Gặp lãng tử cược mạng mưu sinh

Trần Nguyễn Anh |

Trong chương trình văn nghệ bên ngoài một siêu thị tại quận 7, TPHCM, tôi tình cờ gặp lại nghệ sĩ xiếc mạo hiểm Bảo Cường, người Việt Nam đã lọt vào Bán kết chương trình truyền hình thực tế lớn nhất hành tinh Asia’s Got Talent - Tìm kiếm tài năng châu Á vào năm ngoái. Sau ánh hào quang sân khấu, Bảo Cường vẫn mưu sinh với nghề nguy hiểm của mình bằng cách “ăn” những mũi khoan.

Ngậm rắn lục

Bảo Cường quê ở Đồng Nai, lớn lên ở TPHCM. Lúc nhỏ nhà nghèo, mưu sinh ở chợ cá, đi lượm cá ốc rơi vãi về giúp mẹ kiếm cơm qua ngày. Lớn lên, chưa học võ ngày nào, bạn võ sư dạy cho mấy chiêu để đi xin làm bảo vệ. Không dè tới thi, thầy dạy võ trượt mà Cường lại được nhận vào làm việc suốt 3 năm.

Cũng từ lúc đó anh làm quen với võ tự vệ. Đến khi lấy vợ, đằng vợ có ông cậu chuyên diễn võ công phu mưu sinh, Cường đi theo phụ, học những trò võ mạo hiểm và theo nghiệp xiếc mạo hiểm.

"Nhề này luyện tập công phu mà tìm đất diễn khó quá. Buồn là nhiều em trẻ bỏ ra đường mưu sinh, bị lôi kéo hư hỏng, thậm chí nghiện ngập mà nghề nghiệp lại không trau dồi" .


Nghệ sĩ Bảo Cường chia sẻ và theo anh để sống được nhiều lúc mình làm thêm bằng nghề hớt tóc

Cường thường diễn với những con rắn lục lớn màu xanh. Chúng được nghệ sĩ nhét qua mũi, chui qua miệng, thò đầu ra ngoài, nom rất kinh dị.

Đó cũng là lúc mà chủ nhân hứng chịu những nhát kiếm chém vào người, những thanh cây đánh vào bắp chân…

Anh bảo: "Con rắn bịt hết đường thở, khiến em cảm thấy ngộp, vì miệng, họng có kiếm, mũi miệng thì rắn chui vào".

Ban đầu, Cường mua rắn ở quận 5, tới khi rắn hiếm quá, phải xuống huyện ngoại thành Củ Chi săn tìm. Chàng nghệ sĩ bùi ngùi: "Thường thì rắn sống khá lâu, nhưng theo mình biểu diễn vất vả quá, chúng chỉ sống được có 1 tuần, nên lại phải tập với con rắn mới".

Không phải võ sư, chỉ là nghệ sĩ xiếc

Người ta thường gọi nghề của Cường là diễn Kungfu và đôi khi họ gọi anh là võ sư Bảo Cường, nhưng anh nói: "Em không phải võ sư. Nếu có đánh lộn, em chỉ biết chạy thôi, vì không có luyện quyền cước hay thi đấu đối kháng gì cả.

Chúng em chỉ theo tổ nghề sân khấu, diễn những tiết mục xiếc mạo hiểm nhất cho khán giả thưởng thức thôi". "Nhiều màn diễn giống với võ thuật, như dùng yết hầu đẩy cong mũi giáo chẳng hạn. Thậm chí nhiều người giỏi võ chưa chắc đã làm được công phu như bọn em, song chung quy đây chỉ là môn xiếc chứ không phải môn võ".

Lúc mới vô nghề, chàng trai trẻ cũng nghĩ "diễn" thì phải có "kỹ thuật" nên tới lò gốm, mua gốm chưa nung cho dễ vỡ, khỏi đau đầu. Rồi về sơn lên như bình gốm thật để diễn. Khi đập bình gốm bốp vào đầu, nó vỡ bụp tung tóe và bụi bay mù.

Từ đó, người nghệ sĩ trẻ hiểu rằng, muốn diễn, muốn có "kỹ thuật" thì phải tập luyện thực thụ. Nghĩa là ngày ngày phải lấy bình gốm nung chín đập vào đầu, trước đập nhẹ, sau đập mạnh, đến khi nó vỡ ra thì thôi. Cái mảnh vỡ của gốm đã nung rất khác với gốm chưa nung, không thể làm giả được.

Nghề diễn xiếc mạo hiểm gần như bí truyền, chỉ truyền cho người trong họ hàng, dòng tộc. Đến khi thành danh, không ai truyền cho ai được nữa, bởi cũng tiết mục đó, muốn làm khó hơn thì phải tự mình nghĩ ra thêm, tự mình diễn chứ… hết thầy.

Cường cho tôi thấy cơ thể chằng chịt vết mổ, vết thương: "Em biểu diễn màn nuốt kiếm, nhưng lại để trên kiếm một chậu sứ rất nặng có đính nhiều lưỡi dao. Tự mình sáng tạo thêm cho hấp dẫn thôi. Khi diễn, vì kiếm chịu nhiều vật quá nặng nên đâm thủng thực quản".

Khuấy động màn ảnh nhỏ

Bảo Cường là nghệ sĩ xiếc mạo hiểm duy nhất của Việt Nam lọt vào bán kết của Asia’s Got Talent với 8 tiết mục xiếc mạo hiểm tổng hợp bao gồm: Xỏ rắn lục vào mũi và kéo ra ở miệng; Đóng hết cây đinh dài 12cm vào mũi; Nuốt cây kéo có độ dài phần lưỡi 50cm; Dùng 2 sợi xích móc vào mi mắt và nhấc 2 xô nước lên; Dùng sợi xích có móc nhọn móc vào phần da yết hầu và nhấc xô nước lên; Dùng 2 sợi xích có móc nhọn móc vào da 2 khuỷu tay và nâng 2 chậu hoa lên; Dùng 1 cây thương dài, đầu nhọn ghim vào yết hầu, đầu kia cho 1 môn sinh dùng sức mạnh đẩy tới làm cong cây thương…

Tất cả diễn ra cùng lúc và kéo dài trong vòng 2 phút. Mọi bộ phận của cơ thể đều chịu đựng sự "tra tấn" của các tiết mục. "Em tưởng mình không thể thở được, nhưng ý chí đã giúp em vượt qua" - Cường tiết lộ.

Gặp lãng tử cược mạng mưu sinh - Ảnh 2.

Khán giả khoan mũi khoan dài 0,5 m vào họng nghệ sĩ xiếc Bảo Cường.Ảnh T.N.A

Khán giả Việt Nam đã biết nhiều tới Bảo Cường với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn những màn xiếc rùng rợn, như một cách quảng bá môn nghệ thuật này đến với công chúng. Người ta gọi chàng trai này bằng những cái biệt danh như quái kiệt, dị nhân, người phi thường.

Chẳng hạn đầu năm 2016 anh đã tham gia chương trình Song Đấu trên TVT. MC Việt Hương nhận xét: "Anh sinh ra để làm những chuyện không ai dám làm" và cô đã khóc khi xem màn biểu diễn đập gạch vào đầu của Bảo Cường.

Nghệ sĩ Bảo Cường tiết lộ với tôi: "Em xem người Trung Quốc biểu diễn bằng cách đập từng viên gạch vào đầu, em muốn chứng minh người Việt Nam không kém ai, cũng đập gạch vào đầu, nhưng không phải từng viên mà người Việt Nam cầm từng xấp mấy viên một lần, cứ liên tục đập vào đầu cho đến hết gạch thì thôi!".

Một người thầy giản dị

Với các nghệ sĩ trẻ, Bảo Cường vừa là người anh, vừa là người thầy. Không giấu nghề, anh luôn gần gũi và giúp đỡ các bạn trẻ. Bảo Tú, một học trò nói: "Ở TPHCM này có khoảng 20 nhóm diễn xiếc mạo hiểm thì có tới 5 nhóm do anh Cường đào tạo".

Gặp Cường chỉ sau một năm anh diễn chương trình Tìm kiếm tài năng châu Á, anh đã kịp sáng tạo nhiều tiết mục mới.

Đặc biệt là màn xiếc với mũi khoan. Nghệ sĩ này nói: "Ở Mỹ, nghệ sĩ họ cũng dùng khoan diễn, nhưng chỉ khoan vào mũi thôi. Còn em phát triển lên, không chỉ khoan mũi mà khoan vào cổ, khoan thái dương, khoan vào họng".

Màn biểu diễn với mũi khoan quả "khủng khiếp", bởi nghệ sĩ lại mời khán giả lên khoan. Anh Tuấn, khán giả được mời lên. Khi MC chưa ra hiệu lệnh thì anh này đã bấm khoan chạy ro ro vào cổ họng nghệ sĩ khiến MC phát hoảng: "Em chưa bảo anh khoan cơ mà!".

Diễn xong, Cường lắc đầu: "Chuyện thường, khán giả họ mất bình tĩnh, cứ bấm khoan lung tung như thế vào người mình".

Những người làm hậu kỳ âm thanh ánh sáng phục vụ biểu diễn tâm sự: "Mỗi lần anh Cường lên sân khấu thì bọn em đều lo lắng, hồi hộp thót tim, như thể xem lần đầu".

Ít người biết chàng trai được vỗ tay kia nhiều lần muốn bỏ nghề vì nghề không nuôi nổi mình. Chàng nghệ sĩ phiêu lưu với mọi thứ, đôi khi ngẫm nghĩ lại, bảo: "Thù lao có tương xứng với những gì mình bỏ ra hay không? Đó là tính mạng của một người cha, một người chồng, một người thầy?".

Chính khán giả và học trò là nguồn động viên lớn cho đời nghệ sĩ. Nghệ sĩ trẻ Bảo Tú, người cũng từng biểu diễn thi tài trên truyền hình TVT, nhớ ơn thầy: "Nhờ thầy truyền dạy mà chúng em đã có thể kiếm tiền nuôi sống mình, dù rằng chương trình người ta trả cho chừng 700 nghìn đến vài triệu thôi, nhưng cũng có một cái nghề để sống".

Bảo Cường nói: "Ước gì nghề xiếc mạo hiểm có chế độ bảo hiểm. Nhưng ai dám bảo hiểm cho người đi nuốt kiếm, tự chém mình? Những lúc bị thương, vào viện nằm, mình lo cho mình".

Ngay cả chương trình tìm kiếm tài năng châu Á anh cũng chỉ được tài trợ kinh phí đi lại ăn ở chứ không có tiền cát sê: "Nhiều người đồn đại là em kiếm bộn tiền khi diễn ở chương trình nổi tiếng cả châu Á như thế, thật ra chẳng có đồng nào cả!".

Bảo Cường liên tục tham gia vào các kỳ Vietnam’s Got Talent 2011, 2012, 2014, và ASIA’ Go talent 2015. Các tiết mục của Bảo Cường cũng đều lọt vào bán kết, đem lại nhiều niềm vui cho khán giả. Bảo Cường cho tôi xem cơ thể đầy những vết khâu, vết sẹo, nhiều sẹo chưa lên da non, bộc bạch: "Cứ sau mỗi buổi biểu diễn là chảy rớm máu.

Tập ở nhà đã đành, nhưng trước khán giả háo hức, mình diễn hăng quá, dữ dội gấp mấy lần tập ở nhà nên bị thương. Bí quyết là nếu khoan, nếu chém mà bị thương ở cổ, thì diễn ở bụng, bị ở bụng, thì diễn ở thái dương, chứ không thể chờ vết thương lành mà bỏ chương trình đã ký kết!".

Phải sống với nghề

Gặp lãng tử cược mạng mưu sinh - Ảnh 3.

Những vết thương khắp trên mình người nghệ sĩ xiếc mạo hiểm.

Bảo Cường được khán giả truyền hình biết đến với nhiều tiết mục xiếc mạo hiểm. Tiết mục của anh từng đoạt giải A trong liên hoan xiếc tại Hải Dương năm 2014. Nhưng Bảo Cường cho biết cuộc sống của những nghệ sĩ xiếc mạo hiểm hiện nay khá khó khăn, "Bọn em có rất ít đất diễn.

Lý do là khán giả rất yêu thích, hễ diễn đâu lập tức đông nghẹt khán giả, các bầu sô và các điểm biểu diễn lo ngại có những chuyện tai nạn nghề nghiệp xảy ra thì không biết ai chịu trách nhiệm đây!".

Chị Ly cán bộ tiếp thị của siêu thị Lotte ở TPHCM cũng cho biết là chương trình diễn của Bảo Cường thường xếp sau cùng, để giữ khán giả ở lại lâu hơn với sân khấu, nhưng chương trình xiếc mạo hiểm cũng không diễn ra thường xuyên.

Chị Ly nói: "Chương trình văn nghệ diễn từ 7 giờ tối, trời mưa, khán giả đội mưa chờ đến 9 giờ để xem anh Cường diễn xiếc mạo hiểm. Chuyện như vậy rất hiếm thấy. Riêng em, sợ quá… Chính em mời anh ấy đến diễn, nhưng em không dám xem, chỉ đứng xem khán giả vỗ tay thôi!".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại