Gần 10 năm mới có ngày 30 Tết: Chuyên gia lý giải nguyên nhân

Ngọc Sơn |

Đến 9 năm tới, tức vào năm Nhâm Tý 2033, người Việt mới có thể đón khoảnh khắc giao thừa vào ngày 30 Tết.

Ngày 30 Tết - khoảng thời gian giao thời linh thiêng đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam từ bao đời. Mọi người có quan niệm rằng đây là thời khắc để gác lại những chuyện buồn vui, xui xẻo của năm cũ để chào đón một năm mới với nhiều điều mới, tích cực hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng phải đến 9 năm tới, tức vào năm Nhâm Tý 2033, người Việt mới có thể đón khoảnh khắc giao thừa vào ngày 30 Tết, bởi từ nay tới đó, tháng Chạp sẽ chỉ có 29 ngày.

30 Tết gắn liền với khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Dù đi đâu, làm gì, mọi người đều cố gắng hoàn thành công việc để quây quần bên gia đình. 2023 là năm cuối cùng trong thập kỷ này có ngày 30 Tết.

"Em nghĩ có ngày 30 Tết hay không thì nó ở trong lòng mỗi người. Các hoạt động vẫn như thế thì nó không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống mọi người, sinh hoạt là tập tục rồi", chị Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội) bày tỏ.

Gần 10 năm mới có ngày 30 Tết: Chuyên gia lý giải nguyên nhân - Ảnh 1.

Gần 1 thập kỷ tới mới có ngày 30 Tết. (Ảnh: Dân trí)

Tuy nhiên, không ít người cảm thấy xao xuyến và một chút tâm trạng, hụt hẫng.

"Bây giờ thay vì nói là ngày 30 Tết thì chỉ nói là 29 Tết, hôm sau là mùng 1 Tết, cảm giác hơi thiếu thiếu một chút, nhưng em nghĩ không có vấn đề gì lắm", anh Lê Anh Duy (Hà Nội) cho hay.

Mỗi tháng âm lịch bắt đầu vào ngày không trăng, là ngày mặt trăng ở cùng phía với mặt trời, thời điểm này được gọi là điểm sóc. Tuy nhiên, chu kỳ từ trăng tròn đến trăng khuyết chỉ có 29 ngày 12 giờ 44 phút, bởi vậy sẽ có tháng thừa và tháng thiếu. Việc nước ta ở múi giờ +7 cũng khiến chuỗi tháng Chạp thiếu liên tiếp kéo dài hơn.

"Năm 2030, tháng Chạp năm đó điểm sóc rơi vào sau 11h đêm và nó vẫn thuộc về ngày hôm đó, nên tháng đó vẫn là tháng Chạp thiếu. Tuy nhiên cũng là điểm sóc đó với các nước sử dụng múi giờ +8 thì đã rơi vào ngày hôm sau. Do đó chỉ có nước Việt Nam chúng ta sử dụng múi giờ +7 mới có chuỗi 8 tháng Chạp thiếu", Ths. Phạm Vũ Lộc, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết.

Năm nay, nước ta đón giao thừa vào 30 tháng Chạp. Mâm cỗ cúng tất niên ngày 30 có rất nhiều ý nghĩa cả về tín ngưỡng lẫn tinh thần với người Việt Nam và nhiều nước phương đông. Nơi mọi ưu phiền năm cũ để lại phía sau, nhường chỗ cho yêu thương và đoàn tụ

"Dù là ngày 29 hay ngày 30, trong thực hành văn hóa người dân vẫn làm 2 việc quan trọng, thứ nhất là tổ chức bữa cơm đoàn viên, thứ hai là lễ giao thừa", PGS.TS. Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nhận định.

Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, ai cũng cảm thấy háo hức và hồi hộp. Dù ngày cuối năm là 29 hay 30 Tết không quá quan trọng, nhưng cũng nhắc nhở mỗi người sống trọn vẹn hơn, đủ đầy hơn trong ngày 30 Tết, với lời hẹn gần 10 năm nữa mới gặp lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại