Gen Z - thế hệ nhân viên táo bạo đòi quyền được “cân bằng cuộc sống” ngay khi phỏng vấn

Hạ Khương |

Nhà tuyển dụng thường xuyên gặp phải câu hỏi liên quan đến cân bằng giữa thời gian làm việc và cuộc sống cá nhân của ứng viên trẻ tuổi, và không ít người thấy khó chịu với những đòi hỏi đó.

Lực lượng lao động ngày nay không giống bất cứ thế hệ nào trước đây. Thị trường đầy đủ các thế hệ, họ đến từ khắp nơi trên thế giới, và nhóm người này có thể làm việc ở bất kỳ đâu, từ văn phòng điều hòa máy lạnh cho đến bãi biển lộng gió.

Mỗi một thế hệ đều bước vào thị trường lao động trong thời điểm có những biến động khác nhau. Gen X (1965 - 1980) bắt đầu tìm việc sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987. Gen Y (1981-1996) tìm kiếm việc làm trong thời kỳ bong bóng dot-com bùng nổ hoặc bị ảnh hưởng bởi cuộc Đại suy thoái diễn ra hơn một thập kỷ trước. Còn Gen Z (1997 - 2012) tham gia lực lượng lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi cả thế giới phải chuyển sang hình thức làm việc tại nhà.

Gen Z - thế hệ nhân viên táo bạo đòi quyền được “cân bằng cuộc sống” ngay khi phỏng vấn - Ảnh 1.

Cùng với sự dịch chuyển này, những kỳ vọng về công việc cũng thay đổi đáng kể trong ba năm qua. Mọi người bắt đầu nghĩ ra những ý tưởng khác nhau để hoàn thành công việc.

Vào thập kỷ trước, các nhà quản lý thường có một cái nhìn rất khác về công việc và cuộc sống, khái niệm cân bằng dường như không có trong từ điển của họ. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang khác đi rất nhiều, lớp nhân sự trẻ đòi hỏi một công việc cân bằng hơn. Nhà tuyển dụng rất thường xuyên gặp phải câu hỏi liên quan đến cân bằng giữa thời gian làm việc và cuộc sống cá nhân của ứng viên trẻ tuổi, và không ít người thấy khó chịu với những đòi hỏi đó.

Công việc xâm lấn vào cuộc sống cá nhân, Gen Z hình thành tư duy ưu tiên cuộc sống cũng như công việc chứ không quá nghiêng về khía cạnh nào. Đặc biệt, họ sẵn lòng bày tỏ kỳ vọng với các nhà tuyển dụng. Dám nói lên suy nghĩ là một đức tính đáng hoan nghênh, nhưng trong một xã hội chuyển động nhanh chưa từng thấy, khi mà mọi người phải dồn sức làm việc năng suất để tăng cơ hội cạnh tranh và tránh bị đào thải khỏi xã hội, thì việc đề ra một yêu cầu đảm bảo được đời sống riêng có thực sự khả thi hay không?

Câu trả lời là: Còn tùy. Bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành mà bạn lựa chọn, kinh nghiệm của người quản lý hoặc vị trí ứng tuyển.

Gen Z - thế hệ nhân viên táo bạo đòi quyền được “cân bằng cuộc sống” ngay khi phỏng vấn - Ảnh 2.

Làm việc trong 8 tiếng không phải là lười biếng!

Gen Z tin rằng mình có khả năng tạo ra khác biệt mà không phải vắt kiệt sức. Trên hết, họ muốn phá vỡ một định kiến về sự lười biếng.

Jorge Alvarez, một doanh nhân 24 tuổi đang tìm việc trong lĩnh vực hoạt động xã hội, kể lại: “Có vài lần tôi gặp những người quản lý tuyển dụng đòi hỏi tôi chăm chỉ và cống hiến hết mình, nhưng cuộc trò chuyện làm tôi cảm giác họ đang ngầm mỉa mai Gen Z khá lười biếng chỉ vì họ đòi hỏi một công việc cân bằng”.

Katie Lardie, một kỹ sư xây dựng 24 tuổi làm việc tại New York, cảm thấy việc đặt câu hỏi trực tiếp trong buổi phỏng vấn khá là căng thẳng, nhưng là một cách để khẳng định giá trị của mình. “Tôi nhắc nhở bản thân rằng làm việc theo số giờ mà bạn được thuê không có nghĩa là lười biếng”, cô nói. Nếu ép nhân viên làm việc nhiều hơn, doanh nghiệp có thể sẽ đối diện với tình trạng “nghỉ việc thầm lặng”.

Stacy Kim, sinh viên 20 tuổi đang làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thì không hề ngần ngại đặt câu hỏi. Cô khá thoải mái trong công việc và không hề oán trách thị trường lao động ngày nay. Với Kim, nếu cả hai bên (công ty và ứng viên) không đạt thỏa thuận như mong muốn thì cũng chẳng sao hết, bạn nói lời tạm biệt và đi tìm nơi phù hợp hơn với mình, quan trọng là bạn nên đề xuất ý kiến của mình ngay từ đầu để họ nắm rõ nguyện vọng.

Gen Z - thế hệ nhân viên táo bạo đòi quyền được “cân bằng cuộc sống” ngay khi phỏng vấn - Ảnh 3.

Gen Z cần tìm hiểu kỹ về ngành trước khi đặt câu hỏi về cân bằng công việc và cuộc sống

Một số doanh nghiệp về tài chính, ngân hàng đầu tư, luật và các công ty khởi nghiệp có thể không thích câu hỏi về cân bằng công việc và cuộc sống. Bởi do đặc thù ngành nghề, đôi khi nhân viên vẫn phải dành nhiều giờ trong văn phòng nhằm hoàn tất công việc.

Các nhà quản lý tuyển dụng khuyên rằng, với thế hệ trẻ vừa mới tham gia lực lượng lao động, họ cần tìm hiểu kỹ đặc thù ngành mình định ứng tuyển trước khi hỏi đòi hỏi phúc lợi.

“Nếu bạn hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng là ‘tôi có thể có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi làm vị trí chuyên viên phân tích tại công ty này không?’, tôi nghĩ đơn ứng tuyển của bạn sẽ bị từ chối”, Steven Sibley, trợ lý giáo sư về tài chính tại Trường Kinh doanh Kelley của Đại học Indiana, đưa ra lời khuyên cho các ứng viên thuộc lĩnh vực ngân hàng đầu tư.

Về phía người quản lý, họ cũng ngầm đánh giá ứng viên: Ứng viên này có phải kiểu người cống hiến hết mình và cố gắng học hỏi trong hai năm đi làm đầu tiên? Hay họ là kiểu người muốn tiết kiệm năng suất, chỉ làm việc tối thiểu nhưng vẫn muốn kiếm càng nhiều càng tốt?

Trong mắt người trẻ, tìm một công việc cân bằng là một nhu cầu chính đáng, nhưng theo các chuyên gia, nếu đặt câu hỏi ngay vòng phỏng vấn đầu tiên, ứng viên dễ bị đưa vào “danh sách chờ”.

Gen Z - thế hệ nhân viên táo bạo đòi quyền được “cân bằng cuộc sống” ngay khi phỏng vấn - Ảnh 4.

Trong mắt người trẻ, tìm một công việc cân bằng là một nhu cầu chính đáng

David Jacobowitz là người sáng lập công ty khởi nghiệp đồ ăn nhanh, Nebula Snacks. Anh đang tìm kiếm nhân sự tận tụy, điều này một phần xuất phát từ tính chất doanh nghiệp. Các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn ra mắt sản phẩm mới có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn cần thiết. Hơn nữa cũng có lúc nhân viên phải đi khảo sát nhà máy, gặp gỡ nhà bán lẻ. Chính vì vậy mà khi phỏng vấn, Jacobowitz luôn cố gắng nói rõ với ứng viên về tính chất công việc.

Mặc dù anh đã gặp gỡ kha khá ứng viên Gen Z đầy triển vọng, nhưng nhiều người trong số họ thường đặt ra yêu cầu liên quan đến cuộc sống cá nhân.

Một câu hỏi cần sự hồi đáp khéo léo

Sheila Williams, giám đốc quản lý chiến lược thu hút nhân tài tại Deloitte, cho biết cả người phỏng vấn và ứng viên cần hiểu trước về kỳ vọng của nhau và hiểu về cả những tình huống có thể xảy ra.

Williams nhận định rằng đại dịch khiến nhiều người thấm thía giá trị của cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, Gen Z, cũng như nhiều nhà tuyển dụng cần chú ý một từ khóa quan trọng, đó là “sự linh hoạt”. Nếu biết làm việc một cách linh hoạt, thì ngay cả những ngành đặc thù, nhân sự vẫn có thời gian cho đời sống riêng.

Cụ thể, nhà tuyển dụng rằng cần biết cách phân bổ công việc phù hợp cho mọi người trong team, cho phép mọi người ý thức được trách nhiệm và sự tự do bên ngoài cách việc, và điều đặc biệt là cần hỗ trợ sức khỏe tinh thần của nhân viên.

Gen Z - thế hệ nhân viên táo bạo đòi quyền được “cân bằng cuộc sống” ngay khi phỏng vấn - Ảnh 5.

Cả hai bên đều sẽ có được thứ mình muốn, và chấp nhận “cố gắng” một chút vì lợi ích chung. Ứng viên có đủ thời gian cho cuộc sống riêng, được nghỉ phép trả lương và hưởng các phúc lợi khác đầy đủ, nhưng bù lại phải chấp nhận làm việc năng suất để đem lại hiệu quả như cam kết. Để đạt được năng suất như vậy, thỉnh thoảng họ sẽ “linh hoạt” làm việc thêm giờ. Còn nhà tuyển dụng vẫn tuyển được nhân tài, nhưng phải trao cho nhân viên nhiều tự do hơn, quan trọng là cần chú ý đến sức khỏe tinh thần của họ.

Nhà tuyển dụng nên có một cái nhìn khác về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Mary Cooney, người sáng lập nền tảng phát triển nghề nghiệp Thế hệ IQ, nói rằng đã đến lúc mọi người cần xóa bỏ sự “kỳ thị” về mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Và chính các nhà quản lý nên là người đầu tiên bắt đầu điều chỉnh chính sách nhằm giúp người lao động có động lực làm việc hơn.

“Thành thật mà nói, tôi khá sốc khi Gen Z phải hỏi câu này. Lẽ ra chính sách cần được thực hiện ngay từ bây giờ rồi”, Cooney nói.

Phong trào cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mặc dù chưa bao giờ được đem ra thảo luận đầy đủ và rõ ràng, nhưng đã được khởi xướng từ thế hệ X. Xét cho cùng, đa phần ai cũng muốn có nhiều thời gian cho bản thân và gia đình, thay vì ngày nào cũng phải làm vào tối muộn, thậm chí cuối tuần.

Gen Z - thế hệ nhân viên táo bạo đòi quyền được “cân bằng cuộc sống” ngay khi phỏng vấn - Ảnh 6.

Ngày nay, ngành ngân hàng cũng đang thay đổi giờ lao động để phù hợp với xu hướng của nhân sự nhân Gen Z, ví dụ ngân hàng Goldman Sachs ban hành “quy tắc thứ Bảy”. Theo đó, nhân viên ngân hàng cấp dưới (junior) không được phép làm việc từ 9 giờ tối thứ Sáu đến 9 giờ sáng Chủ nhật. Tuy nhiên, kiểu chính sách này mới chỉ thực hiện ở một số nơi và chưa phổ biến rộng rãi, đặc biệt là ở phố Wall. Các công ty tài chính ở phố Wall vốn nổi tiếng là cực kỳ khắc nghiệt và không hề khoan nhượng, do đó nhân viên tài chính ở đây thường chấp nhận vắt kiệt sức mình cho công việc.

Thật vậy, chẳng ai có thể dự báo chính xác xu hướng nào sẽ diễn ra trong 5-10 năm nữa. Gen Z vẫn đang từng bước tiến chân vào thị trường lao động và chắc chắn sẽ là người làm chủ thị trường trong tương lai. Cùng với sự táo bạo sẵn có của Gen Z, hẳn vẫn còn rất nhiều bất ngờ đáng mong chờ ở phía trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại