10 tuổi, bạn làm được gì?
Bạn đã nấu được cho bố mẹ một bữa cơm hoàn chỉnh chưa hay vẫn để "các cụ" lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ? Bạn được bố mẹ cho bao nhiêu tiền tiêu vặt mỗi tháng? Nó có đủ cho những "giấc mơ" quần áo và đồ chơi đắt tiền?
10 tuổi, là lứa tuổi quá nhỏ để các bé có thể sống độc lập về tinh thần chứ chưa nói đến vấn đề tài chính hay có thể tự mình quán xuyến những công việc khác.
Vậy mà ở Tuyên Quang, có một cô bé mới chỉ lên 10 tuổi đã có kinh nghiệm bán chè bưởi 3 năm và mô hình kinh doanh online của em rất thành công. Trong ví em lúc nào cũng có hơn 1 triệu đồng, em tự mua sắm đồ hiệu, đóng tiền học phí cho mình.
Đó là cuộc sống của Bống. "Thần đồng kinh doanh" này vừa xuất hiện trong chương trình "Mặt Trời bé con" (Little Big Shots) lên sóng tối 2/12, để lại ấn tượng lớn với khán giả.
Để hiểu thêm về con đường "làm giàu" của cô chủ 10 tuổi, chúng ta hãy đến cuộc trò chuyện với Bống - cô gái nhỏ tuổi nhưng mang một quyết tâm rất lớn!
Bống, "đại gia" chè bưởi 10 tuổi khiến nhiều người ngạc nhiên bởi lối tư duy già dặn.
Tiền bán chè mua được iPhone, giày hiệu
Chào Bống, em có thể giới thiệu qua về mình với các bạn đọc được chứ?
Chào các anh chị, em tên đầy đủ là Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (sinh năm 2007, tại Tuyên Quang). Mọi người hay gọi em là Bống.
Em đang học sinh lớp 5 trường Tiểu học Phan Thiết (Tuyên Quang). Em là con út trong gia đình có 2 chị em gái. Chị em là Thu Trang (Trang Chép) hiện là sinh viên năm hai khoa Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bố em đang công tác tại Trung tâm chăm sóc khách hàng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Mẹ em là kỹ sư Công nghệ thông tin, công tác tại công ty điện lực Tuyên Quang.
Vì sao Bống chọn kinh doanh chè bưởi mà không phải một loại chè hay thức ăn nào khác?
Em bắt đầu bán chè bưởi từ đầu năm lớp 2 đến nay. Chè bưởi có xuất xứ từ miền Nam và là món người miền Bắc rất thích ăn. Thường thì trong miền Nam mới có món chè bưởi hoàn hảo đúng vị, vậy nên em muốn bán món chè này để những ngoài Bắc cũng có thể thưởng thức món này!
Em đã tự tìm công thức nấu chè trên mạng rồi nấu thử ở nhà. Em nấu không thành công khoảng 15 nồi rồi dần dần rút kinh nghiệm và đã nấu được món chè như mong muốn.
Bống bán được bao nhiêu cốc chè bưởi/ngày? Khách hàng của Bống là những ai?
Những ngày thấp điểm, em bán được tầm 50 cốc. Những ngày đông khách như dịp lễ, em bán được 400 cốc. Mỗi cốc có giá 8.000 đồng.
Khách hàng của Bống là những anh chị, cô chú trong xóm và những người dõi theo Bống trên Facebook, Instagram hoặc Youtube. Có cô mua chè của em cho cả cơ quan thưởng thức, mang cả ô tô đến nhà em chở hàng trăm cốc chè.
Ngoài chè, Bống có thể tự tin mình nấu ngon những món nào khác?
Em biết nấu khá nhiều món, các món ăn hàng ngày của gia đình ăn như cá rán, thịt kho, đậu phụ sốt cà chua, các món rau... em đều nấu được. Ngoài ra, em làm khá ngon các món như gà xé phay, tôm chiên xù, mì Ý, sườn xào chua ngọt, salad.
Mỗi lần nấu món mới, em đều học từ các chuyên gia ẩm thực ở trên mạng.
Có khách đặt đến cả trăm cốc chè bưởi do Bống nấu.
Bống cân bằng giữa việc học và việc kinh doanh của mình như thế nào?
Em chỉ học chính khóa vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Em cũng học thêm tiếng Anh và tập võ vào cuối tuần.
Hàng ngày sau khi hoàn thiện bài tập và chuẩn bị kỹ cho buổi học ngày hôm sau, em sẽ tranh thủ chụp ảnh các mặt hàng em bán, đăng ảnh lên trang, tìm nguồn hàng, viết quảng cáo, các việc đó xong sớm thì en tranh thủ đọc các cuốn sách sắp bán để viết lời giới thiệu nội dung sách (ngoài bán chè, Bống còn bán sách và đồ chơi).
Có tuần em không bán hàng vì một số lí do như: chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Anh, thi học kì, đi du lịch. Trước khi đi ngủ, em thường lập kế hoạch các công việc cho ngày hôm sau. Vì vậy em vẫn dành một quỹ thời gian đọc thêm sách về các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gates, Jack Ma; hoặc các cuốn sách được mẹ giới thiệu như "Lịch sử giao thương" của Willam J.Bernstein hoặc "Từ tơ lụa đến Silicon" của Jeffrey E.Garten...
Sau mỗi giờ lên lớp, cô bé kiếm được tiền triệu nhờ nồi chè của mình.
Tiền bán chè, Bống dùng để làm gì?
Em tự lập kinh tế từ năm lớp 2. Em rất thích cách tiêu tiền khi chia thành 6 ví. 50% trong số tiền kiếm được, em dành cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống, sinh hoạt.
Số còn lại dành cho giáo dục, tự do tài chính, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và tiết kiệm dài hạn. Chắc chắn phải có 10% để tích lũy dài hạn.
Khi quyết định chi một món tiền dù là mua sắm, hưởng thụ, hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.... thì món tiền đó đã nằm trong kế hoạch hết rồi, và em cứ yên tâm mà chi ra thôi. Hiện nay, em chỉ học thêm một môn Anh Văn. Em và mẹ chia đôi số tiền học phí này.
Lên truyền hình Bống tiết lộ mình đã tự bỏ tiền túi ra để mua đôi giày 1,9 triệu đồng. Ngoài ra, em có còn tự mua cho mình món đồ nào đắt hơn thế chưa? Em có thích xài đồ hiệu không?
Ngoài đôi giày đó, em còn tự mua laptop. Hiện tại, em đang tiết kiệm để mua iPad Air 2 để có thể học ngoại ngữ linh hoạt hơn. Em cũng rất thích có một cái iPhone mới. Em nghĩ ai cũng có mong muốn sài đồ hàng hiệu, em đặc biệt thích đi giày của Converse, Vans, Nike...
Em cũng đã từ chối mua một số món đồ mà bố mẹ gợi ý vì thấy chưa thực sự cần thiết, vì thế bố mẹ em hoàn toàn tin tưởng vào các kế hoạch chi tiêu của em.
Muốn mình giàu có hơn nữa!
Tiền bạc, có ý nghĩa gì với Bống? Có lúc nào em cảm thấy mình tách biệt khỏi đời sống hay suy nghĩ của các bạn đồng trang lứa vì kiếm được tiền sớm?
Em nghĩ nếu mọi người có nhiều tiền có thì mọi việc sẽ tốt hơn, bệnh viện trường học sẽ đẹp hơn, chắc chắn cuộc sống sẽ hạnh phúc vui vẻ hơn. Em nghĩ điều quan trọng là phải kiếm tiền chân chính, vì vậy em luôn mong muốn trở nên giàu có.
Các bạn trong lớp rất thân thiện và vui vẻ với em. Các bạn ý cũng là khách hàng thân thiết của món chè bưởi, sách và đồ chơi mà em bán. Các bạn trong lớp em đều yêu quý nhau, em thấy lớp em cực kỳ đoàn kết.
Ngoài công việc kinh doanh thuận lợi, việc học của Bống tại trường thế nào? Em yêu thích môn học nào nhất?
Suốt 5 năm liền, em là học sinh có thành tích học tập tốt và luôn ở top đầu của lớp. Môn học yêu thích nhất của em là môn tiếng Anh, cho dù trình độ tiếng Anh so với các bạn sinh sống ở thành phố lớn còn rất khiêm tốn.
Em xác định còn phải học tiếng Anh trong nhiều năm nữa, nhưng tinh thần chia sẻ thì luôn sẵn sàng.
Dịp hè vừa rồi, em tổ chức dạy miễn phí cho các em bé 5-6 tuổi, còn hiện tại em vừa đi phỏng vấn và đang thử việc với vị trí trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh tại TP. Tuyên Quang.
Ngoài việc học tập, em tham gia câu lạc bộ võ cổ truyền tại NVH thiếu nhi tỉnh Tuyên Quang từ năm học mẫu giáo lớn. Gần sáu năm qua, em vẫn luôn duy trì chế độ luyện tập đều đặn để giữ phong độ.
Tại đại hội thể dục thể thao của tỉnh năm 2013, em đạt huy chương Đồng về võ thuật. Đến năm nay thì giật được huy chương Bạc.
Em cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia hoạt động trong đội Thanh niên trẻ tình nguyện do tỉnh đoàn Tuyên Quang tổ chức, thường xuyên ủng hộ và tham gia các hoạt động thiện nguyện của đội.
Bố mẹ rất tự hào về em.
10 tuổi những có đam mê với ẩm thực lớn đến thế, Bống đã bao giờ nấu cho bố mẹ một bữa ăn hoàn chỉnh chưa?
Em vẫn thường nấu ăn cho bố mẹ hàng ngày mà. Các bữa ăn hai mẹ con đều cùng nhau nấu, nhiều khi em là bếp trưởng, còn mẹ chỉ là người phụ giúp cho thôi. Nếu mẹ em bận hoặc đi vắng, em có thể tự nấu được. Bữa sáng thường là em tự nấu.
Năm 2016, em có tham gia chương trình Vua đầu bếp nhí của VTV3. Sau vòng phỏng vấn, em là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong các thí sinh lọt vào vòng nấu thử.
Món em nấu được ban giám khảo đánh giá rất ngon, nhưng vì chiều cao cân nặng của em nhỏ quá so với bàn bếp và có thể không dùng được các loại dao chặt hoặc bếp nướng nên em được hẹn sẽ đồng hành cùng chương trình vào năm sau.
Ước mơ của Bống là gì?
Từ nhỏ đến giờ, em ước mơ rất nhiều thứ, bé thì thích làm cô giáo, rồi thích làm công an nhưng hiện giờ thì Bống ước sau này sẽ trở thành người kinh doanh và có chuỗi cửa hàng trên nhiều nước.
"Giúp con thấy được giá trị của lao động"
Chị Dương Thanh Thúy (mẹ Bống) sinh năm 1975, kỹ sư CNTT, công tác tại Công ty điện lực Tuyên Quang chia sẻ về con gái.
Thưa chị Thúy, chị có sợ, con thành công sớm sẽ hư?
Tôi thấy con cũng chỉ mới làm quen với kinh doanh trong thời gian ngắn, nhưng con cũng đã hiểu thế nào là làm ăn chân chính, con cũng đã hiểu điều quan trọng nhất của mỗi người không phải là nhiều tiền hay ít tiền mà là sự tử tế, và hai vợ chồng vẫn luôn đồng hành cùng con trong từng suy nghĩ và việc làm để hướng con đến những gì lành mạnh và tốt đẹp!
Đến một lúc nào đó công việc kinh doanh dần lớn lên và vượt quá khả năng quản lý của con, bố mẹ dự định sẽ làm gì để giúp con?
Tôi thực sự chưa nghĩ đến đều đó, nhưng nếu điều đó đến thì đó là điều đáng mừng, bởi kinh doanh cũng là môi trường thực tế rất tốt để con có thêm kiến thức kinh nghiệm, chắc chắn lúc đó bố mẹ sẽ tìm cách giúp con để con có đủ thời gian dành cho học tập, cho các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi của con.
Thông qua việc cho con kinh doanh, tự lập tài chính sớm, anh chị muốn dạy con điều gì?
Ban đầu vợ chồng mình cũng chỉ muốn con hiểu, chia sẻ với bố mẹ sự cần thiết của việc "mỗi người cần nỗ lực học tập, làm việc để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có thêm thu nhập cho bản thân, có thể giúp đỡ một phần nhỏ cho người khác....".
Tiếp đó vợ chồng tôi tạo động lực để con được trải nghiệm thực tế, con biết được việc kiếm tiền là quan trọng nhưng việc tiêu tiền cũng quan trọng không kém. Và hơn cả là con thấy được giá trị của lao động, biết giữ gìn sức khỏe, biết chia sẻ với người khác và biết trân trọng cuộc sống!
"Em là đứa trẻ năng động nhất xóm!"
Bích Hạnh (chị cùng xóm, khách hàng của Bống) nhận xét: "Mình ở cách nhà Bống mấy căn. Bống được nhiều người quan tâm vì em quá quá giỏi và năng động nhất xóm ấy! Bống vừa biết vẽ tranh, nấu ăn, biết võ lại chăm đi từ thiện nữa. Bống nấu chè rất ngon, mình ăn suốt".