Hãng bia Đan Mạch tố Nga
Hôm 31/10, Giám đốc Công ty sản xuất rượu bia nổi tiếng thế giới Carlsberg tuyên bố, công ty này đã cắt chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh ở Nga.
Theo Reuters, Carlsberg đã cố gắng bán công ty con Baltika ở Nga từ năm ngoái, theo chân nhiều công ty phương Tây khác rời khỏi đất nước này sau xung đột Ukraine. Baltika là nhà sản xuất bia hàng đầu tại Nga, chiếm khoảng 30% thị phần.
Tuy nhiên, sau khi Carlsberg thông báo vào tháng 6/2023 rằng họ đã tìm được người mua lại hoạt động kinh doanh này thì chính phủ Nga đã ra lệnh tạm thời thu giữ cổ phần của Carlsberg tại nhà sản xuất bia địa phương kể trên.
Giám đốc điều hành Carlsberg Jacob Aarup-Andersen cáo buộc rằng động thái của Nga không khác nào việc "đánh cắp kinh doanh".
"Không có cách nào khác để phủ nhận sự thật rằng họ đã đánh cắp hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Nga và chúng tôi sẽ không giúp họ chứng minh điều đó là hợp pháp", ông này nói.
Carlsberg có 8 nhà máy bia và khoảng 8.400 nhân viên ở Nga, đồng thời ghi nhận khoản thiệt hại trị giá 1,41 tỷ USD.
Ông Aarup-Andersen cho biết, do hạn chế tiếp xúc với ban lãnh đạo công ty con Baltika và chính quyền Nga kể từ tháng 7 nên Carlsberg đã không thể tìm ra giải pháp khác.
Bia Carlsberg tại nhà máy bia Baltika ở St. Petersburg. Ảnh: TASS
Đến đầu tháng 10, Carlsberg đã quyết định chấm dứt các thỏa thuận cấp phép cho các thương hiệu của mình ở Nga, vốn cho phép Baltika sản xuất, tiếp thị và bán tất cả các sản phẩm của Carlsberg tại nước này.
"Khi những giấy phép này hết thời gian ân hạn, họ sẽ không được phép sản xuất bất kỳ sản phẩm nào của chúng tôi nữa. Tất nhiên, tôi không thể đảm bảo điều đó sẽ xảy ra, nhưng đó là kỳ vọng của chúng tôi", ông Aarup-Andersen cho hay.
Nga nói vụ tịch thu là hợp pháp
Đến ngày 11/11 vừa qua, Điện Kremlin lần đầu lên tiếng về vụ việc.
Theo Moscow Times, phía Nga phủ nhận việc đánh cắp hoạt động kinh doanh của Carlsberg và khẳng định, quyết định tịch thu công ty này là hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: "Thông tin được đưa ra trong cách giải thích của Aarup-Andersen không liên quan gì đến tình hình thực tế".
Bà Zakharova cho biết, số cổ phần này được tạm thời chuyển nhượng dưới sự quản lý của nhà nước theo quy định của pháp luật.
Moscow Times tiết lộ thêm, Cơ quan Quản lý tài sản nhà nước Liên bang Nga (Rosimushchestvo) sau đó đã bổ nhiệm ông Taimuraz Bolloev làm chủ tịch của Baltika.
Bolloev trước đây từng giữ cương vị chủ tịch của công ty này trong vòng 13 năm, cho đến năm 2004.
Hàng trăm công ty phương Tây đã rời khỏi Nga trong 20 tháng kể từ sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, trong đó nhiều công ty phải chịu chiết khấu cao hoặc xóa sổ toàn bộ tài sản.
Đồng thời, Điện Kremlin đã thắt chặt các hạn chế đối với các công ty nước ngoài đang cố gắng bán các công ty con ở Nga.