Gia đình gặp sự cố bất ngờ, phản ứng của bố mẹ khiến người xung quanh ngầm tán thưởng: Một gia đình tuyệt vời!

Hiểu Đan |

Dù chuyện xấu có ra sao, chỉ cần bạn có thể bình tĩnh giải quyết thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Một chuyên gia nuôi dạy con ở Trung Quốc mới đây chia sẻ, chị vô cùng xúc động về đám cưới mà mình đã tham dự cách đây vài ngày. Chị kể:

"Khi đó, con gái của dì tôi, tên là Sissi lần đầu tiên làm phù dâu nên hơi lo lắng. Em nhờ tôi đi cùng để tiếp thêm dũng khí. Nhưng trong ngày cưới, không chỉ em tôi căng thẳng mà ngay cả chú rể cũng gặp rắc rối.

Khi chú rể đến nhà gái mới phát hiện cà vạt, cài áo cô dâu đã chuẩn bị từ trước đều bị bỏ quên. Nhìn thấy cảnh tượng này, nhiều người xung quanh đều lo lắng. Thậm chí có người còn thì thầm: "Sao lại có chú rể bất cẩn như vậy?". Là người ngoài cuộc, điều tôi sợ nhất lúc đó chính là nhà gái sẽ chỉ trích. Nếu bắt đầu tranh cãi trong ngày trọng đại, có thể sau đám cưới hai bên gia đình sẽ nảy sinh mâu thuẫn khó hàn gắn.

Gia đình gặp sự cố bất ngờ, phản ứng của bố mẹ khiến người xung quanh ngầm tán thưởng: Một gia đình tuyệt vời! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

May mắn thay, cô dâu và gia đình không có ai phàn nàn hay chỉ trích mà đều đưa ra lời khuyên bằng giọng nói nhẹ nhàng. Bố cô dâu vỗ vai chú rể, an ủi: "Không sao đâu. Ai cũng có lỗi lầm. Nếu có vấn đề gì thì chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết như một gia đình". Cuối cùng, nhờ sự chung tay của mọi người, vật dụng của cô dâu chú rể cũng bắt kịp để đến tiệc cưới một cách nhanh nhất.

Chính đám cưới này đã cho tôi một sự hiểu biết mới: Hóa ra mức độ nghiêm trọng của sự việc đều phụ thuộc vào tâm lý của chúng ta. Dù chuyện xấu có ra sao, chỉ cần bạn có thể bình tĩnh giải quyết thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Tiệc cưới là thế, việc học của con cái cũng vậy. Điều may mắn lớn nhất của đứa trẻ là có được bố mẹ thoải mái. Tất nhiên, làm cha mẹ thoải mái không đơn giản như vậy. Đặc biệt đối với những đứa trẻ thích gây rắc rối và làm bất cứ điều gì chống lại cha mẹ thì việc duy trì cảm giác thư thái lúc này là một thử thách rất lớn".

Nếu bạn ngày càng cảm thấy lo lắng và cáu gắt khi nuôi con, chuyên gia này khuyên bạn nên thử những phương pháp sau để duy trì mối quan hệ thoải mái:

01. Nếu không thể giao tiếp, hãy cố tình thay đổi chủ đề

Có một người mẹ này đã từ bỏ công việc, hy sinh sự tự do của mình để đồng hành cùng con. Điều đáng khâm phục nhất là với tư cách một bà mẹ nội trợ, cô không rơi vào tình trạng khó khăn khi dạy dỗ con mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Cô không bao giờ phàn nàn về sự hy sinh của mình mà luôn hướng dẫn các con đi đúng hướng trong mọi việc.

Vào năm thi tuyển sinh trung học, con trai cô mỗi đêm đều trói mình vào ghế, cho đến khi ôn lại kiến thức đã định thì không bao giờ ngủ. Người mẹ nhìn thấy liền nhẹ nhàng tháo sợi dây trói con ra.

Sau đó cô nói: "Đừng lo lắng, vẫn còn một khoảng thời gian trước kỳ thi tuyển sinh cấp 3. Chúng ta phải thư giãn và ôn tập trong trạng thái tốt nhất để đạt được kết quả như mong muốn". Để giải tỏa cho đứa trẻ khỏi quá nhiều áp lực, người mẹ cũng cố tình chuyển chủ đề: "Con mèo hoang nào ở khu mình mà con thấy chạy nhanh nhất? Ngày mai con nghĩ mẹ có thể buộc nó lại được không?"

Vừa cười khúc khích, cậu con trai vừa hỏi mẹ: "Mẹ có chắc mình có thể chạy nhanh hơn con mèo không? Con sợ mẹ thậm chí còn không thể chạm vào lông mèo".

Trong bầu không khí thoải mái, giảm bớt căng thẳng này, tâm trạng của đứa trẻ trở lại bình thường. Cuối cùng cậu được nhận vào trường trung học trọng điểm hằng mong ước nhờ thể lực vượt trội và trạng thái ổn định.

"Kiểu trò chuyện cố tình thay đổi chủ đề này khiến tôi nhớ đến cảm giác "thư giãn" khiến người ta cảm thấy thoải mái. Cách nói chuyện không áp lực mà chỉ mang lại cảm giác thư thái cũng là thái độ nuôi dạy con cái có thể khiến trẻ cảm thấy ấm áp và an tâm. Vì vậy, nếu chúng ta gặp phải một số vấn đề nhất định và không thể giao tiếp với con cái thì không nhất thiết phải bám vào một chủ đề.

Biết gạt nội dung đang tranh cãi sang một bên, chọn chủ đề giao tiếp mà trẻ thấy thú vị, có thể phá vỡ bế tắc, chỉ khi tâm lý giao tiếp cởi mở thì khoảng cách giữa chúng ta và trẻ mới dần được thu hẹp", chuyên gia nói.

02. Thứ thay đổi thì có thể thay đổi, cũng chấp nhận những gì không thể thay đổi

Chuyên gia kể: "Cách đây nhiều năm, tôi có mối quan hệ rất thân thiết với một nữ đồng nghiệp cũng là một người mẹ tuyệt vời và tận tâm. Nhưng có một lần, khi tổ chức sinh nhật cho đứa trẻ, người mẹ vừa đi làm về không để ý đến chiếc bánh trên ghế, khi chị đang định ngồi xuống nghỉ thì có người hét lên: "Đừng ngồi".

Âm thanh bất ngờ vang lên khiến người mẹ giật mình, chiếc bánh đập vào người cô rồi rơi xuống đất không còn hình thù. Ngay cả khi người mẹ xin lỗi con gái một cách đầy tội lỗi thì cả nhà đều tỏ ra như thể người mẹ đã làm điều gì đó không thể tha thứ.

Về phần đứa trẻ, chỉ cần dỗ dành và xin lỗi thì không sao. Nhưng khi cả nhà phàn nàn về sự bất cẩn của mẹ và liên tục mắng mỏ, cô gái thậm chí còn tức giận và tấn công: Cô bắt đầu đấm đá mẹ mình. Nhìn thấy cảnh đó, với tư cách là người ngoài cuộc, tôi vẫn cảm thấy nghẹt thở.

Nhắc đến chuyện này tôi lại nhớ đến một người bạn khác, may mắn lớn nhất của cô ấy là có cha mẹ bao dung. Khi cô còn nhỏ, hoàn cảnh kinh tế gia đình không mấy khả quan nhưng bố vẫn mua cho cô một chiếc điện thoại di động và cô là đứa trẻ đầu tiên trong trường sở hữu.

Trong một lần tai nạn, bạn tôi vô tình làm mất điện thoại. Thấy túi trống rỗng, cô chạy vội xuống căn-tin gọi điện cho mẹ. Cũng vì sợ nên bạn tôi lúc đó đã bật khóc. May mắn thay, khi biết chuyện, mẹ không hề phàn nàn mà nhẹ nhàng nói: "Đừng tiếc nuối, cứ vứt nó đi. Chuyện đã xảy ra thì chúng ta phải chấp nhận, cứ coi như một trải nghiệm, có thể tránh được xảy ra lần nữa trong tương lai".

Và hai tấm gương giáo dục khác nhau này cũng cho thấy rằng trong mọi việc, chúng ta phải thay đổi những gì có thể thay đổi và chấp nhận những gì không thể thay đổi. Những sai lầm vô tình gây ra có thể được thay đổi và chúng ta cần tiếp nhận bằng sự khoan dung. Cái gì bị mất không tìm lại được thì chẳng thể thay đổi được, chúng ta cần phải suy nghĩ thoáng lên thay vì chỉ trích sự đã rồi. Nhìn thấy mặt tốt của mọi việc đều mang lại cảm giác an tâm cho trẻ.

03. Bớt kỳ vọng về thành tích

Vì sao nhiều phụ huynh dễ rơi vào trạng thái lo âu, không có cảm giác thư thái trong việc học tập của con? Trên thực tế, nhiều khi chúng ta quá bị ám ảnh bởi kết quả và đặt quá nhiều sức lực vào thành tích.

Trong cuốn sách "Gặp gỡ trong tình yêu" có mô tả về một mối quan hệ cha mẹ - con cái tuyệt vời nhất: "Đừng có những kỳ vọng không phù hợp với lứa tuổi đối với con cái, và đừng để con cái có những phụ thuộc với cha mẹ không phù hợp với lứa tuổi". Vì vậy, mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt nhất là làm những điều đúng đắn ở độ tuổi thích hợp.

Những đứa trẻ có thành tích tốt luôn được sinh trưởng và dạy dỗ bởi những cha mẹ có mục tiêu cao, có sự kỳ vọng vào trẻ. Nhưng cũng có không ít đứa trẻ trở nên mất tự tin, thất bại, không tìm thấy chính mình, và điểm cuối là không thể hạnh phúc khi chúng không làm đúng như cha mẹ kỳ vọng.

Cách tốt nhất dành cho con là kỳ vọng trong khả năng để thúc đẩy sự phát triển và nỗ lực phấn đấu của trẻ, thay vì tạo áp lực không đáng có. Cha mẹ sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt của con, tin tưởng và cho phép con được là chính mình, hỗ trợ con trong những lúc khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, những bậc cha mẹ khôn ngoan luôn biết "buông" đúng lúc để con học cách tự lập, bớt phụ thuộc. Cha mẹ nên khuyến khích và hướng dẫn con hình thành suy nghĩ và thực hiện lối sống tự lập.

Trẻ có thể bắt đầu làm những việc trong khả năng như: Dọn dẹp nhà cửa, nấu món ăn đơn giản, chăm sóc cây cảnh,… Điều này không chỉ giúp trẻ trở nên tự lập mà còn khiến trẻ thêm hiểu giá trị bản thân, cảm thấy hạnh phúc vì được làm việc có ích.

04. Hãy từ bỏ sự hy sinh và cống hiến, sống tự do, bình đẳng với con cái

Trên thực tế, nguyên nhân khiến cha mẹ và con cái dễ xảy ra cãi vã, xung đột chủ yếu xuất phát từ việc bạn có thấu hiểu cảm xúc của con mình hay không. Mỗi người đều là một cá thể độc lập trên thế giới, cảm giác thư giãn giữa cha mẹ và con cái cũng đồng nghĩa với việc họ có thể chung sống bình đẳng, tự do với nhau.

Có một điều những người cha mẹ kiểu này không hiểu được là con cái không hề muốn cha mẹ phải hi sinh mọi thứ cho mình. Thực ra điều con cái muốn nhất là thấy cha mẹ mình vui vẻ. Nếu cha mẹ không có nghĩa vụ hy sinh, con cái sẽ không có cảm giác mắc nợ. Chỉ khi cha mẹ và con cái ở trạng thái thoải mái, mối quan hệ 2 bên mới gần gũi và thân thiết.

Hãy buông bỏ sự hy sinh và cống hiến, hãy cho phép mình được tự do, buông bỏ sự bất an để cho con được tự lập. Bạn sẽ thấy rằng cha mẹ là hình mẫu cho con cái, chỉ khi bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình thì con bạn mới trở thành phiên bản tốt hơn của chính chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại