Một ngày đầu tháng 2/1979, khi đang tham gia cuộc tập trận ở cách thủ đô không xa thì tướng Porfiri Maximovich Ivashko nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng Liên Xô phải trở về Moskva.
Hôm sau, tại cơ quan Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô, ông biết mình đã được biệt phái sang Việt Nam làm cố vấn quân sự cho một vị Tư lệnh Quân khu ở Việt Nam. Cấp trên của ông cho biết: Chính phủ CHXHCN Việt Nam đã đề nghị ban lãnh đạo Liên Xô cử các cố vấn và chuyên gia quân sự sang giúp đỡ.
Chuyên gia quân sự Liên Xô hồi đó lần lượt được cử sang Việt Nam khá đông: chuyên gia thuộc các quân, binh chủng khác nhau: phòng không, thông tin liên lạc, pháo binh v.v... Nhưng tướng P.M. Ivashko thì được cử làm cố vấn quân sự chung.
Trung tướng P.M. Ivashko (bên trái, mặc thường phục) và Nguyên soái Liên Xô Nikolai Ogarkov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, trong chuyến thăm của Nguyên soái tại Việt Nam.
“Đồng chí đã biết khá rõ tình hình khu vực. Đồng chí có nhiều kinh nghiệm chỉ huy những đơn vị lớn và đã công tác ở Ban tham mưu các tập đoàn quân, từng phục vụ ở Viễn Đông. Hơn nữa đồng chí đã có thời gian học tập tại Học viện Quốc phòng mang tên Frunze ở Moskva cùng với 11 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nên đồng chí sẽ có nhiều thuận lợi khi sang làm việc với các bạn học cũ… Do vậy, lãnh đạo quyết định cử đồng chí sang Việt Nam” – tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô người ta đã giải thích với tướng P.M. Ivashko như vậy.
Hôm đó, tướng P.M. Ivashko hỏi:
- Khi nào tôi phải lên đường?
- Hai ngày nữa.
Quãng thời gian hơn 3 năm công tác tại Việt Nam trong một giai đoạn rất khó khăn, căng thẳng của tướng Porfiri Maximovich Ivashko đã bắt đầu như thế.
Bốn mươi năm sau, một buổi chiều ngày Tết Kỷ Hợi 2019, tại nhà riêng ở Moskva, Trung tướng P.M. Ivashko đã tiếp chúng tôi và kể lại những kỷ niệm của ông về Việt Nam, về những năm tháng sát cánh với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng P.M. Ivashko kể chuyện về thời gian công tác tại Việt Nam (tại nhà riêng của Trung tướng ở Moskva, tháng 2/2019).
Trung tướng P.M. Ivashko khẳng định: “Trước tháng 2/1979, Trung Quốc đã có âm mưu tấn công Việt Nam. Sau khi Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ về thì phát động chiến tranh. Quân Trung Quốc đã tấn công tràn qua biên giới. Việt Nam bị xâm lược, nhân dân Việt Nam lại một lần nữa phải đứng lên cầm vũ khí tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Trung tướng P.M. Ivashko cho biết: “Hồi đó các cố vấn và chuyên gia quân sự Liên Xô không trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhiệm vụ của ông và các cố vấn, chuyên gia quân sự Liên Xô là giúp Việt Nam tổ chức quân đội, triển khai huấn luyện sử dụng các vũ khí, khí tài quân sự mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam, như máy bay, tên lửa, pháo, ra-đa…”.
Trung tướng P.M. Ivashko và cuốn sách "Hồ Chủ tịch với Bộ đội Phòng không Không quân".
Tướng P.M. Ivashko nhận xét, các sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm vững và sử dụng rất hiệu quả các loại vũ khí, khí tài mới của Liên Xô trong chiến đấu.
Trung tướng P.M. Ivashko kể lại: Ngay sau khi sang Việt Nam, ông đã có một số buổi làm việc với tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều sĩ quan cao cấp khác của Việt Nam. Ông và tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu I, đã cùng nhau làm việc rất ăn ý, kết quả hoạt động phối hợp là rất tốt.
Ông Ivashko vẫn còn lưu giữ rất nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam, và về quan hệ hữu nghị Xô – Việt.
Trung tướng P.M. Ivashko cũng chia sẻ, tại Việt Nam ông đã gặp lại và cùng làm việc với 3 trong số 11 người bạn cùng học ở Học viện Quốc phòng Frunze thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô, một số người khác đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Vị tướng già Xô-viết đến nay vẫn lưu giữ rất nhiều bức ảnh ông chụp chung với các sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam, về quan hệ hữu nghị Xô – Việt.