Gặp Thủ tướng, tập đoàn của Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam xây lò phản ứng hạt nhân mới, vừa cam kết gì?

Minh Hằng |

Tập đoàn hàng đầu của Nga không chỉ muốn hợp tác mà còn muốn giúp Việt Nam làm một việc quan trọng.

Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Alexey Likhachev, Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom). Ảnh: VGP

Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Alexey Likhachev, Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom). Ảnh: VGP

Đó là thúc đẩy hợp tác, trong đó sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực.

Theo đó, nhân dịp dự Hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng ở Kazan (Nga), sáng 24/10 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông ông Alexey Likhachev, Tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom.

Tại buổi tiếp, Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev bày tỏ sự vui mừng khi được gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng giám đốc Rosatom khẳng định rằng, với nền tảng tốt đẹp cùng kinh nghiệp hợp tác lâu năm, tập đoàn mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Đặc biệt, lãnh đạo Rosatom khẳng định, tập đoàn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đào tạo cán bộ cho Việt Nam.

 - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Rosatom cho biết, tập đoàn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác toàn diện với Nga. Đồng thời Thủ tướng đánh giá cao về sự hợp tác, hỗ trợ của Nga trong việc thiết kế cũng như vận hành Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, phát triển Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ nhất trí với Tổng giám đốc Rosatom về việc tập đoàn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả các chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trước đó, ngày 23/10, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergey Tsiviliev, Thủ tướng đề nghị Nga tiếp tục ủng hộ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng – dầu khí, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên triển khai các dự án hợp tác trên lãnh thổ của nhau. Bên cạnh đó, Thủ tướng muốn Nga nối lại cũng như mở rộng hợp tác đào tạo cán bộ cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết, Nga mong muốn cùng Việt Nam có những dự án hợp tác mới trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, sử dụng năng lượng xanh và năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Phát triển điện hạt nhân đang được quan tâm tại Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành sửa Luật Điện lực, trong đó có đề cập đến việc phát triển điện hạt nhân. Trước đó, vào giữa tháng 9/2024, Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu về điện hạt nhân của các quốc gia, nhằm đề xuất phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam.

Vào tháng 6/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng giám đốc Rosatom đã cùng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ trao đổi bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân dự kiến đặt tại TP Long Khánh, Đồng Nai. Đáng chú ý, trung tâm này sẽ có lò phản ứng hạt nhân dạng bể (với công suất 10 MW), sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do phía Nga chế tạo.

 - Ảnh 3.

Việt Nam sẽ có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn. Trong đó, Tập đoàn Rosatom sẽ tham gia thiết kế và vận hành. Ảnh minh họa

Tại buổi họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 4/7, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn.

Do đó, để hỗ trợ công tác thẩm tra, thẩm định cho Báo cáo Nghiên cứu khả thi, Báo cáo Phân tích an toàn và Hồ sơ thiết kế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Tập đoàn Rosatom tạo điều kiện để một số cán bộ Việt Nam được tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và thực hiện các mô phỏng, tính toán, phân tích an toàn của lò nghiên cứu mới. Đáng chú ý, Tập đoàn Rosatom của Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu mới.

Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân

 - Ảnh 5.

Tập đoàn Rosatom hiện là nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho các nhà máy điện hạt nhân của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Reuters

Rosatom là tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia của Nga, đồng thời là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân. Tập đoàn này đã có hơn 70 năm kinh nghiệm. Tính đến nay, Rosatom có 450 công ty thành viên hoạt động ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng số nhân lực lên tới trên 350.000 người.

Hiện nay, Tập đoàn Rosatom đứng đầu thế giới về danh mục dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại nước ngoài, với 34 tổ máy. Tại nước Nga, các nhà máy điện hạt nhân của Rosatom hiện đang cung cấp khoảng 19,9% điện năng cho nền kinh tế.

Theo Financial Times, Tập đoàn Rosatom cũng hiện cung cấp hơn 1/5 lượng nhiên liệu uranium được làm giàu dùng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ và châu Âu, và đáp ứng một nửa nhu cầu uranium của các quốc gia như Hungary.

Bài tham khảo nguồn: Rosatom, FT, VGP, Sputnik

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại