Ngày 18/9, các cơ quan chức năng tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đang tập trung lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả thiệt hại sau cơn bão số 10 gây ra vào ngày 15/9.
Trước đó, vào tháng 4/2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (đóng tại Kỳ Anh, Hà Tĩn) đã xả thải ra môi trường khiến cá chết hàng loạt, môi trường biển bị ô nhiểm.
Tháng 8/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng Môi trường biển của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sau sự cố môi trường trên.
Tại buổi Hội nghị, đại diện các nhà khoa học nghiên cứu cho biết trải qua thời gian môi trường biển đã cơ bản sạch, các chất độc như Phenol, Xyanua giảm dần theo thời gian.
Hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng Môi trường biển.
Trong Hội nghị này, ông Nguyễn Như Viết - Nguyên Bí thư Đảng uỷ Khối cơ quan tỉnh Hà Tĩnh phát biểu, kiến nghị nhà nước, các nhà khoa học vào cuộc để sớm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ông Viết cũng nêu quan điểm, bản thân ông và người dân đang mong muốn có một cơn bão vào sẽ giúp đẩy đuổi chất độc của Formosa trong biển nhanh và sạch hơn để giúp người dân ổn định cuộc sống.
"Chúng tôi giờ đang chờ một cơn bão vào Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Có lẽ giá như có một cơn bão vào mưa to gió lớn thì sẽ đỡ hơn.
Nhưng mà chờ thiên nhiên thì không biết đến bao giờ mà phải tác động của nhà nước. Tôi thiết tha mong muốn các nhà khoa học kiến nghị với nhà nước vào cuộc chứ không thể chờ tự nhiên vì chờ tự nhiên lâu lắm", ông Viết phát biểu tại Hội nghị vào tháng 8/2016.
Ông Nguyễn Như Viết phát biểu tại Hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng Môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Hơn 1 năm trôi qua, mới đây cơn bão số 10 được đánh giá rất mạnh đã đổ bộ vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây thiệt hại lớn cho người dân.
Chia sẻ với PV ý kiến phát biểu mong bão vào để đẩy đuổi chất độc Formosa đi trước đó, ông Nguyễn Như Viết cho biết, đó là ý kiến chủ quan cá nhân nhưng không ngờ lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi có bão trực tiếp đổ bộ vào.
Theo ông Viết đánh giá, cơn bão số 10 vừa qua rất mạnh và kéo dài lâu khiến thiệt hại lớn cho người dân. Ông Viết nhận định có bão vào sẽ đào thải được bớt chất độc một phần nào đó, còn hết sạch hay không thì ông không thể biết rõ. Tuy nhiên đó cũng chỉ là ý kiến và ý nghĩ chủ quan của mình.
"Hồi đó tôi kiến nghị Nhà nước, Trung ương can thiệp như ở các nước Nhật Bản, Mỹ họ từng làm nhưng các nhà khoa học giải thích là chi phí làm đắt đỏ mà không cần thiết nên lúc đó tôi chỉ nghĩ nhờ tự nhiên đào thải.
Mà tự nhiên thì chỉ có mưa bão mới đẩy bớt được. Nhưng cũng không triệt để được bởi vì trầm tích ở đáy thì không biết thế nào.
Cơn bão vừa qua thì chắc chắn nó sẽ đào thải đi một ít còn hết sạch hay chưa thì phải nhờ các nhà khoa học mới biết được chứ mình không thể biết được.
Tôi nghĩ chủ quan thế thôi chứ không có ý gì khác, có nghĩ sâu xa gì đâu? Mà không ngờ năm nay đã có cơn bão vào trùng hợp. Tôi nghĩ có cơn bão thì mưa to, gió sẽ đào thải được bớt chất thải đi.
Mà thực ra có mưa bão thì sẽ đào thải bớt được. Vì nước các sông trên núi nó đẩy ra và mưa to gió lớn nó đào thải chất độc một phần.
Còn chất độc trầm tích dưới đáy thì tôi không hiểu thế nào được. Cái này phải các nhà khoa học mới giải thích được chứ mình không biết", ông Viết chia sẻ với PV.
Được biết, hơn 1 năm sau sự cố môi trường biển xảy ra tại các tỉnh miền Trung, hiện các ngư dân đã trở lại bám biển để mưu sinh và ổn định cuộc sống.