Không, đây không phải là câu chuyện cổ tích gà đẻ trứng vàng. Chúng ta đang nói đến sự tồn tại của một loài vi khuẩn thực sự có khả năng… đẻ ra vàng.
Tên loài vi khuẩn này là Cupriavidus metallidurans, và chúng sống ở những vùng đất rất độc hại với nhiều loại kim loại nặng khác nhau.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã tìm ra cơ chế phân tử giúp loài vi sinh vật này có thể thải ra vàng. Nó liên quan mật thiết tới sự sinh tồn của loài vật này trong môi trường của nó.
Cả đồng và vàng, ở số lượng lớn, đều rất độc hại. Nhưng vi khuẩn lại rất cần đến đồng để có thể tồn tại.
Để giải quyết vấn đề này, loài vi khuẩn Cupriavidus metallidurans hoạt hóa với loại enzyme đặc biệt tên là CupA, giúp phân hủy và bơm lượng đồng dư thừa ra ngoài, giữ cho chúng tiếp tục sống khỏe mạnh.
“Trừ việc tồn tại quá nhiều kim loại nặng, đây là môi trường sinh sống cũng không đến nỗi tệ.
Có đủ hydrogen để tạo năng lượng, và gần như chẳng có loài vi khuẩn nào khác cạnh tranh với chúng.
Nếu chúng đã tồn tại được ở đây, chúng phải có cách để chịu được lượng độc chất kim loại nặng.” - Giáo sư Dietrich H. Niels, chuyên ngành vi sinh vật thuộc đại học Martin Luther cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi vàng xuất hiện. Hỗn hợp vàng - đồng là cực kỳ độc hại, và để chống lại loại độc tố này, chúng sẽ bất hoạt enzyme CupA và hoạt hóa enzyme CopA.
Enzyme này sẽ giúp chuyển hóa hỗn hợp cực kỳ khó hấp thu này thành các dạng dễ tiêu hơn.
Quá trình này, ngoài việc bảo vệ loại vi khuẩn, còn đem đến một kết quả bất ngờ khác: chúng phân tách hỗn hợp vàng và đồng thành các dạng hợp chất riêng biệt và được đào thải ra ngoài. Kết quả là, chúng tạo ra những cục vàng vô hại với kích thước chỉ một vài nanomet.
Cupriavidus metallidurans chính là tác nhân tạo ra loại vàng thứ sinh, hay loại vàng mà bạn vẫn thấy trong các mỏ quặng vàng ngày nay.
Tham khảo: Iflscience