‘Ghè đá vào chân’ cũng phải tinh gọn bộ máy

CHÂN LUẬN - TRỌNG PHÚ |

Không thể mãi đóng thuế nuôi bộ máy cồng kềnh. Ngại cải cách bộ máy vì đụng lợi ích riêng. Tinh gọn, tinh giản, lực cản ở đâu?

Không thể mãi đóng thuế nuôi bộ máy cồng kềnh

Nhiều nơi thực hiện pháp luật thiếu nghiêm túc, tùy tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, hình thành một số chức danh không đúng trong quy định.

“Dù phải “lấy đá ghè chân mình” thì cũng phải cải cách bộ máy vì đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả”.

Đại biểu (ĐB) Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã thẳng thắn phát biểu như thế tại Quốc hội (QH) ngày 30-10 về yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Sự cồng kềnh của bộ máy cũng đã được nhiều ĐB làm rõ.

Cấp phó tăng tràn lan

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhắc lại rằng vấn đề này đã được QH khóa XIII chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó - ông Nguyễn Thái Bình và được trả lời: “Có tình trạng quýt làm cam chịu”.

Theo ĐB Phương, tình hình chung là việc thực hiện pháp luật thiếu nghiêm túc, tùy tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, thành lập các vụ, viện, hình thành một số chức danh không đúng trong quy định, ví dụ như hàm vụ trưởng, hàm vụ phó.

“Quy định của các bộ là không quá bốn thứ trưởng nhưng cũng có bộ vượt lên đến chín thứ trưởng (Bộ Tài chính năm 2013 có chín thứ trưởng. Hiện bộ này còn năm thứ trưởng - PV)” - ĐB Phương nêu.

Tình trạng này diễn ra ở trên, theo ĐB Phương, nên dẫn đến cấp dưới cũng không thực hiện nghiêm. “Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được và tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được.

Bộ làm được thì các sở, ngành làm được. Từ đó mà cấp phó tăng nhanh không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà kể cả cơ quan trong Đảng và đoàn thể.

Thực tế có những phòng, ban phần lớn là lãnh đạo, thậm chí là lãnh đạo mà không có nhân viên. Đáng nói là trong một thời gian dài không có cơ quan nào bị nhắc nhở hoặc bị phê bình” - ĐB Phương phân tích.

‘Ghè đá vào chân’ cũng phải tinh gọn bộ máy - Ảnh 1.

Cụ thể hơn, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn Nghị định 55/2011 về công tác pháp chế và cho rằng vì nghị định này mà “tất cả bộ, ngành đã thành lập vụ pháp chế, ở UBND các tỉnh, thành đã thành lập tới 291 phòng pháp chế với tổng biên chế chuyên trách và kiêm nhiệm lên tới 5.100 người.

Hoặc việc thành lập ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh đã dẫn tới việc tổ chức một loạt văn phòng điều phối nông thôn mới ở các cấp hoạt động chuyên trách.

“Cách thức này sẽ không kiểm soát được tổng thể tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và gián tiếp làm tăng đầu mối, biên chế” - ĐB Hoa nói.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng thẳng thắn: “Tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ cồng kềnh, còn nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng như tổng cục, cục, vụ, phòng... Từ đó, cán bộ lãnh đạo cũng tăng theo”.

Bổ nhiệm sai không ai bị kỷ luật

Vẫn là cách nói thẳng, ĐB Phương cho rằng: “Chính sách đào tạo chưa hợp lý, cung vượt cầu nên chúng ta tìm mọi cách, tạo mọi biện pháp để tăng thêm biên chế cho con em mình vào, đó cũng là nguyên nhân sinh ra chạy biên chế, chạy chức, chạy quyền”.

Cấp phó nhiều, bổ nhiệm sai quy trình, không đúng tiêu chí cũng vì thế mà trở thành vấn nạn khó giải quyết.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) dẫn chiếu các nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế rồi nhận định rằng các chủ trương trong các nghị quyết không được thực thi nghiêm túc và gây ra nhiều mâu thuẫn.

“Khi các nghị quyết nói phải trọng dụng nhân tài nhưng thực tế lại xảy ra chuyện bổ nhiệm người thân trong thời gian dài. Nghị quyết nói phải quy trách nhiệm nhưng không thấy ai bị xử lý” - ĐB Nghĩa nói.

Hơn nữa, việc bổ nhiệm, theo ĐB Nghĩa, đều thông qua cấp ủy. “Vì vậy, các cấp ủy cũng phải kiểm điểm sâu sắc về vấn đề này”.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Hồng Vân thì cho rằng thực trạng đề bạt cán bộ, đề bạt bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, không đúng quy trình hoặc vượt quá số lượng thì đâu đó vẫn còn hiện tượng “phạt cho tồn tại” như trong quản lý xây dựng cơ bản.

“Người ta xây dựng nhà trái phép thì phải cưỡng chế và dỡ bỏ, còn đề bạt cán bộ sai lại “phạt cho tồn tại” thì không phù hợp và cần giải pháp mạnh hơn” - ĐB Vân nói.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng: “Cần xử lý cả người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm, như vậy mới công bằng và đảm bảo tính nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước”.

Phải coi phình bộ máy là tham nhũng

Việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước tưởng dễ, hóa ra lại quá khó. Cái khó ở đây chủ yếu là lòng người.

Nếu lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm vẫn còn quá lớn, lấn át cả nhận thức và tư duy cũ kỹ, lạc hậu thì cần thiết phải có một bàn tay sắt đủ cứng rắn như Đảng đã và đang làm trong phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này.

QH hãy xem những bất cập, hạn chế sẽ rõ chúng ta phải sửa chữa ngôi nhà dột từ nóc.

ĐBQH PHẠM TRỌNG NHÂN (Bình Dương)

Xin để "chuyện Cây tre trăm đốt" chỉ là cổ tích

Việc thường xuyên thay đổi chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của một số cơ quan cụ thể, thậm chí chỉ trong một nhiệm kỳ hoặc trong một thời gian không dài, cùng những hạn chế trong việc nghiên cứu đề xuất những quy định không mang tính dài hạn khiến cho tổ chức bộ máy của các cơ quan thiếu tính ổn định.

Xin hãy để câu chuyện Cây tre trăm đốt mãi đi vào cổ tích, câu thần chú "khắc nhập, khắc xuất" không còn ứng nghiệm trong việc chia tách, sáp nhập, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

ĐBQH TRẦN VĂN LÂM (Bắc Giang)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại