Đánh giá về 5 năm ra đời Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT nhận định sự ra đời của quỹ đã chia gánh nặng cho ngân sách trong việc bảo trì đường bộ khi chiếm tới 65% số tiền dành cho việc bảo trì đường bộ trên cả nước. Trong đó quỹ trung ương sẽ chia về cho địa phương 35% số tiền phí đã thu.
Từ năm 2013 đến nay, quỹ dự kiến thu được 29.497 tỷ đồng trong đó riêng năm 2017 số tiền ước tính thu được sẽ đạt 7.047 tỷ đồng. Cùng với sự tăng trưởng của phương tiện giao thông, số tiền phí thu được cũng tăng mạnh với mức từ 106% đến 255%.
Tuy nhiên, hàng nghìn tỷ tiền phí đường bộ được nhận định chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Cụ thể, theo đánh giá của Quỹ bảo trì đường bộ, số tiền thu được cũng chỉ đáp ứng được trung bình gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ trong đó năm 2017 với mức phí thu cao nhất cũng chỉ đáp ứng 50,3% nhu cầu tối thiểu.
Theo Bộ GTVT, trước khi thu phí đường bộ, năm 2012 hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài trên 279.925 km, trong đó quốc lộ 16.758 km, đường tỉnh 25.449 km, đường huyện 51.720 km, đường đô thị 17.025 km, đường chuyên dùng 7.837 km và trên 161.136 km đường xã.
Tình trạng kỹ thuật đường bộ nhiều nơi còn thấp kém, đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường chưa bảo đảm cho việc đi lại an toàn, êm thuận; sụt trượt còn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông; số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều.
Sau khi có tiền quỹ, việc bảo trì đường bộ đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, số tiền này được đánh giá là chưa đủ, đặc biệt là khi một số địa phương thấy có quỹ thì cắt giảm ngân sách cho việc bảo trì đường bộ làm cho công tác bảo trì đường bộ tiếp tục khó khăn tại các địa phương.
Bên cạnh đó, việc bãi bỏ thu phí xe máy được nhận định làm giảm gần 2.500 tỷ đồng so với đề án xây dựng ban đầu làm mất tính chủ động và vỡ kế hoạch Quỹ bảo trì đường bộ đã hoạch định trong 5 năm đầu tiên.
Ngoài ra, kinh phí bảo dưỡng thường xuyên mới đạt khoảng 18% vốn của Quỹ trong khi cơ cấu tỷ lệ % dành cho bảo dưỡng hợp lý cần phải tăng lên đạt mức 22% - 25% nên việc bảo dưỡng đường còn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tại nhiều địa phương triển khai kế hoạch của Qũy bảo trì đường bộ còn phức tạp và qua nhiều khâu dẫn đến công tác bảo trì đường bộ tại một số địa phương không được kịp thời.