Gã khổng lồ dầu khí Nga tung chiến lược mới, khác xa thời Liên Xô: Mục tiêu kéo dài 15 năm

An An |

Giám đốc điều hành của Gazprom cho biết, Moscow đã đặt ra kế hoạch hợp tác với các đồng minh chủ chốt trong khu vực trong 15 năm tới.

Gazprom công bố chiến lược mới

Mới đây, Giám đốc điều hành Gazprom Aleksey Miller tiết lộ, Nga đang tìm kiếm sự hợp tác lâu dài trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên với Kazakhstan và Uzbekistan.

Cho đến gần đây, các thỏa thuận của Nga với các đồng minh Trung Á có thể được mô tả là ngắn hạn, ông Miller nói với kênh truyền hình Russia 1 TV trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/11. Tuy nhiên, ông nói rằng các nước hiện đã đặt ra "mục tiêu 15 năm" .

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do tại sao khí đốt của Nga hiện đang chảy đến Trung Á chứ không phải ngược lại như thời Liên Xô (xuất khẩu khí đốt sang châu Âu), CEO Gazprom cho hay, hiện Nga đã mở rộng cơ sở tài nguyên thiên nhiên và đứng đầu thế giới về sản xuất khí đốt.

"Thứ hai, chúng ta phải hiểu rằng các nước Trung Á hiện đang phát triển rất năng động. Chúng tôi hiểu rất rõ tốc độ tăng trưởng", ông Miller nói thêm.

Hồi đầu tháng, phát biểu tại cuộc họp toàn thể của Diễn đàn Khí đốt Quốc tế St. Petersburg hôm 1/11, CEO Miller ghi nhận sự hợp tác thành công kéo dài hàng thập kỷ của Gazprom với ba nước trong nhiều dự án.

Gã khổng lồ dầu khí Nga tung chiến lược mới, khác xa thời Liên Xô: Mục tiêu kéo dài 15 năm - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Gazprom. Ảnh: Reuters

"Đây là một cột mốc mới. Chúng tôi đang thiết lập một cơ sở hợp đồng lâu dài cho quan hệ đối tác. Chúng tôi đã xác định phạm vi hợp tác với các đồng sự đến từ Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan trong 15 năm tới".

Theo ông Miller, Gazprom đang tìm cách mở rộng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho ba nước này, cũng như tăng cường năng lực vận chuyển khí đốt ở Kazakhstan thông qua hệ thống đường ống Trung Á-Trung tâm (CAC).

Điều này sẽ liên quan đến năng lực vận chuyển cũng như nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp của Nga tới người tiêu dùng ở Trung Á, đồng thời ông cho biết thêm rằng, các bên đặt mục tiêu thiết lập cơ sở hợp đồng hợp tác vào giữa năm 2024.

Được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1988, CAC là dự án đường ống trên bờ dài 4.892km do Gazprom vận hành. Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên này chạy từ Turkmenistan qua Uzbekistan và Kazakhstan tới Nga.

Người ta ước tính nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Á có thể đạt 20 tỷ m3 vào năm 2030.

Các nước EU vẫn mua khí đốt của Nga

Ở diễn biến liên quan, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Nga Rossiya-1 ngày 11/11, CEO Gazprom cho biết, một số quốc gia EU trước đây khẳng định đã ngừng hoàn toàn việc mua khí đốt của Nga vẫn đang nhập nhiên liệu từ nước này.

Ông Miller không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về khối lượng khí đốt của Nga mà các quốc gia EU đang nhận.

"....Khí đốt của Nga được cung cấp cho nhiều quốc gia đã tuyên bố từ chối tiêu thụ nó. Nga hiện đang vận chuyển khí đốt tự nhiên qua Ukraine đến trung tâm Baumgarten của Áo," ông nói.

"Đây là một trung tâm rất lớn của châu Âu, cung cấp khí đốt cho các quốc gia khác khắp khối EU".

Ông Miller không nêu tên quốc gia nào trong số 27 quốc gia EU tiếp tục nhận khí đốt tự nhiên từ Nga.

Theo CEO Gazprom, dựa vào các hợp đồng hiện có, Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho các nước ở phía nam và đông nam châu Âu.

Vào năm 2022, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho thị trường EU bắt đầu giảm do đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream bị vỡ và do một số quốc gia thành viên EU từ chối thanh toán nhiên liệu bằng đồng rúp, bao gồm Hà Lan, Đan Mạch, Bulgaria và Phần Lan.

Hiện nay, Nga đã đa dạng hóa nguồn tiêu thụ năng lượng, hướng tới thị trường châu Á và một số nước Nam Mỹ như Brazil.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại