"Gặp" người đàn ông nắm trong tay vận mệnh của toàn bộ ngành công nghiệp Đức

Thu Hương |

Cuộc khủng hoảng năng lượng biến Muller từ 1 nhà kỹ trị gần như vô danh trở thành 1 người nổi tiếng nhận được rất nhiều sự chú ý.

Khi Klaus Muller bắt đầu đảm nhận vị trí người đứng đầu FNA, cơ quan quản lý mạng lưới điện, khí đốt, viễn thông, bưu chính và đường sắt trên toàn bộ nước Đức, ông đã tưởng tượng mình sẽ dốc sức để mở rộng nguồn năng lượng tái tạo cũng như hệ thống cáp quang.

Công việc trước đó của ông là phụ trách lĩnh vực môi trường và nông nghiệp ở Schleswig-Holstein, vì thế ông khá thân thiết với Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck. Hai người cùng là thành viên của đảng Xanh, và Muller rất quan tâm đến những ưu tiên của đảng Xanh như xu hướng trung hòa carbon – dù đó là thứ khiến ông Habeck không hài lòng.

Thế nhưng Muller đã phải thú nhận với phóng viên The Economist rằng những ưu tiên này sẽ phải chờ đợi. Ông nhậm chức chỉ vài ngày sau khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ngay ngày đầu tiên, ông đã phải dành phần lớn thời gian để nghĩ về nguồn cung và mạng lưới phân phối khí đốt – “huyết mạch” của nền công nghiệp Đức đang bị đe dọa bởi những biện pháp đáp trả phương Tây từ phía Nga.

“Chúng ta đã có 1 mùa hè tốt đẹp hơn nhiều so với dự báo của tất cả mọi người, nhưng đó không phải là tất cả”, ông nói.

Những gì diễn ra ở Ukraine cũng biến Muller từ 1 nhà kỹ trị gần như vô danh trở thành 1 người nổi tiếng nhận được rất nhiều sự chú ý. Ông thường xuyên là khách mời của những chương trình talkshow trên tivi và có hàng chục nghìn người theo dõi trên Twitter. Bản tin hàng ngày của FNA về thực trạng nguồn cung khí đốt có tới hàng triệu độc giả.

Khi Muller đưa ra những nhận định lạc quan, dường như cả nước Đức “thở phào”. Còn ngược lại, khi ông nhận định thận trọng, ví dụ như lời cảnh báo trên Twitter ngày 28/11 rằng trong 7 ngày tới nhiệt độ ở Đức sẽ thấp hơn 2 độ C so với mức trung bình trong 4 năm gần đây, dường như tâm trạng bi quan cũng bao trùm cả nước.

Lý do khiến người dân Đức, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, chú ý đến từng câu chữ của Muller là bởi ông chính là người phụ trách việc đảm bảo nguồn cung khí đốt. Nếu chính phủ Đức thực hiện bước đi chưa từng có tiền lệ là tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí đốt, toàn bô 75 nhân viên của FNA sẵn sàng chia ca làm việc 24/7.

Họ cắm chốt tại 1 căn phòng không có cửa sổ của tòa nhà văn phòng được xây từ những năm 1960 để điều phối nguồn cung khí đốt. Căn phòng được trang bị khoảng 20 chiếc giường, có máy phát điện riêng, 1 bồn chứa nước, nhà tắm và có cả thức ăn đông lạnh.

Bệnh viện, trường học, nhà trẻ, quân đội, đồn cảnh sát, cứu hỏa, nhà tù, các hộ gia đình và các hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu sẽ được ưu tiên, Muller giải thích. Còn những nơi ngốn năng lượng nhiều nhất như bể bơi nước ấm, phòng xòng hơi sẽ nằm trong danh sách bị cắt giảm đầu tiên.

Quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt sẽ được đưa ra dựa trên 6 tiêu chí, trong đó có quy mô công ty, mặt hàng mà công ty đó sản xuất (thực phẩm và thuốc men sẽ được miễn) và cần bao nhiêu thời gian để công ty đó giảm lượng tiêu thụ mà không làm hỏng các thiết bị. FNA đã phát triển 1 nền tảng kỹ thuật số để điều hành nguồn cung cho 2.500 công ty sử dụng nhiều khí đốt nhất.

Dù được quy hoạch và quản lý cẩn thận như vậy, tình trạng khẩn cấp về khí đốt vẫn có thể khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến phá sản và thất nghiệp. Tháng 9 năm ngoái, có một dự báo rất ảm đạm được Viện IFO ở Munich đưa ra. Họ ước tính GDP Đức có thể sụt giảm 7,9% trong năm tới nếu như ban bố tình trạng khẩn cấp về khí đốt. Đó là mức thiệt hại lớn hơn cả khi kinh tế Đức rơi vào suy thoái vì khủng hoảng tài chính toàn cầu hay Covid-19.

Nhưng có lẽ mùa đông năm nay Đức sẽ tránh được cơn ác mộng này. Các cơ sở dự trữ khí đốt đang tràn trề khí đốt được nhập khẩu từ Nga trước khi Tổng thống Nga Putin “ngắt van” vào tháng 9 (Nga từng cung cấp tới 55% tổng lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu). Hiện nguồn cung chính của Đức đến từ Na Uy, sau đó là Hà Lan, Bỉ và Pháp. Đến Giáng sinh, Đức còn có thêm 3 ga nổi tiếp nhận khí hóa lỏng ở Wilhelmshaven, Lubmin and Brunsbüttel. 3 cơ sở này đã được gấp rút xây dựng trong thời gian kỷ lục. Đến mùa đông sang năm dự kiến sẽ có thêm 3 hoặc 4 ga nữa.

Tuy nhiên, Muller vẫn chỉ ra rằng chừng đó vẫn chưa đủ để bù đắp toàn bộ nguồn cung từ Nga. Đức vẫn cần phải sử dụng ít hơn ít nhất 20% so với các năm trước thì mới không bị thiếu khí đốt. Điều này ngày càng khó khăn khi mà thời tiết ngày càng lạnh. “Xin hãy sử dụng tiết kiệm dù trời lạnh!”, Muller viết trên Twitter ngày 28/11.

Cho đến nay người Đức vẫn đang nghe theo lời khuyên của ông. Nghiên cứu của ĐH Hertie công bố ngày 1/11 cho thấy trong tháng 9 lượng khí đốt mà ngành công nghiệp Đức sử dụng thấp hơn 19% so với năm ngoái. Các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ cũng tiết kiệm khoảng 26%. Theo khảo sát của Viện IFO, khoảng 75% nhà sản xuất đã có thể tiết kiệm khí đốt mà không làm giảm năng suất. Nhưng họ cũng cho biết nếu tình hình kéo dài thì cắt giảm sản lượng là điều khó tránh.

Muller cho rằng dù sao thì cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay khiến Đức rút ra được 3 bài học. Thứ nhất, “chúng ta sẽ không bao giờ tự đặt mình vào 1 rủi ro tương tự bằng cách quá phụ thuộc vào 1 nguồn cung duy nhất”. Bài học này cũng đã được phản ánh vào cuộc tranh luận hiện đang nổ ra ở ĐỨc về mối quan hệ kinh tế thân thiết với Trung Quốc.

Hai bài học còn lại – giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo – sẽ giúp nước Đức vững mạnh hơn trong dài hạn. Và đó còn là những thứ cho phép Muller nghĩ về những ưu tiên của đảng Xanh mà ông từng kỳ vọng sẽ theo đuổi khi nhậm chức lãnh đạo FNA.

Tham khảo The Economist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại