"Gia đình tôi sống tại Cuba - Dân còn nghèo nhưng di sản của Fidel Castro sẽ trường tồn"

Linh Nguyễn |

Đó là tiêu đề bài báo của tác giả Thair Shaikh đăng trên tờ The Independent (Anh) vào tối 26/11, một ngày sau khi lãnh tụ Cuba Fidel Castro từ trần.

Giống như bao quốc gia còn nghèo khổ hơn trước đó, Cuba ngày nay phát triển mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh đến mức thật khó lòng mô tả diện mạo của đất nước thời hiện đại cho một người chưa từng đặt chân đến đây.

Các điểm Wi-Fi mọc lên như nấm ở thành thị, và hàng loạt khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng ra đời với tốc độ không tưởng. Trong khi đó, nông dân tại vùng nông thôn Cuba, hay còn gọi là "campesinos", vẫn dùng trâu để cày trên đất đỏ, và người trồng thuốc lá vẫn hái lá xanh bằng tay.

Tất cả những điều ấy hiển nhiên vẫn đều là Cuba, nhưng nếu bạn muốn tôi cho bạn thấy Cuba "thực sự", tôi sẽ đưa bạn tới một thành phố nhỏ tên Chambas thuộc tỉnh Ciego de Avila nằm giữa trung tâm Cuba.

Với những cánh đồng mía và ngô vây quanh, Chambas chính là một thị trấn nhỏ xinh ngoại ô Cuba điển hình. Nơi đây, xe ngựa kéo vẫn đưa các bà nội trợ mệt mỏi về tới nhà, và việc sở hữu một chiếc xe hơi, dù có là một chiếc xe khổng lồ từ Mỹ sản xuất thập niên 1950 đi nữa, vẫn nằm ngoài khả năng tài chính của hầu hết cư dân.

Gia đình tôi sống tại Cuba - Dân còn nghèo nhưng di sản của Fidel Castro sẽ trường tồn - Ảnh 1.

Một khu phố ở thủ đô Havana của Cuba. Ảnh: Getty

Raul, ông nội của vợ tôi từng sống ở đây. Giờ đã ngoài sáu mươi, ông dành phần lớn cuộc đời chắp vá lại ổ gà ổ voi trên đường phố Cuba đến khi một tai nạn vài năm trước đã lấy đi phần nhiều của các ngón trên bàn tay trái. Bây giờ ông chỉ lao động trên ruộng của hàng xóm, trông về phía nhà mình.

Raul sống trong một túp lều gỗ khá lớn, do ông dựng từ năm ngoái cùng với con trai và con rể. Sàn nhà là lớp bê tông trải không đều, cửa sổ không đóng kín, và lớp mái tranh sẽ không chịu nổi cơn bão cấp 1, chưa nói gì đến cấp 4.

Ầm ì trong góc bếp là chiếc tủ lạnh do Liên Xô sản xuất từ những năm 1950. Một chiếc tivi màu bé xíu tọa trong phòng khách.

Gần như cả đời, Raul chỉ kiếm được 300 peso một tháng, tương đương với khoảng 12 bảng Anh. Đây là mức lương bình thường với phần lớn công chức Cuba. Dĩ nhiên là cũng có tiêu chuẩn hàng tháng nữa.

Mặc dù Raul chỉ là nông dân Cuba, và cuộc đời ông chẳng mấy dễ dàng, nhưng nhà ông vẫn có điện và có nước. Nước sạch.

Đây chính là di sản của Fidel. Nước sạch và điện cho tất cả mọi người. Giáo dục và y tế đều miễn phí. Người Cuba thường đùa rằng họ còn khỏe mạnh và trình độ cao hơn dân Mỹ, mặc dù bị Mỹ cấm vận ngót nghét 50 năm.

Vì thế với tôi, nông thôn Cuba chính là Cuba của Fidel. Lý tưởng của ông vẫn tồn tại nơi đây - và vùng nông thôn nghèo của Cuba được hưởng lợi lớn nhất từ chính sách từ-nôi-đến-mộ của ông.

Tại đây, những thế hệ cháu chắt của người nông dân thực sự lớn lên thành chuyên gia tư vấn phẫu thuật và phi công máy bay thương mại. Đây là những người thần tượng Fidel, và sẽ khóc thương sự ra đi của ông nhất.

Mặt khác, thành thị Cuba lại đang nhanh chóng trở thành Cuba của Chủ tịch đương nhiệm, Raul Castro. Khi tôi viếng thăm Cuba lần đầu năm 2007, hiếm hoi mới thấy một người Cuba cầm điện thoại di động. Số còn lại thì bị cấm vào khách sạn hoặc các khu nghỉ dưỡng biệt lập. Dĩ nhiên là tất cả những điều này đã đổi thay.

Gia đình tôi sống tại Cuba - Dân còn nghèo nhưng di sản của Fidel Castro sẽ trường tồn - Ảnh 2.

Một người đàn ông hái thuốc lá về phơi. Ảnh: Getty

Giờ đây, nếu tôi tản bước vào quảng trường chính của thành phố Placetas nơi tôi có một ngôi nhà, bất kể đêm hay ngày vẫn có người cúi đầu nhìn điện thoại và máy tính bảng, trò chuyện với họ hàng ở Miami qua Skype và IMO.

Và mặc dù Placetas lớn hơn Chambas rất nhiều, nó không phải là điểm du lịch. Tôi chưa từng thấy người nước ngoài nào ở đây. Placetas là thành phố lớn điển hình, nằm khoảng 30km về phía đông Santa Clara, nơi cuộc cách mạng vũ trang đã chiến thắng.

Cuộc sống nơi đây đậm chất Cuba - đủ dễ chịu - ít khi mất điện (trừ phi gặp cơn bão lớn), tỷ lệ tội phạm thấp, trường học tốt và cả bệnh viện lẫn phòng khám đa khoa đều đủ thiết bị. Tình trạng thiếu hàng hóa, mà dân địa phương vẫn đổ lỗi cho lệnh cấm vận của Mỹ, mỗi tháng một khác.

Tháng Một năm nay, tôi không tìm được Coca Cola ở bất cứ đâu. Khi đến đây vào tháng Mười, chẳng kiếm nổi thịt bò. Nhưng có rất nhiều gà nhập khẩu từ Mỹ và Brazil. Ở Santa Clara, thứ bia duy nhất mua được hồi tháng trước tại các quán bar do chính phủ quản lý là El Presidente, một thức uống ngon đủ dùng.

Tại sao? Chẳng ai biết.

Một số người Cuba ở Placentas kinh doanh riêng khá phát đạt, sống trong nhà cao cửa rộng và lái xe của châu Âu hiện đại, nhưng họ vẫn thuộc về thiểu số. Phần lớn những người Cuba tôi gặp đều ủng hộ việc cải cách kinh tế, và thắt chặt quan hệ với Mỹ.

Cũng giống như chúng ta, họ muốn cải thiện chất lượng sống, họ muốn dùng điện thoại xịn hơn, một căn nhà rộng hơn, họ muốn đi du lịch.

Nhưng sẽ không có ai trong số họ muốn sống ở một nước Cuba mà, bất kể giàu có thế nào, lại không có chương trình giáo dục miễn phí, chăm sóc sức khỏe miễn phí, giao thông công cộng rẻ và tỉ lệ tội phạm nghiêm trọng ở mức thấp nhất châu Mỹ. Không một ai cả.

Đây chính là di sản của Fidel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại