Gần 2 năm oằn mình dưới "mưa lửa" của Nga - Người Ukraine đã có câu trả lời?

Hoài Giang |

Thông tin bất ngờ nói trên được một kênh thông tin quân sự Ukraine đăng tải ít giờ trước.

"Mưa lửa" của người Nga?

Phản ứng nhiệt nhôm là quá trình phản ứng hóa học tỏa nhiệt trong đó nhôm và một số kim loại mạnh là chất khử ở nhiệt độ cao.

Sau gần 2 năm từ khi Nga phát động cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt, chúng ta không còn lạ lùng gì các màn "pháo hoa" do loại đạn nhiệt nhôm 9M22S của pháo phản lực phóng loạt (MRLS) BM-21 "Grad" gây ra tại các thành trì của phía Ukraine ở miền đông nước này.

Vào năm 2022, tờ Forbes từng có bài viết sâu về loại đạn mà họ gọi là "bom napalm của người Nga" này.

Thay vì mang đầu đạn phân mảnh liều nổ cao như đạn phản lực 9M22, 9M22S mang đầu đạn 9H510 chứa 180 phần tử gây cháy là các "cốc" hợp kim Magie ML5 và lõi là một "ngòi" dạng pháo hoa.

9M22S được thiết kế để tiêu diệt nhân lực và thiết bị của đối phương bằng việc các "cốc" ML5 bốc cháy với nhiệt độ có thể đạt tới 3.000 độ C được phân tán ra xung quanh. Cũng cần nói thêm rằng 3.000 độ C là gần gấp đôi nhiệt độ mà sắt sẽ nóng chảy.

Gần 2 năm oằn mình dưới "mưa lửa" của Nga - Người Ukraine đã có câu trả lời?- Ảnh 1.

9M22S mang đầu đạn 9H510 chứa 180 phần tử gây cháy được chế tạo từ Magie ML5.

Được biết lần đầu tiên đạn nhiệt nhôm 9M22S được các lực lượng Nga chính thức sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt là trong cuộc pháo kích ngày 9/3/2022 tại Popasna (Luhansk).

Tuy nhiên trước đó vào năm 2014, loại đạn này cũng đã được khai hỏa ở Ilovaisk (Donetsk).

Lẽ dĩ nhiên người Nga không gọi 9M22S là "bom napalm" mà họ có một cách gọi khác cho hiệu ứng mà nó mang lại - và đó là "mưa lửa".

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng ngoài 9M22S, BM-21 của người Nga cũng có thể khai hỏa loại đạn nhiệt nhôm 9M28S, thứ ngắn hơn (2,318 so với 2,97 mét), nhẹ hơn (53 so với 66 kg), tầm bắn tối đa ngắn hơn (15 so với 20 km) nhưng đầu đạn 9H510 không đổi.

Video "Mưa lửa" bằng đạn 9M22S và 9M28S tại Avdiivka (Donetsk) được cho là ghi hình vào cuối tháng 1/2024.

Câu trả lời của người Ukraine?

Và theo bài viết được kênh thông tin quân sự Militarnyi của Ukraine đăng tải ít giờ trước, lực lượng vũ trang của nước này đã có câu trả lời cho các màn "mưa lửa" của người Nga - dĩ nhiên là với quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần nguy hiểm.

Cụ thể trước việc các loại lựu đạn được thả từ máy bay không người lái cỡ nhỏ (Drone) chủ yếu là nổ mạnh phân mảnh (không có tác dụng trước tăng thiết giáp) còn đạn gắn cùng FPV Drone (Drone cảm tử góc nhìn thứ nhất) là đạn lõm chống tăng (lãng phí Drone trước mục tiêu là thiết giáp) - họ đã phát triển loại đạn hoàn toàn mới.

Video "đạn nhiệt nhôm trọng lực" của Ukraine vô hiệu hóa một chiếc BTR-80.

Được gọi là "đạn nhiệt nhôm trọng lực", loại đạn này có thể được thả từ FPV Drone (Drone sau đó có thể tái sử dụng chứ không tự hủy cùng đạn) nhằm vào thiết giáp và công sự của đối phương.

Militarnyi cũng không quên đăng tải một video cho thấy người điều khiển máy bay không người lái đã đốt cháy một xe bọc thép chở quân (APC) BTR-82 được cho là bị phía Nga bỏ lại chiến trường chỉ bằng một lần thả đạn.

Kênh thông tin quân sự Ukraine cũng đăng tải hình ảnh về cái gọi là "đạn nhiệt nhôm trọng lực" và cho biết thêm rằng nó có trọng lượng tổng là 700 gam (bao gồm vỏ nhôm hình chữ nhật, bảng mạch điều khiển và hỗn hợp gây cháy nặng 500 gam).

Gần 2 năm oằn mình dưới "mưa lửa" của Nga - Người Ukraine đã có câu trả lời?- Ảnh 2.

"Đạn nhiệt nhôm trọng lực" của phía Ukraine (Ảnh: Militarnyi).

Loại đạn nhiệt nhôm này được tuyên bố là có thể sản xuất hoàn toàn thủ công ở bất kỳ nhà xưởng nào với giá thành chỉ khoảng 12 USD này có thể tạo ra nhiệt độ lên tới 2.500 độ C.

Nhiệt độ này được cho là đủ để xuyên thủng các tấm sắt hoặc nhôm mỏng của thiết giáp.

Militarnyi cũng lưu ý rằng hỗn hợp gây cháy rất có thể chỉ là bột nhôm và bột oxit sắt đồng thời cho rằng loại đạn này rất lý tưởng để sử dụng trước các mục tiêu như thiết giáp, hầm chống pháo, trạm quan sát hoặc kho đạn lộ thiên.

Ngoài ra, kênh thông tin Ukraine cũng nhấn mạnh rằng các lực lượng vũ trang của nước này cũng đang tích cực sử đụng lựu đạn nhiệt áp RGT-27 tự sản xuất cũng như các đầu đạn nhiệt áp (TGB-7V hoặc một bản copy) của súng chống tăng vác vai RPG-7.

Được người Ukraine thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2017, lựu đạn nhiệt áp RGT-27 được phân làm 2 loại dựa theo hình dáng bên ngoài là RGT-27S (thân hình chữ nhật) và RGT-27S2 (thân hình trụ).

Vào năm 2020, các lực lượng vũ trang Ukraine đã đưa RGT-27S và RGT-27S2 vào trang bị.

Mặc dù có trọng lượng không quá 600 gram nhưng lựu đạn RGT-27 có thể duy trì đám mây lửa nhiệt độ từ 2.500 đến 3.000 độ C trong thể tích 13 m3 khoảng 4 giây, cho phép tiêu diệt nhân lực cũng như vô hiệu hóa các thiết bị bọc thép hạng nhẹ.

Gần 2 năm oằn mình dưới "mưa lửa" của Nga - Người Ukraine đã có câu trả lời?- Ảnh 3.

Lựu đạn nhiệt áp RGT-27S2 (thứ 2 từ trái sang) và RGT-27S (thứ 3 từ trái sang) trong một triển lãm (Ảnh: Militarnyi).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại