Nhiều thập niên trước, những nghề như đập tivi, vẽ tranh truyền thần, viết thư tay, bao tập sách,… rất thịnh hành và được nhiều người biết đến trên mảnh đất Sài Gòn.
Người ta còn nhớ đến những con người luôn cần mẫn gắn bó với nghề để mưu sinh hay cái nghề đã trở thành một người bạn đời không thể tách rời từng giây từng phút.
Mê nghịch lửa trở thành tay ngang giữ lửa
Một ngày cuối tuần, tôi dạo quanh Sài Gòn, bất chợt thấy một người đàn ông đang ngồi cặm cụi trên một góc nhỏ ở đường Lê Lợi (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) cùng với một hộp đồ nghề nhỏ, bỏ quên sự tấp nập của Sài Gòn.
Hỏi ra mới biết, người đàn ông ấy là chú Hoàng Đình Nghiêm (SN 1964, quê ở Hà Nội) hay được mọi người biết đến với cái tên "bác sĩ" chữa bệnh cho những chiếc hộp quẹt cổ.
Điều đặc biệt, quầy "bắt mạch" và "điều trị" của "bác sĩ" Nghiêm không hề có một bảng hiệu nào mà chỉ có một chiếc hộp đồ nghề, mấy cái ghế nhỏ.
Nhưng hầu hết những người thuộc giới thượng lưu, dân chơi hộp quẹt cổ đều biết đến góc nhỏ mà bác sĩ Nghiêm ngồi.
Hình ảnh đầu tiên khi tôi gặp chú Nghiêm là một người đàn ông vô cùng giản dị, giọng nói trầm nhưng rất ấm áp. Chú Nghiêm chỉ vội nhìn tôi cười và nói: "ngồi đi con, ngồi đợi chú một chút.
Chú đang sửa dỡ cái hộp quẹt này" rồi tiếp tục sửa chữa cho chiếc hộp quẹt mà một người khách vừa mới ghé đến và đang cần gấp.
Nhìn đôi bàn tay của chú, tôi cảm nhận được sự tỉ mỉ, lòng đam mê với nghề "giữ lửa" này. Cái nghề theo suốt nửa đời người chú.
Bởi cái nghề này lúc trước ở đất Sài Gòn rất nhiều người theo nhưng dần dần theo thời gian, ít ai bám lấy được với nghề xa xưa này.
Chú Nghiêm là một tay ngang bước vô nghề giữ lửa cho hộp quẹt, bởi đối với chú cái nghề nó chọn mình chứ mình không chọn nó được nên chú lỡ trót theo rồi thì không thể nào bỏ được.
Khi hỏi về cái duyên đến với nghề, chú Nghiêm chia sẻ: "Hồi bé chú hay nghịch lửa, rồi thấy mấy người thợ ở gần nhà chú sửa hộp quẹt nên cũng tò mò và thử tháo lắp các chi tiết của hộp quẹt.
Dần đân từ đó chú đam mê với nghề này nữa nên nó đến với chú không biết từ bao giờ mà chỉ nhớ là chú đã gắn bó với cái nghề này suốt gần 30 năm trời".
Uy tín tạo nên danh tiếng cho "bậc thầy" sửa hộp quẹt
Chú Nguyeem quê gốc Hà Nội nhưng lại được sinh ra ở chính mảnh đất Sài Gòn. Hiện tại, chú đang sống ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM nên khi hỏi về những thay đổi về nghề sửa hộp quẹt, chú hiểu rất rõ.
Ngày xưa nghề này rất thịnh nhưng do với nghề này phải yêu nghề, đam mê thật sự và điều quan trọng là sự uy tín. Bởi đối với nghề sửa hộp quẹt cổ này, khách hàng rất kỹ tính nên sự uy tín của người làm nghề cần phải có.
Bởi có những chiếc hộp quẹt cổ có giá mấy triệu, có khi lên đến vài trăm triệu.
Cũng có khoảng thời gian dài chú Nghiêm đã bỏ nghề vì lý do mưu sinh, nhưng chính vì đam mê vẫn còn nên chú lại quay trở lại, tiếp tục ngồi nơi góc nhỏ vỉa hè thân thuộc.
Nơi mà nhiều người khách thân thuộc đã yêu quý, tin tưởng với tay nghề của chú Nghiêm.
Hằng ngày, chú Nghiêm ngồi nơi góc nhỏ trung tâm Sài Gòn, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, để chờ những người khách tìm đến sửa chữa cho chiếc hộp quẹt của mình.
Do kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên chú Nghiêm chỉ cần nhìn và bật thử lửa là bắt ngay được bệnh của chiếc hộp quẹt.
Mỗi chiếc hộp quẹt chú Nghiêm sửa nhanh nhất là khoảng 15 đến 20 phút, còn lâu nhất là 1 đến 2 ngày, bởi còn tùy thuộc vào bộ phận chi tiết của chiếc hộp quẹt.
Khách đến quầy sửa hộp quẹt của chú Nghiêm đa số là khách quen, những người sưu tầm các loại hộp quẹt cổ. Đối với họ, chú Nghiêm là một bậc thầy về kinh nghiệm sửa hộp quẹt.
Rất nhiều người khâm phục tài năng muốn học nghề nhưng rồi cũng phải bỏ chạy bởi cái nghề này cần sự cẩn trọng và thật khéo léo, nhanh nhạy thì mới có thể theo được.
Khi được hỏi về người tiếp nối nghề sau này, chú Nghiêm chia sẻ: "Chú có dạy cho thằng em họ nhưng mà cái nghề này đâu phải ai muốn làm thì làm bởi nó theo mình chứ mình có theo được nó đâu", nói rồi chú Nghiêm cười
"Nghề này có lúc hẩm hiu có lúc vui lắm cô ơi! Có lần một người khách nước ngoài đến tìm nhưng chú lại không biết tiếng nước ngoài nên chú phải dùng ký hiệu để giao tiếp.
Sửa xong, bất ngờ chú lại được người khách đó khen ngợi và rất quý.
Nên khoảng thời gian sau chú lại nhận được cuộc gọi đến chính là vị khách đó, họ muốn tìm đến chú để sửa những chiếc hộp quẹt khác nên dù nghề có lúc hẩm hiu nhưng khi nhớ đến người khách nước ngoài ấy chú lại quên hết đi những lo toan với nghề", chú Nghiêm chia sẻ
Nhịp sống Sài Gòn ngày càng năng động, không biết bao nhiêu con người đã đến và đi, bao nhiêu người đã chuyển dần sang nghề thích hợp hơn cho công việc mưu sinh.
Những nghề "muôn năm cũ" không chịu nổi sức ép của thời gian nên dần dần biến mất nhưng đối với tấm lòng của chú Nghiêm, cái nghề này sẽ đi theo mãi đến khi không còn sức.
Điều đó khiến cho Sài Gòn trở nên khác biệt và thân thương đến lạ thường...