Thời nào cũng vậy, sinh viên mới ra trường luôn cần việc làm song các công ty lại chỉ ưu tiên tuyển dụng những người có kinh nghiệm.
Phải làm sao để dung hoà được nhu cầu cá nhân và đòi hỏi của công việc luôn là bài toán khó với những bạn trẻ. Những trăn trở ấy đã trở thành đề tài nóng hổi để các nhà làm phim Việt cách đây gần 1 thập kỷ khai thác.
Dân tình vừa share lại màn đối đáp phỏng vấn xin việc cực "gắt" của một cô sinh viên mới ra trường do "Cá sấu chúa" Quỳnh Nga thủ vai và một nhà tuyển dụng (sếp) có những lý lẽ của riêng mình trong phim "Lập trình của trái tim" lên sóng năm 2009.
Clip sinh viên tốt nghiệp loại giỏi bật sếp tanh tách vì bị hỏi kinh nghiệm làm việc
Sếp: Cô vừa mới ra trường à?
Sinh viên: Vâng, em vừa tốt nghiệp loại giỏi!
Sếp: Nhưng như vậy cũng đồng nghĩ là chưa kinh qua thực tế, chưa có kinh nghiệm làm việc.
Sinh viên (vẫn hồ hởi): Vâng ạ, nhưng em sẽ cố gắng hết sức.
Sếp: Chúng tôi chưa cần biết năng lực của cô thế nào, nỗ lực của cô ra sao. Nhưng cái trước mắt mà chúng tôi cần là kinh nghiệm. Không thể nào giao việc cho một người vừa mới xách cặp ra trường đụng cái gì cũng không biết, động cái gì cũng phải hỏi.
Sinh viên (mặt biến sắc): Chỗ nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm thì những sinh viên mới ra trường như chúng em thất nghiệp suốt à?
Sếp (cảm thấy khó chịu): Ở đây người hỏi là tôi, cô bé ạ!
Sinh viên (đứng dậy khỏi ghế): Hồi anh mới ra trường đi xin việc, người ta có đòi kinh nghiệm của anh không?
Sếp: Đừng so với tôi.
Sinh viên (cười nhếch mép): Nhưng rất có thể xảy ra với con anh trong tương lai khi nó đi xin việc làm, tôi lên làm sếp tôi cũng đòi nó kinh nghiệm.
Sau đó, à không có sau đó nữa, cô sinh viên trợn mắt rồi đi thẳng.
Ai đã từng đi xin việc vừa bị nhà tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm đã phản ứng "gắt" như cô nàng này không? Chắc cũng không nhiều người.
Sau khi đoạn trích trên xuất hiện trên MXH đã thu hút nhiều bình luận trái chiều của dân mạng. Sau gần 10 năm chắc chắn quan điểm của giới trẻ về hai chữ "kinh nghiệm" cũng đã khác.
Dân tình cho rằng hiện nay, có rất nhiều cách một bạn trẻ có kinh nghiệm làm việc ngay cả khi chưa cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học. Mọi thứ không tự nhiên mà có, nếu bạn là người năng động, cầu tiến và ham học hỏi thì có thiếu gì cách để làm đầy CV của mình.
Ví dụ như bạn có thể đi làm thêm, đi thực tập từ sớm, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.... Hãy thuyết phục nhà tuyển dụng nhận bạn vì những thứ bạn đã làm hoặc đã thất bại (đó cũng là 1 dạng kinh nghiệm) thay vì chỉ trưng ra bằng cấp giỏi và không còn gì nữa.
Nguyễn Hải Ly bảo vệ quan điểm này: "Kinh nghiệm tìm từ những trải nghiệm lúc còn đi học, đi làm thêm . Kinh nghiệm bao gồm cả những kĩ năng như giao tiếp ứng xử, kĩ năng làm việc nhóm, bản lĩnh khi gặp sự cố...".
An Nguyễn cũng đồng tình: "Kinh nghiệm ở đây không nhất thiết phải là kinh nghiệm ở vị trí tương đương, chỉ cần kinh nghiệm 1 số việc làm thêm, có va vấp xã hội, biết cách ứng xử giao tiếp là được rồi. 4 năm đại học chỉ ăn học và chơi lúc ra trường khó xin việc chỗ tốt lắm. Tất nhiên vẫn nhiều chỗ không cần tí kinh nghiệm gì nhưng lương thường không cao".
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người cho rằng phim đã cố tình đẩy cao tình tiết, thực tế bên ngoài không có nhà tuyển dụng nào lại nói toẹt ra như thế, bạn trẻ đừng học hỏi cách phản ứng "tiêu cực" của sinh viên Quỳnh Nga mà đánh mất cơ hội nghề nghiệp.
"Sinh viên mới ra trường đi phỏng vấn không HR công ty nào nói như vậy, nhưng các bạn sinh viên mới coi chừng mắc bẫy, đừng bắt chước hành động ứng xử của cô bé bởi clip này mà mất cơ hội nghề nghiệp nghe", Trương Kim Chi khuyên.
Hoàng Tống: "Là tôi tôi cũng không tuyển chị. Chị xem mình trả lời với sếp như thế là chuẩn nghĩ mình có học lực tốt muốn làm gì thì làm rồi. Ứng xử cơ bản trong công sở còn không biết thì ai cần chị ơi?".
Còn bạn, bạn có ủng hộ cô gái có phản ứng cực gắt với nhà tuyển dụng khi bị hỏi đến kinh nghiệm như trong clip này không? Nếu có cách nào khác khéo léo hơn mà vẫn khiến đối phương suy nghĩ lại, bạn sẽ nói gì?