Gia Cát Lượng: 'Chân nhân bất lộ tướng', càng là cao nhân, càng che giấu sâu 3 thứ này

Dương Mộc |

Những cao nhân “thâm tàng bất lộ” giống như đại dương mênh mông. Họ che giấu bản thân bằng vẻ ngoài bình yên phẳng lặng nhưng ẩn chứa bên trong sức mạnh và vũ khí kinh người.

Cổ ngữ có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”, nguyên nghĩa là chỉ những người đắc đạo không dùng thân phận chân thật của mình thể hiện ra ở trước mặt người khác.

Nghĩa rộng hơn của câu này là có ý nói rằng những người có bản sự, có thân phận, có địa vị cao thường không để lộ mặt hoặc lộ thân phận của mình trước người khác. 

Nó cũng bao hàm ý nghĩa là cao thủ chân chính thì không khoe khoang mà có thể ẩn giấu được tài năng của mình, không tùy tiện thể hiện tài năng của bản thân.

Quả thật, những người thích khoe khoang thể hiện thường tự đẩy mình lên “đầu sóng ngọn gió”, họ không chỉ đón nhận nhiều bạn bè ngưỡng mộ mà đồng thời còn phải chấp nhận thêm nhiều kẻ địch ganh ghét, hãm hại, vô cùng nguy hiểm. 

Người lợi hại thực sự thì chỉ như một chú sư tử nằm yên, không cần thét gào cũng chẳng ai dám thách thức.

Giống như vị công thần khai quốc Khổng Minh của thời hỗn loạn Tam Quốc, đầy bụng kinh luân, phong độ đại tướng, thành tựu vĩ đại nhưng vẫn xử sự khiêm tốn, khoan dung hết mực. 

Gia Cát Lượng được người đời xưng tụng là Ngọa Long ("con rồng nằm"), tài trí hơn người đủ để “định thiên hạ”, nhưng trước khi đi theo phò tá Lưu Bị, ông chỉ ẩn cư nơi núi rừng hoang vắng, sau khi thành tựu bốn phương, ông vẫn sống không màng danh lợi như cũ.

Từ đó, có thể thấy, năm chữ “Chân nhân bất lộ tướng” quả thực rất phù hợp với con người Gia Cát Lượng. Ở vị cao nhân này, người ta nhận ra được 3 đặc điểm quan trọng sau đây:

Che giấu bản thân, nhận rõ hết thảy

Trong rất nhiều trường hợp, nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ phát hiện một số người không thích nói chuyện, mặt luôn mỉm cười và âm thầm quan sát tất cả. 

Hành động của họ không chỉ thể hiện sự lịch sự, lễ phép khi lắng nghe mà còn là biểu hiện của một trí tuệ khôn ngoan, giỏi về học tập, lĩnh hội trí tuệ của đại chúng.

Gia Cát Lượng: Chân nhân bất lộ tướng, càng là cao nhân, càng che giấu sâu 3 thứ này - Ảnh 1.

Người thực sự lợi hại sẽ không vội vàng khoe khoang hiểu biết của bản thân mà biết giữ im lặng khi cần, “che giấu” thật tốt bản thân. 

Họ hiểu được rằng, “địch nhân trong tối, bản thân ngoài sáng” chính là tình huống nguy hiểm nhất. Trái lại, nếu đặt bản thân trong tối, địch nhân ngoài sáng thì mới có thể dễ dàng nắm chắc thắng lợi, đánh bại người khác.

Thành công quyết định bởi chi tiết. Một dấu vết nhỏ cũng có thể tạo thành ảnh hưởng lớn, thay đổi thành bại cuối cùng. 

Do đó, sự cẩn trọng trong quan sát là điều vô cùng quan trọng. Phàm là nhân vật muốn làm đại sự, phải hiểu cách “lấy tĩnh chế động”, lấy bất biến ứng vạn biến. Học được che giấu bản thân để âm thầm tiếp cận đối thủ là hành động trí tuệ vô cùng.

Che giấu sự khó chịu, thể hiện sự bao dung

Nhắc đến sự khoan dung của Gia Cát Lượng, không ít người sẽ nhớ tới điển tích “bảy lần bắt, bảy lần thả Mạnh Hoạch, cuối cùng khiến Mạnh Hoạch thực lòng tâm phục” của vị tể tướng nước Thục này.

Lúc bấy giờ, quân Man làm phản, Mạnh Hoạch là thủ lĩnh của chúng thì ngang ngược bất tuân, nhiều lần gây sự. 

Gia Cát Lượng cùng ba quân phải chinh chiến vô cùng khổ nhọc ở nơi rừng thiêng nước độc, bao lần vào sinh ra tử mới bắt được hắn, nhưng lần nào bị bắt, Mạnh Hoạch cũng cứng đầu không phục.

Lần thứ nhất, Hoạch nói: “Đường hẻm núi cao, lỡ sa vào tay ngươi, ta đâu có chịu!”.

Lần thứ hai: “Hoạch nói: Đó là thủ hạ ta muốn hại lẫn nhau, mới đến nông nỗi này, chớ không phải là tài của ngươi, sao ta có chịu!”.

Lần thứ ba: Hoạch nói: “Đó chỉ vì em ta tham ăn, tham uống, trúng phải thuốc độc, bởi thế lỡ việc. Nếu ta đến mà để cho em ta đi tiếp ứng bên ngoài thì chắc xong việc. 

Đó là trời không trợ ta, chớ không phải ta có dại dột gì. Đành chết thì chết, chớ ta vẫn chưa chịu!”.

Lần thứ tư: “Ta tuy là người mọi rợ, nhưng không chuyên dùng qủy kế như thừa tướng, cho nên ta chưa phục”.

Lần thứ năm: “Ta bị bắt là không phải do tài của ngươi. Vì người trong động ta hại lẫn nhau, mới đến nỗi này! Muốn giết thì giết, chớ ta vẫn chưa chịu!”.

Lần thứ sáu: “Chuyện này thực là tự chúng ta đem thịt đến miệng hùm chớ không phải là tài của ngươi, chết thì chết chứ ta vẫn chưa chịu”.

Mãi đến lần thứ bảy, Mạnh Hoạch mới vừa khóc vừa nói: “Từ xưa đến nay, chưa có ai đánh giặc, bảy lần bắt được mà bảy lần tha bao giờ. 

Tôi tuy là người mọi rợ, cũng hiểu đôi chút lễ nghĩa, có đâu mà lại mặt dày mãi thế được! Thừa tướng thực là thiên oai, người phương nam tôi không dám làm phản nữa!”

Có thể thấy rằng, những lần quậy phá của quân phản loạn không hề khiến Gia Cát Lượng tức giận, đánh mất tâm trí, làm ra những quyết sách vội vàng sai lầm mà ngược lại, chỉ có thể làm sáng tỏ cái tâm đại Nhẫn của Khổng Minh. 

Nhẫn là kiên trì để tỏ lòng thành kính, là nhẫn chịu để vượt qua khó khăn, là bao dung để hóa giải ân oán.

Gia Cát Lượng: Chân nhân bất lộ tướng, càng là cao nhân, càng che giấu sâu 3 thứ này - Ảnh 2.

Nhắc đến sự khoan dung của Gia Cát Lượng, không ít người sẽ nhớ tới điển tích “bảy lần bắt, bảy lần thả Mạnh Hoạch, cuối cùng khiến Mạnh Hoạch thực lòng tâm phục” của vị tể tướng nước Thục này. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Che giấu nỗi đau, hóa bi thương thành hành động

Vào năm Công Nguyên 229, Triệu Vân, võ tướng cuối cùng trong nhóm Ngũ Hổ Tướng Thục Hán qua đời tại nhà riêng. 

Gia Cát Lượng vốn đã dự liệu trước được sự việc này, nhưng khi người truyền tin chạy đến báo tang, Khổng Minh vẫn không khỏi đau đớn. 

Đối mặt với sự kết thúc của thời đại cũ, khi các nguyên lão trấn quốc lần lượt qua đời, vị thừa tướng càng cảm thấy quặn lòng và xót xa hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, khi nghe Triệu Vân luôn miệng lẩm bẩm một câu: "Bắc phạt! Bắc phạt!" trước khi nhắm mắt xuôi tay, Gia Cát Lượng cảm thấy rất hổ thẹn. 

"Bắc phạt" không chỉ là một đại sự mà Triệu Vân dành nửa đời người theo đuổi, mà nó cũng là ước vọng của rất nhiều lão thần nhà Thục Hán.

Cuối cùng, thay vì chìm trong bi thương, ông cảm thán một câu: “Tử Long mất đi, quốc gia mất đi một người tài, ta cũng mất đi một cánh tay phải”, sau đó lại hóa bi thương thành động lực, tiếp thêm sức mạnh để chèo chống Thục Hán đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn thời bấy giờ.

Cuộc sống là một chuỗi sự việc thăng trầm bất tận, khó có thể lường trước. Chỉ có kẻ dại dột mới tự ai tự oán, bi thương không thôi, tự đi vào vết xe đổ đời người. 

Còn với cao nhân thực sự, họ nhẫn nhục chịu đựng, vượt qua gian khó cả về thể xác lẫn tinh thần để không ngừng tiến bước. Càng khó, càng khổ lại càng phải đi. Đấy mới là sự xuất sắc đích thực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại