G20: Bắc Kinh "cấm" Shinzo Abe đề cập biển Đông với Tập Cận Bình

Thủy Thu |

Bắc Kinh đã yêu cầu dời lịch, cũng như "cấm" đề cập biển Đông trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20.

Chính phủ Nhật Bản tối 4/9 thông báo, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều ngày 5/9 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Kyodo News (Nhật Bản) tiết lộ, Tokyo vốn đề xuất tổ chức cuộc hội đàm vào ngày 4/9 nhưng Bắc Kinh không đồng ý và cho lùi sang ngày 5/9.

Tờ này dẫn lời một quan chức chính phủ Tokyo cho biết, Bắc Kinh "muốn theo dõi hành động của Thủ tướng Abe tại G20" để quyết định thời gian cuộc hội đàm.

Được biết, tại phiên họp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Abe muốn thảo luận về những động thái của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông hoặc yêu cầu Bắc Kinh cần kiềm chế trong hành động đưa tàu đến gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Đồng thời, ông Abe cũng có kế hoạch kêu gọi hai bên cần sớm khởi động "cơ chế liên lạc" trên biển cũng như thông qua đối thoại cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Ngày 4/9, tại sân bay Quốc tế Haneda, trước khi bay đến Trung Quốc tham dự Hội nghị G20, Thủ tướng Abe phát biểu:

"Tôn trọng các nguyên tắc quốc tế và tự do hàng hải là điều cực kỳ quan trọng. [Nhật Bản] muốn thông qua chương trình nghị sự này để thể hiện lập trường của mình trên vấn đề biển Đông và Hoa Đông".

Tuy nhiên, Kyodo News tiết lộ, Bắc Kinh mới đây yêu cầu Tokyo "không được phép chỉ trích quá mức nước này về vấn đề hàng hải trên bàn nghị sự sắp tới", đồng thời đòi hỏi Nhật nhượng bộ cũng như không đề cập vấn đề biển Đông tại hội nghị G20.

Theo giới quan sát, hai bên Trung - Nhật đã có buổi thảo luận trước khi phiên họp chính thức được diễn ra. Theo đó, cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 30 phút và Bắc Kinh "không đồng ý hơn nửa thời gian cuộc họp được dùng để bàn về vấn đề biển Đông và vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư".

"Điều này cho thấy, Bắc Kinh cực kỳ nhạy cảm trong việc vấn đề biển Đông có thể trở thành nội dung thảo luận chính tại G20", Kyodo News nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại