Trong ảnh là chiếc tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Gepard 3.9 thứ tư được Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đóng cho Hải quân Nhân dân Việt Nam, con tàu đang mang số hiệu tạm thời 487 (chiếc thứ ba mang số hiệu 486).
Các tàu kéo đang tiến hành lai dắt chiếc chiến hạm ra vị trí thả neo, trên cầu tàu của quân cảng Novorossiysk. Dự kiến trong thời gian tới, cặp Gepard thứ hai của Việt Nam sẽ được tiến hành các bài thử nghiệm tính năng trên biển với kíp thủy thủ hỗn hợp Nga - Việt trước khi chính thức bàn giao vào giữa năm 2017.
Quan sát kỹ con tàu, có thể nhận thấy nó gần như đã hoàn thiện 100% khi được sơn và lắp đặt đầy đủ hệ thống radar cùng các loại pháo hạm, chỉ còn thiếu ống phóng tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E cũng như ngư lôi chống ngầm.
Chiếc Gepard số hiệu 487 được kéo đến bên hông tuần dương hạm Mikhail Kutuzov (lớp Sverdlov) và buông neo, con tàu khổng lồ này đang được Hải quân Nga lưu giữ với vai trò viện bảo tàng nổi.
Tuần dương hạm Mikhail Kutuzov hạ thủy ngày 23/2/1951 tại Nhà máy đóng tàu Nikolayev, con tàu có lượng giãn đầy tải 16.640 tấn; chiều dài 210 m; chiều rộng 22 m; mớn nước 6,9 m. Tàu được trang bị 6 động cơ hơi nước với tổng công suất 118.100 mã lực, cho tốc độ tối đa 32 hải lý/h; tầm hoạt động 9.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h; thủy thủ đoàn 1.250 người.
Vũ khí trang bị của Mikhail Kutuzov cũng như các tuần dương hạm lớp Sverdlov khác bao gồm 12 pháo 152 mm 57 cal B-38, 12 pháo 100 mm 56 cal M-1934, 37 pháo phòng không 37 mm, 10 ống phóng ngư lôi 533 mm. Sau khi hiện đại hóa, con tàu đã được bổ sung radar điều khiển hỏa lực MR-104 Rys cùng với pháo phòng không bắn nhanh AK-230.
Phần đuôi chiếc Gepard 487 ép sát bên mạn tàu Mikhail Kutuzov, tháp pháo của tuần dương hạm đã cao gần bằng nhà chứa máy bay.
Với lượng giãn nước đầy tải chỉ 2.100 tấn; chiều dài 102,2 m; chiều rộng 13,1 m (cặp Gepard 3.9 thứ hai của Việt Nam được nhận xét là rộng hơn cặp đầu một chút); mớn nước 5,3 m, rõ ràng tàu chiến của Việt Nam chỉ như một chú bé đứng cạnh người khổng lồ.
Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là khi so sánh với chiếc tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich Dự án 11356M có lượng giãn nước đầy tải lên tới 4.035 tấn của Hải quân Nga lúc đứng cạnh "Nguyên soái Mikhail Kutuzov" thì tàu chiến của Việt Nam cũng không đến mức quá lép vế.