Ngôi nhà nhỏ lạnh lẽo cạnh nghĩa trang lớn
Theo tập quán Việt Nam, sau khi một người qua đời, người thân sẽ làm lễ chôn cất lần đầu gọi là "hung táng". Ba năm sau, khi mãn tang lại một lần nữa thực hiện nghi thức "cải táng" hay còn gọi là sang cát.
Việc cải táng cần những người gan dạ và nhiều kinh nghiệm nên không phải ai cũng biết làm và dám làm.
Lâu dần, trong xã hội xuất hiện những nhóm người chuyên làm việc sang cát và "tắm rửa" cho hài cốt của những người quá cố. Mỗi xã có vài nhóm người làm việc này, gia đình ông Chiến là một trong những nhóm người như vậy.
Một nghĩa trang nằm phía ngoài đê sông Hồng, hầu hết cac ngôi mộ ở đây đã được cải táng và xây cất.
Sinh ra trên bãi bồi sông Hồng, gia cảnh nghèo khó, mới 12 tuổi thì ông Lê Văn Chiến (54 tuổi, trú xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đã theo cha mẹ bôn ba khắp chốn. Ông kể rằng đã có khi đi đốn gỗ ở Tây Bắc, Tây Nguyên, rồi cũng có khi đi săn trộm tận bên Lào...
Thế nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khi nào no đủ. Ông Chiến là con đầu trong nhà 9 anh em, quãng thời gian phiêu dạt đã "rớt rụng" mất 3 người khắp những nẻo núi rừng.
Năm ông 18 tuổi, bố mẹ quyết định quay về quê sinh sống, thế nhưng đất đai thiếu thốn, gia cảnh vẫn thiếu đói triền miên. Mấy năm sau thì hai em gái lấy chồng, ba người em trai còn lại cũng một lần nữa để lại một mình ông trơ trọi.
Ông Chiến (bên phải) với ánh mắt đượm buồn khi kể về cuộc đời và nghề nghiệp của mình.
Không đất, không nghề nên ai thuê gì làm nấy, từ việc cuốc đất dọn cỏ đào mương khơi rãnh ông không nề hà bất cứ điều gì.
Vốn có kinh nghiệm leo cây đốn gỗ nhiều năm trong rừng, quay về bãi bồi thì khả năng này của ông càng trở nên đặc biệt vì không mấy ai làm được.
Những mùa hái nhãn, hái quả hay đốn tre đốn xoan thì công việc nhiều vô kể. Thế nhưng mùa vụ như thế một năm cũng chỉ có mấy ngày, cuộc sống vẫn hoàn nghèo khó. May mắn lớn nhất đời ông có lẽ là được bà Nguyễn Thị Quyết cảm thông rồi nên phận vợ chồng.
Bà Quyết vốn người làng bên, cùng sống trên một bãi bồi, gia cảnh không khác ông Chiến là bao. Ông bà cưới nhau năm 1992, sinh được ba người con, hai trai một gái. Hiện con gái lớn đã lấy chồng, hai con trai đi làm mướn ở Hà Nội.
Căn nhà nhỏ của ông bà nằm cạnh nghĩa trang, lấp sau vườn chuối bạt ngàn, lặng lẽ và có nét gì đó đượm buồn y như cuộc đời của ông bà vậy.
"Thương ông ấy thì về ở cùng chứ không mong được nhờ cậy gì. Nhà ít đất nên vợ chồng làm thuê làm mướn quanh năm. Vốn có 7 anh em trai mà giờ chỉ còn độc một mình ông ấy, cuộc sống vất vả trăm bề", bà Quyết tâm sự.
"Bị xa lánh từ chính người vừa nhờ mình sang cát cho cha mẹ họ"
Nói về chuyện làm nghề bốc mộ, ông Chiến bùi ngùi tâm sự: "Cái nghề ai nghe cũng hãi này chẳng có gì hay ho cả, nhưng nó như cái nghiệp vin vào người nên thôi cứ thế mình làm.
Hồi tôi chưa vợ, chưa đầy 20 tuổi thì mấy đứa em trai đã lần lượt bệnh rồi chết yểu cả. Nhà nghèo khó, đến kỳ cải táng không có tiền thuê thợ nên phải tự mình làm.
Sau mấy lần nhặt xương rửa cốt cho ba đứa em trong nhà thì cũng coi như là biết việc.
Sau đó, những lần anh em trong họ có làm lễ cải táng họ cũng nhờ mình đến giúp, không đi không được. Dần dà mãi thì cũng quen việc, thạo việc rồi nó như thành một cái nghề từ lúc nào".
Bãi bồi sông Hồng nơi gia đình ông Chiến sinh sống.
Hồi còn trẻ, ông Chiến không hay ở nhà mà thường theo những tốp thợ xây trong vùng lên thành phố hay đi các nơi làm ăn, chỉ dạo cuối năm mới về.
Ấy thế nhưng công việc cải mả cũng chỉ tập trung vào dạo cuối năm là nhiều hơn cả, thành ra ông có đi xa hay ở nhà thì cũng có việc để làm.
Những năm gần đây, sức khỏe không còn như trước, ông chỉ ở nhà làm mướn những việc quá sức đàn bà nhưng chưa cần đến sức đàn ông. Công việc cải mả những tháng cuối năm trở thành thu nhập chính của ông bà.
"Tính đến bây giờ tôi đã tắm rửa cho xấp xỷ vài ba trăm bộ hài cốt, nam phụ lão ấu có cả. Mình làm cũng coi như làm phúc cho người ta, công cán thì gia chủ cho sao lấy vậy chứ tôi không đòi hỏi. Bình quân mỗi lần như vậy tôi được trả 2 đến 3 triệu đồng", ông Chiến nói.
Công việc thường tập trung vào ba tháng cuối năm, ông Chiến kể có đêm nhiều nhất vợ chồng ông làm đến 5 ngôi mộ. Chập tối thì bắt đầu xách đồ đi ra nghĩa địa, rạng sáng lại về.
"Buổi chiều tôi và vợ sẽ ra mộ cuốc đất trước, khi cuốc sâu gần đến nắp quan tài thì về, chờ tối được giờ mới bắt đầu bốc mộ. Mình phải làm với cái tâm của mình, cẩn thận, tỷ mỷ để người chết được mát lòng, người sống cũng thanh thản.
Cũng có những lần gặp phải thi hài chưa phân hủy hết, mùi tử khí bốc lên nồng nặc. Mình phải gỡ những thớ thịt còn lại ra khỏi xương rồi rửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, đã làm là phải đến nơi đến chốn, không được nề hà", người đàn ông kể.
Ông Chiến mang nhiều trăn trở về nghề này.
Sau khi cuốc đất xong thì bà Quyết về nhà, chuẩn bị bữa ăn khuya, nồi nước tắm để cho ông Chiến về tắm gội, ăn uống sau một đêm vất vả. Ông Chiến cũng xong việc là đi thẳng về nhà ngay chứ không về nhà gia chủ.
"Làm nghề này giờ giấc mình phải theo ý gia chủ, những chuyện kiêng khem mình cũng phải cẩn thận cho cả họ cả mình", bà Quyết nói.
"Cái nghề độc hại lắm, người ta bệnh gì mình không biết được. Có người nhờ thì mình làm, thế nhưng trái lại chỉ nhận được những cái nhìn xa lánh, có khi là sự xa lánh của chính người vừa nhờ mình sang cát cho cha mẹ họ.
Tôi làm nghề này đã 30 năm, ngủ ngoài nghĩa địa cũng nhiều nhưng chưa gặp mấy chuyện mê tín, ma cỏ bao giờ cả. Tôi nghĩ mình không làm gì sai thì không sợ.
Giờ mình đã coi nó là cái nghề thì cứ làm, đến khi không làm được nữa thì mình nghỉ", ông Chiến nghẹn ngào tâm sự.