4 tháng Sài Gòn giãn cách, chú Tư "chơi lớn" miễn hết tiền trọ
Đó là lời chia sẻ của những người dân sống trong hẻm 147 Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân khi suốt thời gian giãn cách xã hội, chú Lê Tuấn Giảng (78 tuổi, chủ trọ) luôn đồng hành, hỗ trợ mọi người.
Hình ảnh chú Tư hỗ trợ lương thực, phát tiền cho bà con khu trọ ở Sài Gòn khiến nhiều người "ganh tị"
Không chỉ giảm/miễn tiền trọ suốt 4 tháng, chú Tư (tên thường gọi) còn đi xin rau củ, gạo mì để tặng bà con thuê trọ trong hẻm. 5 ngày trước, chú Tư bất ngờ gọi mọi người ra đầu ngõ rồi cầm cọc tiền 200.000 đồng phát cho bà con nghèo.
Việc làm của chú Tư được một người dân trong hẻm đăng tải lên mạng xã hội khiến ai nấy đều trầm trồ, để lại nhiều bình luận hóm hỉnh ghen tị "chủ trọ nhà người ta".
4 tháng Sài Gòn giãn cách, chú Tư "chơi lớn" khi miễn hết tiền trọ cho bà con
Chiều 12/10, chúng tôi tìm đến dãy nhà trọ của chú Tư, từ đầu hẻm, bà con đã rôm rả bàn nhau chuyện "ông Tư già" bất ngờ nổi tiếng, cả con hẻm cũng được thơm lây vì có chú Tư tốt bụng, hào sảng giữa mùa dịch bệnh.
"Ông Tư già ròm ròm nhà chỗ kia kìa, ổng tốt dữ lắm, mấy bữa trước còn đem tiền phát cho bà con khu trọ. Giờ em đi tới quán tạp hóa kia, hỏi người ta là biết hà", một người phụ nữ đầu hẻm 147 nói vọng ra.
Quán tạp hóa trước dãy trọ, ai cũng hồ hởi kể về chú Tư - chủ trọ "xịn" nhất Sài Gòn
Chúng tôi vừa dừng xe trước dãy phòng trọ, mấy cô chú ngồi ở quán tạp hóa đã nhanh nhẹn giới thiệu chủ trọ "xịn" nhất Sài Gòn.
- Chú Tư nổi tiếng quá hen, có người lại tìm đến thăm chú Tư ơi.
- Sáng giờ cũng có 2-3 người đến rồi, ổng ở trong nhà đó, tụi con vô đi.
Tiếng của mấy người hàng xóm lanh lảnh, từ trong nhà, người đàn ông lớn tuổi bước ra, niềm nở.
Dãy trọ của chú Tư có 15 phòng cho công nhân và người lao động thuê với giá 1.3 triệu/tháng, riêng 4 tháng mùa dịch, chú Tư không lấy tiền
Gắn bó với Sài Gòn hơn 50 năm, chú Tư đã coi mảnh đất này như quê hương thứ 2 của mình, sau khi người vợ mất, chú Tư dọn về sống tại dãy trọ 147 Lê Đình Cẩn để gần gũi bà con xóm làng.
15 phòng trọ được xây dựng kiên cố được chú Tư cho bà con thuê với giá "hạt dẻ" 1.3 triệu/phòng trở thành nguồn thu nhập chính của chú ở cái tuổi xế chiều. Rồi dịch Covid-19 bùng phát, những người thuê trọ của chú Tư lần lượt mất việc, không có thu nhập, không đắn đo, chú quyết định miễn luôn tiền trọ khiến ai nấy đều xúc động.
"Tháng đầu tiên (tháng 7) chú bớt cho nửa tiền, 2 tháng sau (tháng 8-9) thì chú miễn phí luôn không lấy đồng nào. Tháng này (tháng 10) bà con bắt đầu đi làm lại nhưng chưa có tiền đóng liền nên chú miễn tiếp, tháng sau rồi tính chứ bà con khổ quá, chú có thì cho thôi", chú Tư hồ hởi nói.
Xuất phát từ khó khăn, gian khổ nên chú Tư rất hiểu và cảm thông cho những phận người lênh đênh trong xã hội
Tận mắt chứng kiến cảnh khó khăn, chật vật của những bà con ở trọ khi tiền làm hàng tháng chỉ đắp đổi qua ngày nên chỉ cần san sẻ được điều gì, chú Tư đều không ngần ngại, ra sức hỗ trợ bà con. Từ đầu mùa dịch, ngoài việc miễn/giảm 4 tháng tiền trọ, chú Tư còn hỗ trợ gạo mì, rau củ cho bà con.
Dù đã 78 tuổi nhưng lúc nào chú Tư cũng thấy tràn đầy năng lượng khi được làm những việc yêu thích.
Dù là đi phát gạo, nhận rau, hễ việc gì giúp được bà con là chú Tư luôn hết mình!
"Quá khứ của chú quá nghèo khổ đi, nên từ cái nghèo khổ ấy mà chú đồng cảm với mọi người, mình có tiền giúp tiền, mình có sức giúp sức. Chú ở đây có một mình hà, con cái ở xung quanh thì lui tới, tụi nó cũng khích lệ chú làm, đó cũng là niềm vui trong cuộc sống", chú Tư chia sẻ.
"15 phòng trọ của chú không ai về quê luôn, vì chú Tư lo hết"
Sau khi Sài Gòn nới lỏng giãn cách, những người trong khu trọ của chú Tư bắt đầu quay trở lại làm việc. Để động viên bà con tiếp tục cố gắng, vượt qua giai đoạn khó khăn vì thất nghiệp, chú Tư vét hết tiền túi rồi kêu con gái phụ thêm để tặng bà con trong dãy trọ và những khu vực lân cận.
Với mọi người, chú Tư như người ông, người cha, lúc nào cũng yêu thương, quan tâm giúp đỡ nhau
"Hôm đó (8/10) chú cầm cọc tiền gọi mọi người ra phát, bà con bất ngờ dữ lắm. Chú không chỉ phát cho phòng trọ của chú mà phát nguyên con hẻm này luôn, ai thuê trọ đều có vì ai cũng khổ cả. Phát một xíu là hết sạch 16 triệu. Chú nghĩ không có gì vui sướng bằng việc thiện, nó giống như liều thuốc bổ vào người chú vậy. Chú không có nhiều tiền thì làm từ thiện theo khả năng của mình, vậy mà vui", chú Tư cười nói.
Dẫn chúng tôi đi xem dãy trọ 15 phòng, chú Tư giới thiệu bà con thuê trọ hầu hết là công nhân, người làm thuê, lao động tự do nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. 4 tháng trời Sài Gòn giãn cách, tất cả đều thất nghiệp nên chú Tư ra sức hỗ trợ mọi người. Chú xem những người thuê trọ là người thân của mình, ai cần gì, nếu đủ khả năng chú đều chia sẻ. Vậy nên có người đã ở lại dãy trọ của chú Tư đến 6-7 năm.
Mấy đứa trẻ khu trọ hớn hở khi nhìn thấy chú Tư ghé thăm, đứa nào đứa nấy đều quấn lấy "ông Tư già" dễ mến
Anh Vũ (quê Đồng Tháp) đã gắn bó với chú Tư được 6 năm, cả 2 vợ chồng lên Sài Gòn để làm công nhân, dù đã đi thuê trọ ở rất nhiều nơi nhưng theo anh Vũ chưa có chủ nhà trọ nào tốt như chú Tư cả.
"Chú Tư giống như bậc cha, chú của anh vậy, ở đây ai cũng quý chú cả. Phòng trọ thì rẻ mà có cái gì chú cũng giúp đỡ, mấy tháng qua nếu không có sự hỗ trợ của chú Tư chắc ở đây bà con sống không nổi. 15 phòng trọ của chú không ai về quê luôn, vì chú Tư lo hết", anh Vũ vui vẻ nói.
Anh Vũ đã thuê trọ chú Tư được 6 năm, anh xem chú Tư như người thân của mình
Cách phòng trọ của anh Vũ 2 căn, chị Huyền (quê Kiên Giang) cùng đứa con gái nhỏ xúc động khi mấy năm trời ở trọ, chú Tư đều hết lòng giúp đỡ.
"Mấy ngày trước, chú Tư kêu em ra nhận tiền, em vui lắm, chú đã không thu tiền nhà mà còn cho thêm mọi người nữa, đồ ăn đồ uống cứ có là chú Tư kêu mọi người ra lấy, chú Tư tốt quá trời luôn", chị Huyền hồ hởi nói.
Mẹ con chị Huyền xúc động khi luôn được chú Tư hỗ trợ suốt mùa giãn cách ở Sài Gòn
Anh Tú bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nhắc đến chú Tư
Trong khi đó, anh Tú dù không ở dãy trọ của chú Tư nhưng vẫn nhận được tiền hỗ trợ, anh cho biết bà con trong hẻm 147, ai cũng xem chú Tư là "ông bụt" khi hết lòng giúp đỡ mọi người, nhất là trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Ngồi cạnh chú Tư, anh Vũ Tuấn Khanh (hàng xóm) cho biết chú Tư là người sống tình cảm, đợt dịch vừa rồi, anh cùng chú Tư đã kêu gọi, hỗ trợ gạo mì, rau củ cho bà con. Dù chú Tư đã lớn tuổi nhưng hễ có việc gì giúp được mọi người là chú luôn hết mình.
"Đợt dịch vừa rồi, mẹ anh cũng mất, thấy bà con khổ, thiếu ăn, anh với chú Tư chỉ muốn giúp đỡ để mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn. Anh mong dịch bệnh sẽ qua, bà con sẽ có cuộc sống ổn định trở lại, đừng có mất mát, đau thương gì nữa", anh Khanh xúc động.
Anh Khanh không cầm được nước mắt khi nhắc về sự ra đi của mẹ và động lực để anh cùng chú Tư giúp đỡ bà con trong hẻm
Có lẽ đối với anh Khanh, chú Tư, việc được giúp đỡ, hỗ trợ mọi người đã trở thành niềm vui trong cuộc sống. Năm nay, chú Tư đã 78 tuổi, ở cái tuổi mà chú gọi là "chẳng còn ham muốn, danh vọng gì nữa", nên động lực của chú mỗi ngày là được nhìn thấy những bà con xóm giềng được đủ cơm ăn, áo mặc. Ai có tiền giúp tiền, ai có công giúp công, mọi người cùng hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua đại dịch.
Ở Sài Gòn, những điều nho nhỏ, tốt đẹp vẫn luôn tồn tại trong các con đường, ngõ hẻm. Vì Sài Gòn không thiếu tình yêu thương và sự bao dung.