Giá dầu rớt mạnh khi đàm phán Doha thất bại

Đan Nguyên |

Phiên giao dịch buổi sáng ngày hôm nay trên thị trường châu Á, giá các loại dầu đã giảm đến hơn 6% bởi cuộc họp tại Doha đã không thể đưa ra một sự đồng thuận về tăng sản lượng.

Khi cuộc họp ngày hôm qua bắt đầu, không ít người đã tin rằng sẽ có một thỏa thuận về giữ nguyên sản lượng được đưa ra.

Theo đó, giới chuyên gia và đầu tư dự báo tối thiểu 16 nước trong và ngoài OPEC cũng sẽ chấp thuận giữ sản lượng dầu ở mức trung bình của tháng 1/2016 ít nhất cho đến tháng 10/2016.

Ngoài ra, theo biên bản dự thảo của cuộc họp mà Wall Street Journal có thể có được, một ủy ban giám sát sẽ được lập ra để đảm bảo sự tuân thủ của nhóm nước tham gia thỏa thuận giữ nguyên sản lượng, thành viên nào không thực hiện đúng sẽ phải chịu phạt.

Đã nhiều lần, Saudi Arabia công khai tuyên bố sẽ không đồng ý giữ nguyên sản lượng nếu Iran không tham gia. Hoàng tử Saudi Arabia, ông Mohammed bin Salman, cũng đã khẳng định quan điểm đó trong bài phỏng vấn trước thềm cuộc họp Doha vào cuối tuần qua.

Cuộc họp đã kết thúc trong tâm lý chán chường thất vọng khi mà Saudi Arabia cương quyết từ chối thực hiện bất kỳ cam kết nào nếu Iran không chịu tham gia. Iran luôn được coi như “đối thủ” lớn của Saudi Arabia trong khu vực Trung Đông.

Sự đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran luôn là yếu tố cản trở lớn đối với bất kỳ thỏa thuận giảm sản lượng dầu nào.

Ngoài ra, không ít chuyên gia trên thị trường năng lượng cũng cho rằng ngay cả nếu có một thỏa thuận nào đó được đưa ra, thị trường năng lượng cũng sẽ khó cảm thấy thuyết phục và giá dầu khó tăng mạnh bởi họ không thực sự tin vào sự tuân thủ tuyệt đối của các thành viên.

Hiện nay, tình hình thị trường năng lượng cũng đã biến chuyển khá nhiều so với thời điểm cuối năm 2015.

Giá dầu quá thấp trong thời gian quá lâu đã khiến nhiều công ty năng lượng phá sản, chính vì thế cam kết không tăng sản lượng cũng không thể có quá nhiều tác động đến thị trường.

Trong tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo dự báo về thị trường năng lượng Mỹ trong ngắn hạn.

Theo đó, sản lượng dầu thô của Mỹ tháng 3 giảm 90 nghìn thùng so với tháng 2. Sản lượng dầu thô trung bình của Mỹ năm 2016 ước khoảng 8,6 triệu thùng/ngày, đến năm 2017 con số này sẽ ở mức 8 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu trung bình như vậy thấp hơn rất nhiều so với mức cao kỷ lục 9,4 triệu thùng/ngày trong năm 2015.

Ngoài ra, theo nhận định của quỹ đầu tư trên thị trường năng lượng Energy Aspects, tình trạng thừa cung trên thị trường năng lượng sẽ được giải quyết dù không phải ngay trong tháng 4 và tháng 6.

Energy Aspects dự báo từ tháng 6, nhu cầu dầu sẽ vượt mức cung hàng ngày.

Tại Trung Đông, hiện nay Iran đang xuất ra thị trường 3,1 triệu thùng dầu/ngày. Chính phủ Iran khẳng định sẽ vẫn tiếp tục tăng cường xuất khẩu cho đến khi mức xuất đạt 4 triệu thùng/ngày.

Dù vậy các chuyên gia khẳng định với mức tăng sản lượng chậm chạp như hiện tại, sẽ mất nhiều năm nữa Iran mới có được mức sản lượng dầu hàng ngày 4 triệu thùng như họ mong muốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại