"Giáp lồng", "xe tăng rùa" và "chuồng gà"
Ngoài việc sử dụng rộng rãi các loại máy bay không người lái (UAV/Drone), cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine cũng tạo ra một số "xu hướng" mới trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu.
Và 1 trong số đó chính là việc trên khắp thế giới người ta đang tính tới việc bổ sung "giáp lồng" - các thanh và lưới kim loại bao bọc xung quanh Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) trước mối đe dọa đến từ UAV/Drone.
Cho tới nay người Nga và người Israel là những bên nghiêm túc nhất với biện pháp phòng vệ bổ sung này.
Người Nga đã lắp ráp chúng trên MBT mới ngay trong nhà máy và trước khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" (SMO). Còn người Israel cũng sản xuất hàng loạt và đưa chúng lên MBT Merkava Mk3 của họ.
Và gần đây nhất là sự xuất hiện những "xe tăng rùa" - theo cách gọi của người Nga là "Món nướng của Sa hoàng" - đây là ví dụ điển hình của nỗ lực nâng cấp "giáp lồng" tiên tiến hơn để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ UAV/Drone Ukraine.
Ngoài ra cũng có một biến thể khác của "giáp lồng" và nó có thể được gọi là "chuồng gà" với đặc trưng là các thanh và lưới mỏng và nhẹ hơn.
Vậy câu hỏi là liệu tất các biện pháp bảo vệ bổ sung này - bao gồm cả "xe tăng rùa", "giáp lồng" và "chuồng gà" có thực sự hiệu quả?
"Liều thuốc"?
Các tay súng trực thuộc Tiểu đoàn sơn cước độc lập số 8 trực thuộc Lữ đoàn "Edelweiss" nổi tiếng của Ukraine đã vừa trả lời câu hỏi nói trên - và đó là không.
Đoạn video được tiểu đoàn Ukraine công bố gần đây cho thấy FPV Drone (Drone góc nhìn thứ nhất) đang vượt qua những biện pháp đối phó ngày càng phức tạp và gây ra hậu quả tàn khốc cho cơ giới Nga.
Cụ thể trong video, một FPV Drone tiếp cận một khí tài được cho là MBT của Nga được bổ sung một cấu trúc phòng thủ rối rắm giống hệt như "chuồng gà". Chiếc FPV Drone lượn 1 vòng trước khi lùi lại và bổ nhào - cách tiếp cận mang tính chất cảm tử và tàn khốc của nó.
Trong cảnh quay tiếp theo, người xem có thể nhận ra ít nhất là 3 khí tài đang bốc cháy.
Mặc dù Tiểu đoàn 8 Ukraine chưa phản hồi yêu cầu cung cấp thêm thông tin về vụ việc của BI nhưng việc các khí tài đều đứng yên cho thấy kíp lái của chúng đã rời khỏi hiện trường trước đó.
Theo phía Ukraine, đoạn video được đề cập trong bài viết của BI được ghi hình hôm 6/5. Có thể thấy FPV Drone phải lựa chọn các điểm nhất định trên tháp pháo không được bảo vệ bởi "chuồng gà" trước khi bổ nhào.
Bình luận với BI, các chuyên gia cho rằng cả "giáp lồng", "xe tăng rùa" lẫn "chuồng gà" đều vô dụng trước các Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Javelen cũng như Súng chống tăng vác vai (RPG) NLAW trong tay lực lượng Ukraine.
Tuy nhiên nhà phân tích của tổ chức RAND, đồng thời cũng là cựu chỉ huy đơn vị xe tăng của Anh ông Gian Gentile thì cho rằng loại giáp này có khả năng bảo vệ nhất định trước các loại đạn dược lảng vảng như FPV Drone.
Nhưng như video nói trên đã chứng minh - điều này không phải lúc này cũng xảy ra. Ông Gentile cũng nhấn mạnh như sau:
"Đa phần các biện pháp bảo vệ bổ sung đều mang tính chất tâm lý.
Đây là một loại "giả dược" - thuốc hay phương pháp trị liệu không có hiệu quả điều trị, làm cho bệnh nhân nghĩ rằng họ đang được điều trị tích cực và sẽ có hiệu quả - loại hành động người lính sẽ thực hiện trước khi chiến đấu nhằm làm họ thêm tự tin về việc có thể sống sót.
Tuy nhiên việc phải vận hành một khí tài có giáp lồng có thể tạo ra sự bất tiện lớn. Chúng cản trở khả năng di chuyển của khí tài và tầm nhìn của kíp lái".
Cần lưu ý rằng gần đây nhà báo Julian Roepcke của tờ BILL (Đức) từng thừa nhận rằng "xe tăng rùa" hay "Món nướng của Sa hoàng" đã góp phần vào cuộc tấn công thành công của lực lượng Nga trong trận Krasnogorovka ít ngày trước.
Cụ thể ông Roepcke đã miễn cưỡng thừa nhận rằng phương tiện này "không hề hấn gì" khi bị những chiếc FPV Drone tấn công.
Một "xe tăng rùa" được cho là MBT T-72 chưa rõ biến thể của Nga với lưỡi quét mìn.