trong số đó, 7 câu trả lời đều có nội dung na ná nhau:

"Xin lỗi nhé! Giờ tôi cũng đang khó khăn. Thật đấy, nếu không thì tôi nhất định sẽ giúp cậu. Cậu tìm cách khác nhé, thật sự rất xin lỗi!"

"Chị dâu vừa mới vay tôi tiền vào tuần trước. Nếu tháng sau chị ấy trả tiền, tôi có thể sẽ cho cậu vay, nhưng tháng này thì thực sự tôi cũng không làm gì được, xin lỗi nhé!"

"Dạo này anh cũng đang kẹt lắm, vừa rồi công việc kinh doanh cũng thua lỗ kha khá, xém chút nữa là phải bán cả xe đi rồi. Thật sự xin lỗi nhé, nếu tình hình tài chính của anh tốt hơn thì anh chắc chắn cho cậu vay, kể cả có là 100 triệu anh cũng cho cậu vay."

Nhìn 7 dòng tin nhắn này, tim tôi lạnh đi một nửa, nhưng vừa hay, tôi cũng trông thấy hai cuộc gọi nhỡ.

Một người không dài dòng văn tự, chỉ đơn giản một câu nói: "Gửi anh số tài khoản anh chuyển khoản cho cậu nhé."

Còn người còn lại, dù con trai xảy ra chuyện nhưng cũng không hề tâm sự với ai, thấy tôi nhắn tin cần tiền gấp chỉ sốt sắng hỏi tôi xảy ra chuyện gì và nói sẽ lập tức chuyển khoản cho tôi.

Giây phút ấy, tôi sâu sắc ngộ ra được đâu là "bạn", còn đâu là "bè. "Bè" là cả một danh sách dài dằng dặc trong danh bạ điện thoại, còn "bạn" thì tôi chỉ có hai.

Những người đã giúp bạn sẽ luôn giúp đỡ bạn, nhưng những người bạn đã giúp thì chưa chắc, thậm chí nhiều khi chúng ta sẽ phải đau đớn nhận ra rằng mặc dù danh bạn điện thoại có tới hàng trăm số liên lạc, mặc dù bạn bè trên Facebook có cả hàng ngàn người, nhưng người thực sự đáng tin cậy lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chúng ta cần biết ai mới là một người bạn thực sự của mình. Có như vậy thì khi thực sự gặp khó khăn trong tương lai, bạn sẽ biết phải tìm đến ai để được giúp đỡ, và cũng tiết kiệm được thời gian đi hỏi những người không đáng tin cậy, nó không chỉ khiến bạn cảm thấy thất vọng mà còn khiến người khác ngại ngùng, thậm chí làm lỡ việc.

Tất cả chúng ta đều phải học được cách phân biệt đâu là bạn chỉ để chơi cùng và đâu là những người bạn mà chúng ta thực sự có thể dựa vào. Những người qua lại để giải trí vui chơi, bình thường đi chơi đi bời xả stress với nhau thôi là được, đừng làm phiền người ta; nhưng với những người mà bạn có thể thực sự dựa vào, hãy đối xử với họ thật tốt!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại